Ai đứng sau dự án phân huỷ sinh học lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam?
10:13 12/02/2022
Sau khi động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học lớn nhất Đông Nam Á, điều khiến nhiều người tò mò là CTCP Tập đoàn An Phát Holdings đang làm ăn ra sao, nhất là khi đối diện với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Dự án xây dựng nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT mà An Phát Holdings (APH) vừa động thổ với tổng vốn đầu tư lên đến 120 triệu USD đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Tạo dòng vốn lớn cho dự án mới
Theo đánh giá, đây sẽ là nhà máy sản xuất nguyên liệu xanh lớn nhất Đông Nam Á, nằm trong danh mục dự án công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, đặt tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng), có công suất 30.000 tấn/năm, dự kiến hoàn thành sau 24 tháng.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu của APH, đồng thời phục vụ mục tiêu xuất khẩu quốc tế.
Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT APH, cho biết dự án là lời giải hợp lý nhất cho việc tự chủ nguyên liệu, giảm giá thành sản phẩm, thay thế cho các sản phẩm nhựa truyền thống...
Để chuẩn bị cho dự án này, APH đã vạch ra lộ trình và kế hoạch cụ thể cho từng thời kỳ. Bước đi đầu tiên là chiến lược huy động vốn cho dự án. Như hồi giữa năm 2020, APH đã tiến hành IPO và niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE (Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM) với mục đích kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy.
Tiếp đó, doanh nghiệp (DN) cũng triển khai các đợt phát hành cổ phiếu và trái phiếu trong năm 2021 nhằm huy động thêm vốn cho các giai đoạn tiếp theo. Ngay sau đó, APH bắt đầu quá trình tìm kiếm đối tác, mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đẩy mạnh tiến độ nhà máy PBAT.
APH cũng lên kế hoạch sử dụng 70% nguồn nguyên liệu PBAT phục vụ sản xuất sản phẩm xanh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 30% còn lại sẽ dùng để thương mại, cung cấp cho các đơn vị sản xuất trong nước và các thị trường quốc tế.
Được biết, APH hiện có 16 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực nguyên liệu và sản phẩm nhựa sinh học phân huỷ hoàn toàn, bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác và khuôn mẫu, nguyên vật liệu và hóa chất ngành nhựa, bất động sản công nghiệp…
Cần nhắc lại, vào tháng 12/2021, Đại hội cổ đông bất thường lần 2 năm 2021 của APH đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo đó, phát hành thêm 48,7 triệu cổ phiếu, nguồn vốn phát hành dựa trên thặng dư vốn cổ phần trên báo cáo tài chính riêng bán niên soát xét năm 2021. Giá trị tính theo mệnh giá là 490 tỷ đồng. Theo đó, vốn điều lệ sẽ tăng từ 2.024 tỷ đồng lên 2.511 tỷ đồng.
Duy trì tăng trưởng ổn định
Cũng tại đại hội cổ đông bất thường này, APH cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ 2 dự án trọng điểm là xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo sinh học phân hủy hoàn toàn PBAT tại Hải Phòng và dự án Khu công nghiệp An Phát 1 với diện tích 180 ha (giai đoạn 1) tại Hải Dương. Đồng thời, DN sẽ duy trì tăng trưởng ổn định tại các lĩnh vực cốt lõi như bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất, cơ khí chính xác khuôn mẫu...
Trong báo cáo tài chính quý IV/2021 mà DN này công bố gần đây đã ghi nhận doanh thu đạt 4.571,72 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 57,6 tỷ đồng, lần lượt tăng 87,3% và giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức 11%.
Theo báo cáo tài chính thì lợi nhuận gộp tăng 87,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 234,15 tỷ đồng lên 502,75 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 125,4%, tương ứng tăng thêm 47,62 tỷ đồng lên 85,6 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 225,5%, tương ứng tăng thêm 213,84 tỷ đồng.
APH cho biết, trong kỳ mặc dù doanh thu tăng nhưng do ảnh hưởng của dịch dẫn đến giá cước vận chuyển của công ty tăng khiến lợi nhuận giảm. Tính lũy kế trong năm 2021, APH ghi nhận doanh thu đạt 14.805,14 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 236,97 tỷ đồng, lần lượt tăng 74,5% và giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Kết thúc năm tài chính, công ty chỉ đạt 40,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Từ năm 2020 đến nay, dù đối diện với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhưng APH được cho là vẫn đạt tốc độ tăng trưởng ổn định. DN này cũng nhấn mạnh một số hoạt động quan trọng trong năm đã thực hiện được như việc hợp tác với Actis – Quỹ đầu tư Anh quốc trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, đẩy mạnh tiến độ dự án PBAT, tăng trưởng hoạt động xuất khẩu đến các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…
Đối với các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm, APH chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ đối với các sản phẩm nhựa kỹ thuật, nhựa nội thất, các sản phẩm và nguyên vật liệu sinh học phân hủy hoàn toàn, bao bì… đến các nước châu Âu.
Đáng chú ý, APH tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực bất động sản công nghiệp, cụ thể là dự án Khu công nghiệp An Phát 1 song song triển khai tối ưu các hoạt động gia tăng sản xuất và kinh doanh, phát triển thị trường đồng thời “thích ứng linh hoạt” trước tình dịch bệnh.