Trong số 30 tỷ USD vốn dự kiến để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030, ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng được 30%. Vì vậy, việc đẩy mạnh các sản phẩm tài chính xanh, trong đó có trái phiếu xanh, sẽ là công cụ hữu hiệu để lấp đầy “khoảng trống” về vốn...
Trong cuộc thảo luận giữa Ủy ban châu Âu và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về Khung pháp lý và giám sát trái phiếu xanh cuối tuần trước, bà Caroline Wellemans, Trưởng ban Chính sách tài chính bền vững - Vụ trưởng Vụ Đối tác quốc tế (Ủy ban châu Âu) đã bày tỏ về sự sẵn sàng của EU trong hợp tác với Việt Nam nhằm chung tay xây dựng các khuôn khổ hài hòa để thúc đẩy dòng vốn xuyên biên giới và giảm chi phí giao dịch.
Đặc biệt là việc xây dựng Sáng kiến Trái phiếu xanh toàn cầu - nhóm châu Âu để hỗ trợ các nước, bao gồm Việt Nam để thúc đẩy hơn nữa việc phát hành trái phiếu xanh ở các nước này.
Điều này cho thấy cơ hội đón dòng vốn chảy vào lĩnh vực tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian tới.
THIẾU VỐN THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG XANH
Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Việt Nam cần khoảng 20-30 tỷ USD cho giai đoạn 2021-2030 để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Còn theo tính toán sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nguồn lực công đang bị phân tán cho rất nhiều mục tiêu ưu tiên khác nhau như đầu tư giao thông công cộng cho các thành phố lớn, đường cao tốc, các chương trình, dự án hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực, thể chế chính sách, các dự án y tế, giáo dục, hỗ trợ tư nhân… Vì vậy, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nguồn lực cho tăng trưởng xanh trong khi 70% đến từ các nguồn khác, trong đó chủ yếu là khu vực tư nhân.
Vì vậy, thị trường vốn, đặc biệt thị trường trái phiếu với điểm nhấn trái phiếu xanh đang được xem là một kênh thu hút vốn hiệu quả nhằm thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, các hoạt động của thị trường chủ yếu mới ở bước khởi động. Vì vậy nguồn vốn huy động từ trái phiếu xanh trên thị trường vẫn ở mức khiêm tốn.
Đối với trái phiếu chính phủ, chính quyền địa phương xanh, sau Đề án phát triển thị trường trái phiếu xanh của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Đề án phát hành thí điểm trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, năm 2016, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu là 2 địa phương đầu tiên huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu xanh. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh phát hành 523 tỷ đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu phát hành 80 tỷ đồng. Đến năm 2018, TP. Hồ Chí Minh đã phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu chính quyền địa phương xanh cho 34 dự án, đồng thời, Bà Rịa - Vũng Tàu đã chuẩn bị cho đợt phát hành trái phiếu đầu tiên 500 tỷ đồng cho 8 dự án xanh.
Đối với trái phiếu doanh nghiệp xanh, theo thông tin công bố công khai, cuối tháng 8/2019, Công ty cổ phần (CTCP) Điện mặt trời Trung Nam đã phát hành thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 9 năm và CTCP Trung Nam (sở hữu 70% vốn của CTCP Điện mặt trời Trung Nam) cũng phát hành thành công 945 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất thả nổi bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 2 năm cộng biên độ 3,5%/năm, riêng năm đầu tiên là 10,5%/năm. Tổng số tiền hai công ty này huy động được là 3.045 tỷ đồng và được sử dụng cho dự án điện mặt trời tại Ninh Thuận.
Đầu tháng 10/2019, CTCP Bamboo Capital (BCG) công bố kế hoạch dự kiến phát hành 900.000 trái phiếu chuyển đổi trong quý IV/2019, lãi suất 5%/năm, kỳ hạn 3 năm, trong đó dự kiến 350 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời, 500 tỷ đồng đầu tư vào các dự án bất động sản, 50 tỷ bổ sung vốn lưu động.
Gần đây nhất là vào đầu năm 2021, trái phiếu xanh do Công ty bất động sản BIM Land tuyên bố phát hành 200 triệu USD trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.
CƠ HỘI MỚI
Mặc dù đã có những bước khởi động tích cực nhưng thị trường trái phiếu xanh còn non trẻ của Việt Nam cũng không tránh khỏi những hạn chế và tồn tại như khung pháp lý chưa đầy đủ, hoàn thiện; chưa có sự nhất quán trong quá trình triển khai chiến lược; nhận thức về phát triển trái phiếu xanh còn hạn chế; chưa có cơ chế thích hợp để gọi vốn vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường nhưng lại đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài…
Song theo ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), các văn bản quy phạm pháp luật về trái phiếu xanh dần được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi hơn cho phía doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường.
Đặc biệt, kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được ban hành, hành lang pháp lý để hỗ trợ cho kênh tín dụng lẫn trái phiếu xanh được cởi trói hơn. Đó là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đưa các quy định về tín dụng xanh (tại Điều 149), trái phiếu xanh (tại Điều 150). Cùng với đó, nội dung này cũng được quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo ông Dũng, việc bổ sung thêm hai quy định về tín dụng xanh và trái phiếu xanh là cần thiết, kịp thời và phù hợp với xu hướng, thông lệ quốc tế, góp phần tạo hành lang pháp lý để hình thành, phát triển thị trường sản phẩm tài chính, định hướng lại dòng đầu tư và thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Việc tiệm cận dần những tiêu chuẩn trái phiếu xanh EU đang đề xuất cũng như các tiêu chuẩn mà Việt Nam và các nước ASEAN đang xây dựng nhằm thúc đẩy hoạt động trái phiếu xanh sẽ giúp mở ra những cơ hội hút vốn đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh của Việt Nam trong tương lai.
Đặc biệt, theo nhóm Nghiên cứu của Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, tại COP 26, Liên minh tài chính Glaskow vì trung hòa các bon (Glasgow Financial Alliance for Net Zero - GFANZ), bao gồm 450 Tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng đại diện cho 130.000 tỷ USD (tương đương 40% tổng tài sản tài chính trên thế giới) đã đạt được thỏa thuận chung cam kết chuyển đổi danh mục cho vay và đầu tư để nhằm đạt được Trung hòa Carbon (Net-Zero) bằng 0 vào năm 2050. Điều này có nghĩa rằng cam kết gia tăng ở quy mô lớn chưa từng có danh mục đầu tư và trái phiếu xanh.
Hầu hết, các tập đoàn và định chế tài chính, ngân hàng đa quốc gia hiện diện tại Việt Nam đều tham gia Liên minh tài chính trên và sẽ chuyển đổi danh mục đầu tư và tài trợ, cho vay của mình sang đầu tư vào tín dụng xanh, trái phiếu xanh.
“Điều này đặt ra cho Việt Nam cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ trong việc huy động nguồn vốn từ hai kênh tài chính tiềm năng này”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Theo đó, để chính sách này phát huy hiệu quả trong thực tiễn, nhóm nghiên cứu cho rằng các bộ, cơ quan ngang bộ cần tiếp tục phối hợp để hướng dẫn cụ thể, nhất là việc ban hành danh mục dự án xanh chính thức và các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng về các dự án xanh, cũng như quy trình dán nhãn minh bạch cho các dự án đáp ứng yêu cầu tín dụng xanh, trái phiếu xanh tuân theo các thông lệ quốc tế tốt nhất.
Danh mục này cần cung cấp danh sách các tài sản đủ điều kiện, gắn với các tiêu chí sàng lọc cụ thể để hỗ trợ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; doanh nghiệp, chính quyền địa phương và nhà đầu tư trái phiếu trong việc phát hành trái phiếu xanh, thực hiện cấp tín dụng xanh.
Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực thi các quy định có liên quan.