Vietcombank được cấp tín dụng vượt khung cho EVN thực hiện dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I
13:32 20/05/2021
Thủ tướng vừa đồng ý để Ngân hàng Vietcombank cấp tín dụng vượt khung cho EVN thực hiện dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I (thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
EVN phải chịu trách nhiệm toàn diện
Dự án nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư sau thuế là 42.022 tỉ đồng. Dự án có nhu cầu vay vốn 27.100 tỉ đồng, do một mình Vietcombank thu xếp sau khi 3 ngân hàng khác là Vietinbank, BIDV, Agribank rút lui.
Tuy nhiên, để cung cấp được số vốn này, Vietcombank cần được Thủ tướng đồng ý cấp tín dụng vượt khung bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng, Vietcombank không thể cho EVN vay quá 15% vốn tự có của mình, quá 25% cho EVN và bên có liên quan. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã từng đưa kiến nghị này lên Thủ tướng hồi năm 2019.
Với quyết định mới đây của Thủ tướng, Vietcombank được xem xét cấp tín dụng vượt khung, giúp tăng hạn mức của EVN tại ngân hàng này lên 37.402 tỉ đồng, EVN và bên có liên quan lên 51.630 tỉ đồng.
Quyết định cho vay vượt khung này chỉ áp dụng cho EVN với dự án Quảng Trạch I. Vietcombank sẽ chịu trách nhiệm toàn diện về đánh giá, thẩm định dự án, khả năng trả nợ của EVN, các rủi ro; Được tự quyết định việc cấp tín dụng đối với EVN để thực hiện dự án và đảm bảo thu nợ.
Trong khi đó, EVN phải chịu trách nhiệm toàn diện về những vấn đề liên quan trong dự án, thực hiện dự án đúng tiến độ, công nghệ hiện đại, an toàn với môi trường.
Được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 về điều chỉnh Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch VII điều chỉnh). Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. EVN đã giao Ban Quản lý dự án Điện 2 làm đại diện chủ đầu tư, cùng với các dự án tại Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Dự án được triển khai tại thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, trên diện tích 48,6 ha, gồm 2 tổ máy với tổng công suất lắp đặt 1.200 MW. Khi đi vào vận hành, Nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia sản lượng điện thương phẩm khoảng 7,8 tỉ kWh/năm.
Tổng mức đầu tư của dự án là 1,86 tỉ USD, với mục tiêu bổ sung nguồn cung cấp điện, giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống lưới điện. Góp phần tăng tỷ trọng nguồn nhiệt điện trong cơ cấu hệ thống điện quốc gia, khắc phục sự phụ thuộc của hệ thống vào nguồn thủy điện…
Ban đầu, ngoài Vietcombank còn có thêm 3 ngân hàng đăng ký tham gia cho vay hợp vốn là Vietinbank, BIDV và Agribank. Tuy nhiên sau đó, chỉ còn Vietcombank, Vietinbank, BIDV tham gia vào tổ hợp và dự kiến tài trợ 27.100 tỉ đồng cho dự án.
Đến cuối năm 2018, Vietinbank và BIDV lại thông báo tạm dừng tham gia hợp vốn để cấp tín dụng cho dự án. Lý do là 2 ngân hàng này chưa đáp ứng các điều kiện về việc cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Sau đó, EVN đã xây dựng Đề án vay vốn cho dự án. Sau đó, Agribank cũng rút lui với lý do tương tự.
Sử dụng công nghệ tiên tiến, không gây tác hại xấu tới môi trường?
Theo đại diện UBND tỉnh Quảng Bình, việc đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, vật liệu xây dựng, dịch vụ… Khi đi vào vận hành, ngoài việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 1.200 tỉ đồng mỗi năm.
Bên cạnh đó, nhà máy còn giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương, đặc biệt là lao động có trình độ cao vào làm việc ổn định lâu dài tại nhà máy. Riêng trong giai đoạn đầu tư xây dựng, vào thời gian cao điểm, có hơn 3.000 lao động xây dựng trên công trường, đồng thời, thu hút hàng ngàn lao động khác trong các lĩnh vực dịch vụ, vật liệu xây dựng, vận chuyển…
“Dự án sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng về các thông số chất lượng khí thải, nước thải, được hệ thống giám sát quan trắc môi trường online truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát liên tục 24/24 giờ”, ông Phạm Quang Ánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cho biết.
Theo Ban Quản lý dự án Điện 2, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn USC với lò hơi kiểu trực lưu, đốt than phun (PC) trực tiếp, tua-bin kiểu ngưng hơi truyền thống với thông số hơi đầu vào trên siêu tới hạn: Áp suất hơi chính 26.9 Mpa; Nhiệt độ hơi chính 600 độ C, nhiệt độ hơi tái sấy 610 độ C.
Đây là công nghệ tiên tiến và thông số nhà máy cao nhất tại Việt Nam hiện nay và được sử dụng ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Đặc biệt, hệ thống băng tải than, hệ thống khử lưu huỳnh, khử bụi… của nhà máy đều áp dụng theo các tiêu chuẩn châu Âu, nên nồng độ các chất trong khí thải, nước thải trước khi thải ra môi trường sẽ đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước và bộ tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB).
“Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sẽ được trang bị các thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có hiệu suất khử bụi tới 99,74%. Do vậy, hoạt động nhà máy sẽ đảm bảo không gây tác động xấu tới môi trường sống xung quanh.
Về phát thải khí, nhà máy sẽ áp dụng công nghệ xử lý SOx bằng nước biển theo công nghệ Sea-FGD. Phương pháp này tạo ra các muối sunfat là thành phần sẵn có trong nước biển, nên sẽ không gây tác động đến môi trường thủy sinh”, PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam chia sẻ.
Theo ông Nghĩa, do Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I sử dụng than bitum nhập khẩu có đặc tính cháy kiệt, nên hàm lượng carbon còn sót lại trong tro, xỉ sẽ rất thấp.
“Than nhập khẩu có hàm lượng tro bằng 1/6 hàm lượng tro nội địa. Than này có tính chất rất dễ cháy nên cháy kiệt, cháy tốt, tro xỉ thải ra đạt chất lượng rất cao, có thể đóng như bao xi măng và bán ngay được. Đặc biệt, tro này có thể làm vật liệu xây dựng các đập nước thủy điện. Nói chung, tro này ra bao nhiêu thì tiêu thụ hết bấy nhiêu”, ông Trương Duy Nghĩa nói thêm.
Đây cũng là dự án nguồn điện đầu tiên của EVN được thu xếp 100% vốn vay từ ngân hàng trong nước và không có bảo lãnh của Chính phủ.
Theo dự thảo chính sách năng lượng công bố ngày 7/5, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ dừng tài trợ cho các nhà máy nhiệt điện - nguồn cung cấp năng lượng quan trọng ở các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, trong văn kiện vừa công bố, ADB cho biết chính sách này của ngân hàng "không còn phù hợp" với quan điểm chung của toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu.
Ngân hàng có trụ sở ở Manila (Philippines) nêu rõ than đá và các nhiên liệu hóa thạch khác đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tiếp cận năng lượng phục vụ phát triển kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng chưa giải quyết được thách thức về tiếp cận năng lượng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng than đá và nhiên liệu hóa thạch còn gây hại cho môi trường và đẩy nhanh quá trình biến đổi khí hậu.