'Xoay trục' thị trường tiêu thụ rau quả thời Covid-19
14:51 12/07/2021
Xuất khẩu rau quả nửa đầu năm nay cho thấy sự phục hồi tăng trưởng rất tốt giữa đại dịch Covid-19 và đang dần “xoay trục” nhằm tận dụng những thị trường lớn trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhưng song song đó, ngành rau quả cũng cần xoay sở tốt ở “trục" thị trường nhà.
Quan sát hoạt động xuất khẩu (XK) rau quả ở “thủ phủ" trái cây Tiền Giang nửa đầu năm nay sẽ thấy, có tăng và có giảm ở một số thị trường lớn. Chẳng hạn như kim ngạch XK vào Nhật đạt hơn 2 triệu USD (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái), với thị trường Hàn Quốc đạt 1,75 triệu USD (tăng đến hơn 86%).
Tận dụng “trục” thị trường lớn trong các FTA
Trong khi đó, kim ngạch XK rau quả của tỉnh này lại giảm mạnh ở những thị trường khác như: Trung Quốc đạt 245.000 USD (giảm gần 52%), Australia đạt 704 ngàn USD (giảm hơn 46%), Pháp đạt 623.000 USD (giảm 43%)...
Để hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng rau quả và nông sản trong thời gian tới giữa tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đợt 4, ông Đặng Văn Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, sẽ cùng với các doanh nghiệp XK nông sản tham gia những hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, nhằm thúc đẩy tiêu thụ các loại nông sản, trái cây có lợi thế XK tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc, Trung Đông, Nga, New Zealand.
Nhìn từ tình hình tăng và giảm trong XK rau quả ở Tiền Giang, giới chuyên gia cho rằng việc XK của ngành hàng rau quả nên có sự xoay trục, để nếu có sụt giảm ở thị trường Trung Quốc thì vẫn có thể tăng ở những thị trường lớn khác. Và nếu như trước đây, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 73% tổng giá trị XK rau quả của cả nước, thì từ đầu năm 2021 đến nay chỉ còn chiếm gần 62%.
Trên thực tế, dù XK rau quả của cả nước vào thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã tăng đến 116% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng, nếu nhìn ở trường hợp sụt giảm kim ngạch rau quả của “thủ phủ trái cây” Tiền Giang vào thị trường này thì sẽ thấy, đó cũng là một dấu hiệu cho việc xoay trục thị trường.
Ngoài thị trường Trung Quốc, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam thì dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng 6 tháng đầu năm nay các sản phẩm rau quả XK của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt ở 3 thị trường chủ lực khác là: Mỹ (tăng 132%), Nhật Bản (tăng 109%) và Hàn Quốc.
Tổng giá trị XK rau quả của cả nước trong 6 tháng qua đạt trên 2 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là kết quả rất đáng khích lệ để thấy rằng, việc xoay trục thị trường cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhất là cần tận dụng tốt “trục” thị trường trong các FTA mà Việt Nam đang tham gia.
Và đó cũng là sự khẳng định cho những nỗ lực của các DN XK rau quả khi từ đầu năm đến nay họ đối mặt vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhất là việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn, thiếu container rỗng, chi phí logistics tăng cao (tăng gấp 2 - 3 lần) so với năm 2019. Và các thị trường XK liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm...
Không bỏ quên “trục sân nhà”
Theo dự báo mới đây của Bộ Công Thương, hoạt động XK sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi mà các FTA đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKFTA)…
Từ các FTA thế hệ mới này, ngành hàng rau quả Việt cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục được tạo điều kiện thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy XK rau quả tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Nhìn vào “bức tranh sáng” của XK rau quả nửa đầu năm nay thì cũng không quên nhìn vào tình hình thực tế ở nhiều địa phương, đó là tình cảnh nhiều mặt hàng rau quả đến mùa thu hoạch đúng vào thời điểm đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát khiến cho việc tiêu thụ chậm, giá rẻ mạt làm nhiều nông dân lo lắng.
Chẳng hạn với trường hợp ở Tiền Giang, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đợt 4 làm nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống dừng hoạt động, làm cho các chợ trái cây của tỉnh hoạt động giảm hơn 50% số vựa.
Việc này làm cho giá một số loại trái cây của Tiền Giang hiện đang ở mức thấp trong thời điểm thu hoạch rộ. Đơn cử, thanh long trong tháng 7/2021 dự kiến thu hoạch 21.934 tấn nhưng giá chỉ dao động ở mức 4.000 - 10.000 đồng/kg.
Theo giới chuyên gia, bài học từ việc tiêu thụ chậm rau quả ở trong nước hiện nay cho thấy, dù cho XK đang có đà phục hồi tốt thì cũng không thể bỏ quên “trục thị trường sân nhà” để cho việc khơi thông đầu ra được vững chắc hơn.
Như hồi tháng 4 và 5/2021, cả nước đã tiêu thụ gần 2 triệu tấn trái cây, trong khi đó XK chỉ chiếm trên dưới 30%. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, điều đó chứng tỏ thị trường nội địa 100 triệu dân của Việt Nam là cực kỳ quan trọng.
Bộ Công Thương hiện đang có chủ trương xoay trục trong việc tiêu thụ nông sản bằng việc nâng cao năng lực tiêu thụ nội địa. Nhất là năng lực tiêu thụ qua các chợ truyền thống và thông qua các siêu thị trên phạm vi toàn quốc được cho là rất tốt.
Để ngành rau quả trong nước tận dụng tốt “trục sân nhà”, đòi hỏi cần hệ thống phân phối cố định và vững chắc, lấy các DN nội địa làm nhân tố chính. Nhất là ở vùng nông thôn, các DN cần đẩy mạnh hợp tác phân phối, hỗ trợ, đưa rau quả Việt tới người dùng trên khắp các miền của cả nước.