Thursday, 21/11/2024

Bloomberg: Lạm phát tăng nóng, rủi ro xuất hiện ở mọi ngóc ngách khiến nhà đầu tư không biết tìm nơi nào để trốn chạy

14:00 25/02/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Lạm phát tăng với tốc độ nhanh nhất trong vài thập kỷ và việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã khiến nhà đầu không còn nhiều lựa chọn an toàn để "chèo lái" trước bối cảnh hỗn loạn của thị trường.

Ở phiên ngày hôm qua, chứng khoán Mỹ và châu Âu rớt điểm mạnh khi các lực lượng quân sự của Nga tấn công các mục tiêu ở Ukraine. Điều làm dấy lên mối lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giá năng lượng và sự bất ổn xảy ra trên diện rộng. Trong khi các nhà đầu tư nhanh chóng tìm đến các loại tài sản an toàn truyền thống, như trái phiếu và tiền mặt, thì thực chất chúng lại mang rủi ro của lãi suất cao và sức mua yếu hơn trong thời gian dài.

Peter Chatwell - trưởng bộ phận chiến lược đa tài sản tại Mizuho International Plc, cho hay: "Không có loại tài sản nào đóng vai trò nổi bật như nơi trú ẩn an toàn. Các sự kiện ở Ukraine tạo áp lực nhiều hơn đối với giá năng lượng. Điều này càng gây sức ép lớn cho NHTW trong việc đưa ra phản ứng."

Tất cả những diễn biến này càng nhấn mạnh tình thế khó khăn mà các nhà quản lý tài sản đang gặp phải trong bối cảnh môi trường chính trị ngày càng căng thẳng và khó đoán. Các nhà phân tích cho rằng hậu quả của các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Nga có thể là giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao. Điều này sẽ buộc các NHTW phải mạnh tay hơn với việc thắt chặt chính sách.

Michael Hewson - nhà phân tích thị trường cấp cao tại CMC Market UK, cho hay: "Đó là tình thế ‘lose-lose’ đối với các NHTW vì họ sẽ không thể kiểm soát được rủi ro lạm phát. Các quy tắc thông thường không thể áp dụng trong những tình huống như thế này. Viễn cảnh đang chuyển từ mờ đục sang cực kỳ tối tăm, khi chúng ta đang ngồi đây và suy nghĩ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo."

Trong cuộc phỏng vấn hôm 24/2 của Bloomberg với nhà đầu tư, hầu hết đều đề cập đến việc phòng hộ danh mục đầu tư, mua thêm nhiều cổ phiếu ngành y tế, hàng hóa và tiền mặt là bước đi được ưu tiên

Các quỹ ETF tương tự như tiền mặt là một lựa chọn phổ biến trong thời gian gần đây. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, PIMCO Enhanced Short Maturity Active ETF trị giá 14 tỷ USD đã đón nhận dòng vốn gần 745 triệu USD trong tháng 2 - được coi là con số lớn nhất theo tháng kể từ tháng 8/2019. iShares Short Treasury Bond ETF trị giá 15 tỷ USD đã thu hút 1,7 tỷ USD vào tháng 2 - tháng khởi sắc nhất từ tháng 4/2020.

Christian Mueller-Glissmann - giám đốc điều hành bộ phận chiến lược danh mục đầu tư và phân bổ tài sản tại Goldman Sachs International, cho biết công ty đã giảm phân bổ tín dụng xuống mức "giảm tỷ trọng" và tăng tiền mặt lên mức "tăng tỷ trọng" vào tuần trước.

Theo ông, quyết định này không chỉ liên quan đến vấn đề ở Ukraine, nó còn liên quan đến việc các điều kiện tài chính bị thắt chặt.

Dưới đây là những chia sẻ của nhà đầu tư:

Carsten Roemheld - chiến lược gia thị trường của Fidelity International, cho biết: "Các NHTW sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát lạm phát khi tăng trưởng cũng đang gặp rủi ro. Đây không phải là môi trường thuận lợi để mong đợi về đà hồi phục nhanh chóng của thị trường chứng khoán."

Trong khi đó, Altaf Kassam - trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư của EMEA tại State Street Global Advisors, cho hay: "Những diễn biến của TTCK Mỹ có thể là phản ứng thái quá. Chúng tôi muốn tăng thêm mức độ rủi ro."

Ông nói thêm: "Tuy nhiên, chúng tôi đang hạn chế và chỉ dừng ở mức ‘rủi ro đuôi’, đặc biệt là đối với trái phiếu Kho bạc Mỹ dài hạn và hợp đồng tương lai chỉ số VIX. Chúng tôi vẫn đang tăng tỷ trọng với hàng hoá."

Sharif Farha - giám đốc danh mục đầu tư tại Safehouse Capital, chia sẻ: "Chúng tôi không cho rằng ‘tiền mặt là rác’ ở thời điểm này. Chúng tôi muốn có phương án dự phòng là tiền mặt để giảm thiểu mức độ thiệt hại và sẵn sàng cho bất kỳ thời điểm biến động nào trên thị trường."

Gary Dugan - CEO của Global CIO Office, lại nhận thấy tiềm năng ở thị trường châu Á và muốn huy động tiền mặt từ thị trường Mỹ, châu Âu. Ông nói: "Chứng khoán châu Á là một bước đi ‘phòng thủ’ do khu vực này ít bị ảnh hưởng trực tiếp với Ukraine, có điều kiện tiền tệ vẫn đang được nới lỏng và nền kinh tế đang mở cửa trở lại."

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

https://doanhnghieptiepthi.vn/bloomberg-lam-phat-tang-nong-rui-ro-xuat-hien-o-moi-ngoc-ngach-khien-nha-dau-tu-khong-biet-tim-noi-nao-de-tron-chay-161222502112739170.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke