Wednesday, 04/12/2024

Cả thế giới lại đứng trước cú sốc mới: Giá dầu có thể lên 150 USD, lạm phát tiếp tục tăng phi mã

16:37 27/02/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine có nguy cơ hạn chế nguồn cung năng lượng toàn cầu. Theo đó, giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao có khả năng ảnh hưởng nặng nề đến châu Âu, lan sang Mỹ và các thị trường khác trên toàn cầu.

Đó là cú sốc mới nhất mà nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt: sự thiếu hụt đột ngột của các sản phẩm chủ chốt như thời gian vừa qua, nhưng lần này là dầu, khí đốt tự nhiên và các loại hàng hóa khác. Điều này có khả năng khiến vấn đề lạm phát càng trở nên nóng hơn và gây khó khăn cho Fed cùng các NHTW khác trong việc ứng phó.

Nền kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình hồi phục sau một loạt cú sốc nguồn cung trong 2 năm qua, do thiếu các loại ngũ cốc, thịt, hàng hóa lâu bền và các loại sản phẩm khác. Giờ đây, xung đột Nga - Ukraine leo thang, cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga cùng phản ứng của Tổng thống Nga Putin đã khiến giá dầu lên gần 100 USD/thùng, khí đốt tự nhiên cũng tăng theo.

Nga cũng là một nhà cung cấp lớn của đồng, nhôm và palladium trên thị trường toàn cầu. Sự gián đoạn trong quá trình sản xuất hoặc phân phối các kim loại đó của Nga có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng đối với các bộ chuyển đổi xúc tác trong ô tô, tụ điện được dùng trong điện thoại di động và thậm chí là mão răng.

MC Norilsk Nickel PJSC của Nga là nhà sản xuất palladium lớn nhất thế giới, chiếm hơn 40% tổng sản lượng toàn cầu theo ước tính của họ. Nga cũng là quốc gia sản xuất urê và kali - các thành phần của phân bón.

Joe Brusuelas - nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn RSM US LLP, cho biết: "Chúng ta cho đến nay vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi cú sốc nguồn cung với nguyên nhân là đại dịch."

Vào những năm 1970, những cú sốc nguồn cung năng lượng là yếu tố chính gây nên lạm phát khi các quốc gia OPEC cắt nguồn cung dầu cho phương Tây. Kể từ đó, thị trường năng lượng đã thay đổi và Mỹ cũng giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, điều này giúp mối đe dọa từ căng thẳng tại Ukraine không lớn như trước đây. Tuy nhiên, thị trường năng lượng có quy mô toàn cầu và những làn sóng tăng giá sẽ "nổi lên" cả ở những nơi khác trên toàn thế giới.

Bruce Kasman, trưởng bộ phận kinh tế toàn cầu tại JPMorgan, nhận định: "Chúng ta chưa từng chứng kiến mức lạm phát lớn và trên diện rộng như vậy trong nhiều thập kỷ qua." Ngân hàng này ước tính rằng lạm phát bắt đầu hạ nhiệt vào khoảng giữa năm. Song, Kasman nhận định một cú sốc kéo dài có thể đẩy lạm phát lên cao hơn.

Trong bối cảnh đó, công cụ chính mà các nhà hoạch định chính sách phải sử dụng là nâng lãi suất. Fed đã sẵn sàng nâng lãi suất nhưng dự kiến chỉ thực hiện với tốc độ từ từ khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Trong khi đó, vấn đề ở Ukraine lại có thể buộc Fed phải quyết liệt hơn.

Mâu thuẫn Nga - Ukraine khiến nhiệm vụ của Fed gặp khó khăn hơn, vì có khả năng nguồn cung sẽ bị đẩy đi sai hướng. Theo Ngân hàng đầu tư Cowen, Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô/ngày, chiếm khoảng 12% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% thương mại toàn cầu. Khoảng 60% lượng xuất khẩu dầu của Nga được đi đến châu Âu và 30% đến Trung Quốc.

JPMorgan ước tính, nếu 2,3 triệu thùng dầu/ngày được đưa đến thị trường toàn cầu, giá dầu sẽ lên đến 150 USD/thùng và đẩy lạm phát tiêu dùng toàn cầu tăng 7% vào giữa năm. Trước đó, ngân hàng này dự báo lạm phát ở mức 5%. Theo Kasman, nguồn cung từ Iran tăng lên có thể bù đắp một phần rủi ro đó.

RSM dự báo, ngay cả 1 cú sốc nhỏ hơn cũng sẽ đẩy giá dầu lên 110 USD/thùng và khiến tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ lên hơn 10%. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế cũng chậm lại khi chi tiêu hộ gia đình ở các lĩnh vực khác bị cắt giảm dù không dẫn đến suy thoái.

Ngoài ra, Nga cũng xuất khẩu khoảng 650 tỷ m3 khí đốt/ngày, chiếm khoảng 25% thương mại toàn cầu và 85% số đó được chuyển đến châu Âu, theo Cowen. Một trong số đó đi qua mạng lưới đường ống dọc Ukraine. Cowen cho biết, mạng lưới này vận chuyển khoảng 113 tỷ m3/ngày đến châu Âu, nhưng hiện hoạt động với khoảng 50% công suất.

Trong gần 30 năm qua, các công ty thường không chuyển chênh lệch chi phí năng lượng cho người tiêu dùng với mức giá cao hơn khi dùng dịch vụ máy bay hay hàng hóa tốn nhiều năng lượng khác. Ở một thế giới ngày càng thiếu cung và lạm phát cao hơn, họ có thể sẽ thay đổi.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

https://doanhnghieptiepthi.vn/ca-the-gioi-lai-dung-truoc-cu-soc-moi-gia-dau-co-the-len-150-usd-lam-phat-tiep-tuc-tang-phi-ma-161222602171122997.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke