Friday, 22/11/2024

Việt Nam tăng hơn 73 nghìn hecta sầu riêng trong 5 năm

16:12 21/07/2023

Kinh Tế Số Việt Nam Online Sáng nay (21/7), tại Đồng Nai, UBND tỉnh Đồng Nai, Hội Làm vườn Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã phối hợp tổ chức Diễn đàn Cơ hội và Thách thức phát triển ngành sầu riêng.

Diễn đàn Cơ hội và Thách thức phát triển ngành sầu riêng được tổ chức tại Đồng Nai vào sáng 21/7.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định: “Sầu riêng đang tăng trưởng diện tích một cách khủng khiếp”. Trong 5 năm, diện tích trồng sầu riêng đã tăng từ 37 nghìn hecta vào năm 2017 lên 110,3 nghìn hecta vào năm 2022; Tốc độ tăng trưởng diện tích bình quân hàng năm giai đoạn 2017 – 2022 của cả nước là 24,5%/năm.

Trong đó, vùng diện tích tăng nhiều nhất là vùng Tây Nguyên, từ 12,1 nghìn hecta lên 51,4 nghìn hecta. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ 15,3 nghìn hecta lên 33 nghìn hecta; vùng Đông Nam bộ từ 7,2 nghìn hecta lên 20,8 nghìn hecta.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Lê Thanh Tùng, thực tế đang đặt ra bài toán: “Chúng ta có nên tiếp tục tăng diện tích trồng sầu riêng hay không?”, bởi ngành hàng này đang mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, thách thức. Cho rằng đây là câu hỏi rất khó để có thể trả lời, ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh để phát triển ngành sầu riêng một cách bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người sản xuất… và quan trọng nhất là “không được đổ lỗi cho nhau”.

Chia sẻ những thông tin về tình hình sản xuất sầu riêng trên thế giới, GS.TS Trần Văn Hâu – Cựu giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ cho biết sầu riêng Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với sầu riêng các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Bên cạnh đó là những đối thủ tiềm năng như Lào, Campuchia. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế vụ thu hoạch sầu riêng rải đều quanh năm. Đặc biệt, với kỹ thuật xử lý ra hoa vụ nghịch, sầu riêng của Việt Nam có cơ hội rất lớn để cạnh tranh với các quốc gia khác.

Do đó, theo GS.TS Trần Văn Hâu, Việt Nam cần tận dụng lợi thế thời vụ thu hoạch để nâng cao giá trị sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Cụ thể, nên xử lý ra hoa để thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 vì vào thời điểm này hầu hết các nước trong khu vực đều không có thu hoạch sầu riêng.

Mặt khác, cũng cần có chiến lược trong nghiên cứu, lai tạo giống để tạo thương hiệu sầu riêng quốc gia, đồng thời hoàn thiện kỹ thuật canh tác để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sầu riêng Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh mẽ với sầu riêng các nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia…

Đồng quan điểm, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho biết hiện Việt Nam chưa có giống sầu riêng nổi trội để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài như sầu riêng Mong Thong của Thái Lan, sầu riêng Musang King của Malaysia… Vì vậy, sầu riêng Việt Nam thường có giá bán thấp hơn sầu riêng của Thái Lan hay Malaysia.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định công tác cấp mã số vùng trồng và mã cơ sở đóng gói hiện nay được tổ chức khẩn trương nhưng cũng còn chậm so với nhu cầu và quy mô sản xuất của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam mới chỉ được cấp 293 mã số vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói. Việc này sẽ làm ngành sầu riêng Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 khi sản lượng và kim ngạch được kỳ vọng cao hơn nữa.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt khoảng 850 triệu đô-la Mỹ, gấp đôi cả năm 2022. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 1,2 - 1,5 tỷ đô-la Mỹ.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

 

Ngành hàng sầu riêng đang mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, thách thức.

Thực tế, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam tăng mạnh kể từ sau khi có Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo quy định, tất cả các vùng trồng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải đăng ký với Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) và Tổng Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt cấp mã số vùng trồng.

Cũng giống như Trung Quốc, các nước nhập khẩu khác cũng yêu cầu vùng trồng, cơ sở đóng gói phải áp dụng những quy định về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát các đối tượng kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, việc xuất khẩu sầu riêng sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu. 

Để thích ứng với các quy định mới của nước nhập khẩu, bà Lê Thị Diệu Xuân – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Thực vật sau nhập khẩu II nhấn mạnh chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, nắm chắc các quy định và xây dựng các vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, từ việc đăng ký, theo dõi, đánh giá và quản lý nguồn gốc của sản phẩm. “Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế” – bà Xuân nói.

Theo Nông thôn Việt

https://nongthonviet.com.vn/viet-nam-tang-hon-73-nghin-hecta-sau-rieng-trong-5-nam.ngn

Chia sẻ bài viết

Thong ke