Saturday, 23/11/2024

Các hãng gọi xe công nghệ 'chen chân' vào cuộc đua xe điện

09:30 28/06/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Các hãng gọi xe công nghệ đều đang hướng tới sử dụng xe điện. Tại Đông Nam Á, Grab và Gojek đã công bố những mục tiêu cho việc đổi mới phương tiện vận chuyển này.

Những tưởng COVID-19 sẽ làm chùn bước chân nhiều đại gia công nghệ trong lĩnh vực gọi xe, nhưng thực tế, trong một diễn biến mới, sàn thương mại điện tử Lazada đã lấn sân dịch vụ gọi xe công nghệ qua việc hợp tác cùng dịch vụ gọi xe là CDG Taxi tại thị trường Singapore. Trong khi đó, Hãng hàng không AirAsia cũng đang lên kế gia nhập mảng gọi xe công nghệ.

Tại Việt Nam, sau quãng thời gian đốt tiền giành thị phần, hiện lĩnh vực ứng dụng gọi xe hầu như chỉ còn 3 ông lớn là Grab, Be, Gojek (chiếm tới 99,3% thị phần cả nước).

Theo Báo cáo mới nhất của ABI Research, về thị phần, Grab chiếm 74,6%, Be chiếm 12,4%), Gojek chiếm 12,3%. Những cái tên khác như FastGo, MGo, Vato, viApp, GV Taxi… không thể chen chân, cạnh tranh nổi tại sân chơi đốt tiền này.

Có vẻ như cuộc chơi trên thị trường gọi xe công nghệ đã ngã ngũ. Cuộc cạnh tranh hiện tại giữa 3 ông lớn Grab, Gojek và Be sẽ là cuộc chiến về tài chính và công nghệ. Theo đó, ứng dụng gọi xe công nghệ sẽ phát triển thành các siêu ứng dụng với hàng chục tính năng, dịch vụ, sản phẩm khác nhau.

Grab sẽ triển khai ôtô điện tại Việt Nam

Ông lớn trong lĩnh vực đặt xe - Grab vừa cho biết đã mở rộng quan hệ đối tác với đại gia sản xuất ôtô Hàn Quốc Hyundai để thúc đẩy ứng dụng xe điện tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Việc thí điểm này sẽ bắt đầu được thực hiện tại Singapore vào cuối năm nay, sau đó sẽ mở rộng sang các nước như Việt Nam và Indonesia.

Sau khi thí điểm chương trình ôtô điện tại Singapore vào cuối năm nay, Grab sẽ mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Việt Nam. Ảnh: Grab

Cụ thể, Grab và Hyundai sẽ thí điểm cho thuê xe điện theo mô hình cho thuê pin (battery-as-a-service). Theo tuyên bố chung đưa ra hôm 23/6, các sáng kiến này nhằm hạ thấp rào cản gia nhập hệ thống, ví dụ chi phí sở hữu phương tiện cho các đối tác tài xế của Grab. 

Dẫn khảo sát tài xế năm 2020, Grab chia sẻ những lo ngại lớn nhất khiến lái xe e ngại ứng dụng xe điện là chi phí, thiếu trạm sạc, thời gian chờ đợi kéo dài khi sạc pin. Hợp tác với Hyundai sẽ giải quyết một số vấn đề đó thông qua thí điểm dịch vụ mới, như cho thuê xe điện hay trợ giá xe điện.

Hai hãng sẽ cùng nhau phát triển lộ trình để ứng dụng xe điện trong khu vực, bắt đầu từ Singapore vào cuối năm nay, trước khi sang các thị trường Indonesia và Việt Nam.

Một nghiên cứu khác đang được tiến hành để hiểu rõ hơn về rào cản đối với việc sở hữu và ứng dụng xe điện. Grab hi vọng các chính phủ và cơ quan ban ngành sẽ xem xét báo cáo để ra chính sách và thực hành tốt nhất, tạo điều kiện cho tài xế giao hàng và xe công nghệ.

Từ năm 2018, Grab và Hyundai hợp tác thử nghiệm xe điện tại Đông Nam Á, trong đó năm 2019 sử dụng 200 chiếc xe điện Kona cho chương trình GrabRentals. Grab cũng triển khai chương trình xe điện tại Indonesia vào năm 2020 với những chiếc xe IONIQ của Huyndai tại sân bay Soekarno-Hatta. Indonesia đặt mục tiêu xe điện chiếm 20% mạng lưới vận tải địa phương vào năm 2025.

Theo số liệu từ Grab, 31% số xe của họ hiện có trong dịch vụ gọi xe ở Singapore là xe điện hoặc xe xe kết hợp xăng và điện. 

Công ty này cũng đã đầu tư hơn 200 triệu USD vào các phương tiện như vậy như một phần của đội xe trong dự án cho thuê xe GrabRental kể từ năm 2016.

Gojek sẽ chuyển sang sử dụng xe điện 100% vào năm 2030

Gojek, startup gọi xe Indonesia, lên kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe máy và xe ôtô trên nền tảng của mình sang xe điện vào năm 2030 thông qua hợp tác với các nhà sản xuất và hợp đồng cho thuê, ông Kevin Aluwi, người đồng CEO Gojek, nói với Reuters.

Trước đó, Gojek phát hành báo cáo phát triển bền vững thường niên đầu tiên của mình với tham vọng đạt đến mức khí thải bằng 0 trong tương lai. Giới phân tích nhận định báo cáo này là một phần trong kế hoạch chuẩn bị thực hiện IPO của Gojek.

Tài xế Gojek đang quét mã viên pin để sạc pin tại một trạm sạc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, chi phí để Gojek chuyển đổi sang xe điện ở Indonesia rất cao vì hạ tầng các trạm sạc điện tại quốc gia này mới dừng lại ở con số 100.

"Mục tiêu của chúng tôi là hợp tác với nhiều công ty và chính phủ để giảm chi phí còn xe điện thêm 30% so với xe động cơ đốt trong", Kevin Aluwi, CEO Gojek nói.

Mới đây, Gojek cho biết đã có 2 triệu đối tác tài xế ở Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Startup này từng nhận được đầu tư từ nhiều "ông lớn" như Google (Alphabet) và Tencent Holdings Ltd.

Hiện tại, Gojek đã triển khai thử nghiệm chương trình xe điện ở Indonesia cùng sự hợp tác của công ty nhiên liệu quốc gia Pertamina và Perusahaan Listrik Negara, nhà sản xuất xe scooter Gesits, Viar, NIU Technologies, Hondar và các nhà sản xuất xe hơi như Toyota Motor Corp và Mitsubishi Motors Corp.

Thực tế, xu hướng này đã "nở rộ" trên khắp thế giới, hầu hết các hãng gọi xe đều phải đầu tư để chuyển dịch mạnh mẽ.

Hãng xe taxi công nghệ Uber cho biết họ đặt mục tiêu giảm lượng khí thải xuống bằng 0 vào năm 2040 thông qua việc cung cấp dịch vụ xe điện hoàn toàn vào năm 2030 tại Mỹ, Canada và châu Âu.

Uber cũng cam kết chi tiêu 800 triệu USD “để giúp hàng trăm nghìn lái xe chuyển đổi sang ôtô điện vào năm 2025 khi kinh tế phục hồi. Giám đốc điều hành (CEO) Uber Dara Khosrowshahi cảnh báo dù lượng khí thải đã giảm mạnh trong thời gian đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành, nhưng chúng sẽ lại tăng lên khi kinh tế phục hồi.

Ông nhấn mạnh khi nối lại hoạt động, Uber sẽ tận dụng cơ hội này để giảm thiểu tác động đến môi trường. Kế hoạch của Uber được đưa ra khi sau thông báo vào tháng Sáu của đối thủ Lyft về kế hoạch chuyển đổi 100% số xe sang ô tô điện đến năm 2030.

Trong khi đó, Didi Chuxing - công ty gọi xe lớn nhất Trung Quốc năm 2018 cũng đặt mục tiêu đưa 10 triệu xe điện lên nền tảng của mình vào năm 2028.

Theo Nhà đầu tư

Chia sẻ bài viết

Thong ke