Bất thường bán đấu giá tài sản tại Tổng Công ty ĐSVN: Giá thẩm định 25 tỷ, một DN muốn mua 60 tỷ (Bài 1)
16:59 18/05/2021
Mới đây, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã đấu giá thanh lý lô tài sản vật tư thu hồi tại 20 công ty con với giá khởi điểm hơn 25,4 tỷ đồng. Bất ngờ với mức giá rẻ này, trước ngày đấu giá một Công ty ở Hà Nội đã gửi đơn lên Tổng Công ty ĐSVN đề nghị được mua với giá... 60 tỷ đồng.
Giữa lúc giá sắt thép nguyên liệu đầu vào và giá sắt thép thành phẩm đang tăng, thì bất ngờ tại gói đấu giá thanh lý sắt thép phế liệu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (gọi tắt là Tổng Công ty ĐSVN) chỉ có giá rẻ bèo, từ 4.600-5.800 đồng/kg.
"Xót ruột" với tài sản Nhà nước bị định giá thấp, có khả năng gây thất thoát, lãng phí, trước ngày đấu giá một doanh nghiệp tại Hà Nội đã phải gửi đơn lên Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp và Tổng Công ty ĐSVN xin được mua với giá cao gấp hơn 2 lần (60 tỷ đồng) nhưng vẫn đảm bảo mang lại ngân sách cho Nhà nước, lợi nhuận doanh nghiệp.
Bất ngờ với lô tài sản giá rẻ của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam: Giá sắt phế liệu chỉ rẻ bằng 1/2 giá thị trường?
Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh VNA (địa chỉ tại số 12A, nhà K1, Tập thể Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đăng thông báo tổ chức đấu giá tài sản "Vật tư thu hồi từ bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) tồn kho đến ngày 31/12/2020 tại 20 công ty bảo trì, sửa chữa KCHTĐS theo các quyết định ngày 25/3/2021 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam" (gọi tắt là bán đấu giá tài sản tại Tổng Công ty ĐSVN) với mức giá khởi điểm 25.464.301.966 đồng (bằng chữ: Hai mươi lăm tỷ, bốn trăm sáu mươi tư triệu, ba trăm linh một nghìn, chín trăm sáu mươi sáu đồng).
Giá trên không bao gồm thuế giá trị gia tăng (VAT). Giá trị, số lượng, trọng lượng thực tế của tài sản được xác định và điều chỉnh khi giao nhận (chỉ điều chỉnh tăng nếu có, không điều chỉnh giảm). Mọi chi phí liên quan đến việc xem, di dời, chuyển quyền sở hữu tài sản, thuế phí khác (nếu có) do khách hàng trúng đấu giá chịu.
Doanh nghiệp mua hồ sơ đấu giá phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau: Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh kèm bản chính để đối chiếu; Bản sao chứng thực Giấy phép xử lý chất thải nguy hại kèm bản chính để đối chiếu; Giấy giới thiệu; CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đến mua hồ sơ; Mua hồ sơ thành công, doanh nghiệp phải đặt cọc số tiền 3,8 tỷ đồng để tham gia đấu giá tài sản.
Tài sản được tổ chức đấu giá trực tiếp tại cuộc đấu giá theo phương thức trả giá lên vào hồi 14 giờ 30 ngày 29/4/2021 tại Văn phòng Công ty Đấu giá hợp danh VNA (số 81, khu Đại An, tập thể Học viện An Ninh- số 66 đường 19/5, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Là một trong những doanh nghiệp theo dõi thông tin thông báo tổ chức đấu giá tài sản của Tổng Công ty Tổng Công ty ĐSVN, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông V.V.H là phó giám đốc một doanh nghiệp có chức năng chuyên thu mua phế liệu sắt thép (xin được giấu tên) cho biết, Công ty Đấu giá hợp danh VNA thông báo bán đấu giá tài sản tại Tổng Công ty ĐSVN với giá khởi điểm hơn 25,4 tỷ đồng là quá rẻ so với giá thị trường.
Cụ thể, theo ông H, hiện trên thị trường Công ty ông đang thu mua thanh ray đường tàu với giá khoảng 12.000 đồng/kg, tuy nhiên trong danh mục, giá khởi điểm vật tư thu hồi thanh lý giá mặt hàng này chỉ có 5.800 đồng/kg; hay như các phụ kiện liên kết: đinh tiarapong, đinh camrapong, bu lông tà vẹt sắt P43… công ty ông đang thu mua trên thị trường là 10.000 đồng/kg, nhưng giá đưa ra đấu giá là 4.600 đồng/kg..., tức chỉ bằng 1/2 so với giá trị thực trên thị trường.
"Ngoài những phần sắt thép điển hình nói trên, còn rất nhiều sắt thép khác trong gói bán đấu giá tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được thông báo đấu giá với mức giá khởi điểm rất rẻ, bất cứ doanh nghiệp nào thu mua cũng sẽ có lãi siêu khủng", ông H khẳng định.
Bên cạnh đó, ông H cũng đặt thắc mắc, Tổng Công ty ĐSVN tính khấu hao mỗi thanh ray đường sắt quá lớn. Cụ thể như 1 mét Ray P43, tương đương với 43kg, nhưng khi tính giá trị thực tế, phía đường sắt tính hao mòn 11kg, tức còn 32kg. Việc tính hao mòn này ông H lo ngại sẽ không đồng đều, gây thất thoát lớn số lượng sắt thép so với thực tế.
Cũng theo ông H thông báo đấu giá tài sản tại Tổng Công ty ĐSVN có nhiều dấu hiệu hạn chế nhà thầu tham gia. Cụ thể, phần ắc quy các loại với giá trị chưa đầy 20 triệu đồng, thế nhưng phía Tổng Công ty ĐSVN vẫn "trộn" vào cùng phần sắt thép phế liệu để nhằm hạn chế nhà thầu tham gia.
"Để xử lý ắc quy các công ty tham gia phải có giấy phép xử lý chất thải nguy hại. Việc đưa số lượng nhỏ ắc quy vào trong gói tài sản bán sắt thép phế liệu là không hợp lý. Nhiều doanh nghiệp mua sắt thép lớn rất bức xúc, bởi việc này là nhằm hạn chế nhà thầu tham gia. Trước đó ở nhiều địa phương bán đấu giá tài sản sắt thép cũng trà trộn ắc quy vào nhưng bị phản đối gắt gao đã phải tách ra làm hai gói thầu…", ông H bức xúc.
Để làm rõ những bất thường trong khâu thẩm định giá tài sản mà doanh nghiệp phản ánh, 28/04 trước ngày phiên đấu giá diễn ra, PV Báo điện tử Dân Việt đã liên hệ với Tổng Công ty ĐSVN. Tại bộ phận văn thư tiếp nhận nội dung làm việc, chúng tôi được bà Hương cung cấp số điện thoại của ông Dũng- Thư ký của ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng Công ty ĐSVN. Sau khi nắm bắt được nội dung thông tin phản ánh về việc Tổng Công ty ĐSVN thẩm định tài sản với giá trị thấp có nguy cơ làm thất thoát tiền của Nhà nước và có 1 doanh nghiệp sẵn sàng chi 60 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần giá khởi điểm phía ĐSVN đưa ra đấu giá (giá đấu giá 25,4 tỷ đồng), ông Dũng cho biết sẽ báo cáo Tổng giám đốc Đặng Sỹ Mạnh và sẽ thông tin lại sau.
Tiếp đó, trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Dũng- Thư ký cho ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng Công ty ĐSVN cho hay, sau khi nhận được thông tin ông Dũng đã báo cáo sự việc cho ông Mạnh. Theo chỉ đạo, ông Mạnh đã giao vụ việc cho ông Hoàng Gia Khánh- Phó tổng giám đốc làm việc với Báo điện tử Dân Việt. Tuy nhiên, nhiều ngày sau đó ông Khánh liên tục lấy lý do bận và "đẩy" cho cấp dưới tiếp PV.
Trước những bất cập về giá nói trên, ngày 27/04 trước ngày đấu giá diễn ra 2 ngày, ông H đã làm đơn gửi Bộ trưởng Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng Công ty ĐSVN đề nghị xem xét lại việc đấu giá tài sản nói trên. Đồng thời, đề nghị Tổng Công ty ĐSVN cho Công ty ông H được mua tài sản nói trên với giá 60 tỷ đồng, cao gấp hơn 2 lần so với giá khởi điểm.
Giá sắt thép thị trường "neo cao", gấp đôi giá thép thẩm định ở Tổng Công ty ĐSVN
Theo ghi nhận của PV Báo điện tử Dân Việt, hiện thị trường đang khan hiếm sắt thép phế liệu. Do đó, giá mặt hàng này luôn "neo" ở mức cao. Trên thị trường giá sắt thép phế liệu, đặc biệt là sắt thép phế liệu đường tàu đang được các công ty thu mua ở giá cao từ 12.000- 13.000 đồng/kg ray đường tàu; sắt thép vụn từ 10.000- 11.000 đồng/kg.
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Đoàn Văn Công- đơn vị kinh doanh sắt thép tư nhân tại Nam Định cho biết, giá sắt thép thời gian gần đây đang "neo cao", hiện đang được coi là đỉnh điểm, mỗi lần tăng giá nhích từ 200- 300 đồng/kg. Tùy theo mặt hàng Ray P43 ông đang thu mua với giá dao động từ 10.500- 10.800 đồng/kg. Loại sử dụng được luôn ông Công mua với giá cao hơn từ 12.000- 13.000 đồng/kg.
Các phụ kiện liên kết: đinh tiarapong, đinh camrapong, bu lông tà vẹt sắt P43, Tà vẹt BT K1… gọi chung là sắt thép phế liệu ông Công mua với giá trên 10.000 đồng/kg. Những giá trên ông sẽ mua tại các điểm dọc đường ray tàu, bất kỳ nơi nào.
Theo ông Công, ray đường tàu còn nguyên cây sử dụng được luôn được những đơn vị thu mua phế liệu rất ưa chuộng. Sau khi mua về, thép ray sẽ được cắt ra làm xà beng và đủ các loại công cụ khác…
Ông Công tiết lộ, đối với mặt hàng sắt thép, ray đường tàu, có cơ hội là phải mua ngay, chậm chân là bị đơn vị khác "hớt tay trên".
"Ray P43, tùy theo mặt hàng anh mua với giá 10.500- 10.800 đồng/kg. Loại sử dụng được luôn mua cao hơn với giá 12.000- 13.000 đồng/kg. Hàng bán lẻ vô kể lắm, còn sử dụng được hay không đưa vào lò nó rẻ. Bu lông tà vẹt sắt P43, bu lông TVBT K1, cóc a, c thường… mua với giá sắt phế liệu rơi vào trên 10.000 kg, tà vẹt BT K1 cũng mua khoảng 10.000 kg.
Chú có hàng bán thẳng cho anh. Anh mua được giá tương đối cao, bên anh sẵn sàng thu mua ở đường ray. Tự bọn anh vận chuyển từ nơi thu mua, đất Nam Định chính thống về ray, các nơi còn đánh ray về đây, 1.000 tấn đổ lại là làm ngay. Rẻ nhất mua ray tại đường tàu là giá 12.000 đồng/kg, anh tự cẩu. Có cơ hội là anh mua ngay không là mất luôn. Bình thường bán cho anh 10.000 đồng/kg, anh lãi 300- 400 đồng là anh mua ngay", ông Công nói.
Trong vai một đơn vị có khoảng 200 tấn hàng sắt thép phế liệu đường sắt và ray đường tàu, trao đổi với ông Nhân- Giám đốc Công ty TNHH thương mại Nhân Phương chuyên thu mua phế liệu sắt thép qua điện thoại, ông Nhân bày tỏ ý muốn được qua xem mặt hàng. Ông cho hay, đối với Ray P43 công ty ông mua với giá 12.500 đồng/kg; các linh kiện liên kết: bu lông tà vẹt sắt P43, bu lông TVBT K1; căn sắt c3, c4 các loại… được công ty thu mua với giá 12.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của PV, phiên đấu giá tài sản "khủng" có một không hai này chỉ có 6 doanh nghiệp tham gia. Ngày 29/04, Công ty CP Việt Xuân Mới ở Thái Nguyên do ông Nguyễn Văn Tài làm Giám đốc đã trúng đấu giá tài sản nói trên với giá 27,2 tỷ đồng- thấp hơn rất nhiều giá mà ông H doanh nghiệp đề nghị được mua lô hàng trên với giá 60 tỷ đồng trước ngày đấu giá.