Friday, 22/11/2024

Vụ hủy hoại đất rừng đỉnh Cun: Chủ tịch UBND TP Hòa Bình buông lỏng quản lý đất đai

15:50 27/05/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Chủ tịch UBND TP Hòa Bình nhiệm kỳ 2016–2021 là chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với hành vi hủy hoại đất rừng ở dự án Kami Cun Hill...

UBND TP Hòa Bình biết nhưng làm ngơ cho sai phạm

Như Báo NNVN đã thông tin, dự án Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill được chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng đề xuất sử dụng hơn 63.000m2 đất rừng.

Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình xác định trong tổng số hơn 63.000m2 đất trên có 4,25ha rừng sản xuất, 1,77ha rừng phòng hộ và 0,31ha ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Sở NN-PTNT cũng đề nghị không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác theo quy định tại Điều 14 Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII;…

Chủ đầu tư dự án Kami Cun Hill xẻ thịt đất rừng đỉnh Cun để xây dựng các hạng mục công trình bê tông hóa.

Trên thực tế, Chủ đầu tư dự án Kami Cun Hill chưa được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, suốt từ năm 2017, nhà đầu tư đã huy động thiết bị máy móc, phương tiện cơ giới san gạt mặt bằng, cạo trọc thảm thực vật và làm biến dạng địa hình khu đồi rộng lớn ở khu vực đỉnh Cun, phường Thống Nhất, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình để xây dựng nhiều hạng mục công trình như đường đi, nhà lớn, sân vườn, hồ bơi…

Trong thông báo số 188 ngày 22/1/2020 về việc từ chối hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu trang trại nông, lâm kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill đã nêu rõ: “Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nhà đầu tư dừng tổ chức thi công xây dựng các hạng mục ở khu vực đề xuất thực hiện dự án”.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: “Trường hợp nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện thi công không đảm bảo các điều kiện về pháp luật về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Thế nhưng, rất nhiều hạng mục xây dựng khác của dự án Kami Cun Hill vẫn tiếp tục mọc lên so với thời điểm Sở Kế hoạch và Đầu tư “tuýt còi”.

Từ ngày 21/3/2019, UBND xã Thống Nhất ra biên bản vi phạm hành chính về việc ông Đặng Tuấn Anh đã có hành vi xây dựng công trình kiên cố trên đất rừng sản xuất; san múc đất rừng đồi không phép.

Văn bản do Chủ tịch UBND TP Hòa Bình Ngô Ngọc Đức (hiện ông Đức là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hòa Bình) ký thể hiện từ năm 2019, UBND TP Hòa Bình đã biết có tình trạng đất rừng ở đỉnh Cun bị hủy hoại, nhưng không có động thái xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đến ngày 31/12/2019, UBND TP Hòa Bình ra công văn số 3155/UBND-QLĐT đề cập đến hiện trạng sử dụng đất của dự án: “Qua kiểm tra thực tế đã có hoạt động san hạ tại khu đất nêu trên (nhiều vị trí không còn hiện trạng là đất rừng)”.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là từ đó đến nay, không có bất cứ một cơ quan nào từ cấp xã/phường, TP Hòa Bình cho đến tỉnh Hòa Bình ra quyết định xử phạt đối với hành vi hủy hoại đất rừng của chủ đầu tư dự án Kami Cun Hill.

Chủ đầu tư dự án Kami Cun Hill vi phạm những quy định gì?

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hải – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: “(1) Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai. (2) Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố. (3) Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích…”

Như vậy, có thể khẳng định việc cố ý hủy hoại và xây dựng công trình trái phép trên đất nói chung, đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ của Công ty Anh Đặng là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi này sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Nhiều hạng mục công trình của dự án Kami Cun Hill đã được chủ đầu tư thi công xây dựng trong khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hải, hành vi trên của công ty Anh Đặng không chỉ vi phạm các quy định về đất đai mà còn bị xử lý theo quy định của Luật Đầu tư. Cụ thể, theo điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hải, các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng và đưa ra những biện pháp cứng rắn để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.  Trong trường hợp này, thì cơ quan có thẩm quyền cần trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND TP Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 - 2021 phải chịu trách nhiệm

Cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hải, khoản 6 Điều 97 Nghị định 43/2014/ NĐ-CP quy định về các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý đất đai: “Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau: Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích; Để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát”.

Theo đó tại Điều 208 Luật Đất đai năm 2013 ghi rõ:“Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

Như vậy, theo những quy định trên thì Chủ tịch UBND phường Thống Nhất và Chủ tịch UBND TP Hòa Bình nhiệm kỳ 2016 – 2021 (trước đây là ông Ngô Ngọc Đức - hiện ông Đức đang là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hòa Bình, và hiện nay là ông Bùi Quang Điệp - Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hòa Bình) là các chủ thể phải chịu trách nhiệm đối với hành vi buông lỏng, lơ là trong việc quản lý đất đai, thậm chí còn có dấu hiệu của hành vi cố ý dung túng, bao che cho Công ty Anh Đặng, dẫn đến việc tồn tại các công trình xây dựng không phép.

“Cho nên, nếu không xử lý sự việc trên một cách nhanh chóng, bằng những biện pháp chế tài mạnh mẽ nhất, nghiêm khắc nhất thì chắc chắn rằng nhiều hệ lụy xấu, những vụ việc tương tự như trên sẽ còn tiếp diễn nhiều hơn nữa trên thực tế”, Luật sư Nguyễn Văn Hải nói.

Về hình thức xử lý đối với hành vi buông lỏng quản lý về đất đai được quy định cụ thể tại Điểm b Khoản 1 Điều 207 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây: Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất”.

Ngoài ra, cũng cần xem xét trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc quản lý xây dựng. Theo đó, hình thức xử lý đối với Chủ tịch UBND các cấp trong việc vi phạm các quy định về quản lý trong lĩnh vực xây dựng sẽ dựa vào Nghị định 112/2020/NĐ-CP xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hoặc thậm chí còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 360- Bộ Luật hình sự 2015 về tội thiếu trách nhiệm gây gậu quả nghiêm trọng.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

 

 

Chia sẻ bài viết

Thong ke