Hoạt động ngoài lộ trình!
Hàng chục lò gạch ở xã Lộc Hưng (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) bắt đầu nhốn nháo khi Môi trường và Đô thị VN đăng tải bài đầu tiên về hiểm họa môi sinh đằng sau các lò gạch thủ công. Có vẻ như đã lâu, chính quyền địa phương đã “mở một mắt lưới” cho các lò hoạt động, bởi cả hai phía đều biết lộ trình chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công, kể cả lò cải tiến, lò vòng Hoffman…, đã hết hạn từ 4 năm trước.
“Các tỉnh đồng bằng, thành phố trực thuộc Trung ương; khu vực thị xã, thị tứ, khu vực gần khu dân cư, gần khu vực canh tác trồng lúa và hoa màu của các tỉnh còn lại chậm nhất phải chấm dứt hoạt động vào trước năm 2016 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất vào trước năm 2018 với lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch” (trích khoản 3, điều 1 Quyết định 1469/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/8/2014). Bốn năm sau, ngày 10/9/2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc lại lộ trình này bằng ý kiến chỉ đạo các địa phương cần chấm dứt hoạt động lò gạch thủ công trước ngày 31/12/2018.
Căn cứ vào các chỉ đạo này, ngày 26/12/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh ký Quyết định 3377/QĐ-UBND, chính thức “khai tử” các lò gạch thủ công theo đúng lộ trình của Chính phủ, tức các lò gạch thủ công tại Lộc Ninh hiện nay là đang hoạt động...ngoài lộ trình!
Lộ trình… “tự “chết”!
Trong một cuộc họp về xóa sổ lò gạch, một lãnh đạo chính quyền cho rằng, các cơ sở sản xuất gạch Hoffman, gạch nung thủ công có nhiều vi phạm khác nhau như: Kinh doanh không phép, sai phép; xây dựng không phép, sai phép; vi phạm quy hoạch ngành nghề sản xuất công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất; vi phạm quy định về khai thác khoáng sản, về bảo vệ môi trường…
Theo khảo sát thực tế của chúng tôi từ “làng gạch” Lộc Hưng, các chủ lò đang hoạt động đều đã kinh qua sự chìm nổi của nghề này. Có người bị xử phạt hành chính là bình thường, có người bị niêm phong tài sản, tịch thu nguyên liệu, và cũng có người bị đập lò ở phía Nam tỉnh Bình Dương, chạy đến phía Bắc tỉnh xây lò mới lại bị đập. Cuối cùng thì chạy đến nơi đây…khởi nghiệp lại!
Đứng trước buổi “giao thời”, tâm lý chán nản xuất hiện. Một vài ông chủ đã bỏ bê việc đốt lò từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Số khác tập tành làm môi giới bất động sản, còn lại thì chạy bữa nào hay bữa đó.
“Từ lâu rồi chúng tôi không có tiếng nói chung, mạnh ai nấy làm, phạt ai nấy chịu! Mọi người bây giờ giống như…chờ chết!” một chủ lò vô hồn nói
“Ngoài nguồn nguyên liệu khó khăn do cạn kiệt đất khai thác, cái lo lớn nhất bây giờ của các lò gạch là nguồn nhân công. Một số công ty may, công ty gỗ đến đặt nhà máy, vét sạch nguồn nhân công. Đi làm ở công ty lương thì cao, người lại sạch sẽ nên người lao động đã bỏ lò gạch chúng tôi ra đi không thương tiếc” một chủ lò cảm thán
Có lẽ không đợi đến chính quyền khai tử thì chính họ đã …tự tử mất rồi!
Chấm dứt lò gạch thủ công, bao giờ?
Chưa ai có câu trả lời chính xác bao giờ các lò gạch thủ công tại Lộc Ninh chấm dứt hoạt động. Trong số 15 lò hiện tại tập trung tại “làng gạch” Lộc Hưng thì có đến 14 lò có sai phạm trong hoạt động. Đó là kết quả khảo sát của cơ quan quản lý từ hơn 1 năm trước. Còn hiện giờ, toàn bộ đều đang hoạt động ngoài vòng kiểm soát.
Vậy thì, “cái chết” đã không còn xa…
Theo Môi trường và đô thị
Bình Phước: “Khai tử” lò gạch thủ công, bao giờ? (moitruongvadothi.vn)