Wednesday, 04/12/2024

Viện Đại học Sydney Việt Nam kỳ vọng thúc đẩy nghiên cứu văn hóa

17:02 05/08/2024

Kinh Tế Số Việt Nam Online

Viện Đại Học Sydney Việt Nam hướng đến ươm mầm tài năng, kết nối nghệ thuật, âm nhạc, thúc đẩy nghiên cứu văn hóa đa lĩnh vực.

Đại diện Viện Đại Học Sydney Việt Nam (The University of Sydney Vietnam Institute) chia sẻ định hướng và mục tiêu hoạt động tại sự kiện ra mắt chính thức vào tháng 6. Viện là doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận do Đại học Sydney (Australia) thành lập, hiện có trụ sở chính tại TP HCM và hai văn phòng tại Hà Nội, Cần Thơ.

Ngoài kỳ vọng thúc đẩy hợp tác nghiên cứu văn hóa, đơn vị còn đặt mục tiêu kiến tạo mạng lưới các nhà nghiên cứu khoa học đa lĩnh vực, gồm y tế, nông nghiệp, văn hóa nghệ thuật, khoa học xã hội, kinh doanh... Từ đó, đội ngũ này có thể góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo cú hích cho hợp tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Sự kiện ra mắt Viện đại học Sydney Việt Nam (The University of Sydney Vietnam Institute) diễn ra tại Hà Nội ngày 20/6. Ảnh: Viện Đại học Sydney Việt Nam

Theo đơn vị, trong thời đại hội nhập hiện nay, giao lưu văn hóa dược ví như cây cầu giúp kết nối các dân tộc, gia tăng thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Qua sự hợp tác giữa các quốc gia, việc gìn giữ các giá trị truyền thống diễn ra thuận lợi hơn, giúp tạo nền tảng vững chắc, thôi thúc giới trẻ bảo tồn, phát triển di sản văn hóa trong tương lai.

Niềm đam mê với các giá trị truyền thống của giới trẻ còn thể hiện qua sự đón nhận các tác phẩm âm nhạc, múa dân gian và lễ hội truyền thống. Năm 2023 đánh dấu sự bùng nổ về văn hóa và lịch sử Việt Nam với hàng loạt sự kiện nổi bật. Trong đó, festival Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023 thu hút hơn 250.000 lượt khách tham quan.

Ngoài các sự kiện, loạt tác phẩm nghệ thuật được cải biên cũng để lại dấu ấn nhất định. Đơn cử như bản giao hưởng Jazz được làm lại từ bài hát Inh Lả Ơi, ra mắt năm 2024. Tác phẩm do Tiến sĩ Steve Barry, Trưởng chương trình nhạc Jazz tại Nhạc viện Sydney, Đại học Sydney, thực hiện.

Tiến sĩ Barry là nghệ sĩ piano, organ, nhà soạn nhạc từng đạt nhiều giải thưởng. Hợp tác cùng ông trong dự án này có nghệ sĩ ứng tác của Australia và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Các nghệ sĩ đã nghiên cứu để kết hợp giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam với nhạc Jazz quốc tế, thông qua các nhạc cụ hiện đại với làn điệu dân tộc Thái, tạo ra sản phẩm âm nhạc mới lạ.

Tiến sĩ Steve Barry và các đồng nghiệp từ Nhạc viện Sydney, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn tiết mục khai mạc trong lễ ra mắt Viện. Ảnh: Viện Đại học Sydney Việt Nam

Trong lễ ra mắt viện, ông cùng các đồng nghiệp từ Nhạc viện Sydney và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã có màn hòa tấu giữa âm thanh truyền thống của đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc với nhạc jazz phương Tây. Màn trình diễn khai mạc được đánh giá là cột mốc quan trọng củng cố quan hệ hợp tác lâu dài giữa Australia và Việt Nam.

Các chuyên gia nhận định nghệ thuật là ngôn ngữ không biên giới, giúp kết nối con người và văn hóa toàn cầu. Với Việt Nam, quốc gia luôn ưu tiên mục tiêu hội nhập quốc tế, việc giao lưu và quảng bá các giá trị văn hóa nước nhà càng mang ý nghĩa to lớn.

Phó giáo sư Jane Gavan, Khoa Nghệ thuật và Khoa học Xã hội, Đại học Sydney, cũng đồng tình với quan điểm này của ông Barry. Bà hiện là nhà nghiên cứu hợp tác với Viện Đại học Sydney Việt Nam.

Tên tuổi của bà gắn liền với những dự án có sức ảnh hưởng, thu hút sự quan tâm của ng chúng, góp phần thúc đẩy trao đổi văn hóa giữa các quốc gia. Những sáng kiến kết hợp sáng tạo nghệ thuật bền vững và gắn kết cộng đồng được nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Đơn cử có các dự án: "Nhà máy là những Xưởng sáng tạo" (2016), "Sáng tạo Sản xuất" (2019). Các nghiên cứu này đều thể hiện cam kết của Phó giáo sư trong việc khuyến khích tái sử dụng chất thải nhà máy, biến chúng thành các sản phẩm nghệ thuật và thương mại. Bà đã hợp tác cùng hơn 30 nhà sáng tạo và 20 ng ty, tiếp cận sáng tạo trong thiết kế và sản xuất bền vững.

Phó giáo sư Jane Gavan, Khoa Nghệ thuật và Khoa học Xã hội Đại học Sydney. Ảnh: NVCC

Gần đây, bà Gavan đảm nhiệm vai trò giám tuyển cho triển lãm nghệ thuật Bamunity tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, diễn ra 18/7-8/8 tại thành phố Hồ Chí Minh. Dự án thể hiện sức mạnh bền bỉ của văn hóa Việt qua 18 bức tranh. Các tác phẩm lấy cảm hứng từ khu vườn tre trong bảo tàng, mang đến không gian yên tĩnh, giúp khách tham quan thoải mái chiêm nghiệm.

Phó giáo sư cho biết sắp tới bà sẽ đưa các tác phẩm về chiến tranh và truyền thống ẩm thực Việt Nam đến triển lãm "Ẩm thực thời chiến", dự kiến ra mắt tháng 4/2025. Bà cũng đang hợp tác cùng Viện Đại học Sydney Việt Nam trong dự án "CocoDesign 2025", tập trung vào các sáng kiến bền vững, sử dụng nguyên liệu từ dừa Bến Tre.

Workshop sáng tạo Bamunity Vietnam tại viện. Ảnh: Viện Đại học Sydney Việt Nam

Những triển lãm sắp tới như "Ẩm thực thời chiến - Những câu chuyện về Chiến lược và Sinh tồn" (4/2025), "Những người bảo vệ Xanh - Thảm thực vật thời chiến: Hình ảnh và Biểu tượng," và "CocoDesign – Biểu tượng của Sự bền vững" (2025) góp phần thể hiện cam kết của Viện Đại học Sydney Việt Nam trong việc thúc đẩy sáng tạo và hợp tác nghiên cứu văn hóa.

Loạt sáng kiến giúp phong phú hóa hiểu biết văn hóa, thúc đẩy nghiên cứu liên ngành tại Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của nghệ thuật, âm nhạc và tư duy sáng tạo trong xây dựng cộng đồng toàn cầu vững mạnh.

Theo VnExpress

https://vnexpress.net/vien-dai-hoc-sydney-viet-nam-ky-vong-thuc-day-nghien-cuu-van-hoa-4777052.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke