Thursday, 21/11/2024

Vì sao vẫn có ngân hàng 'phớt lờ' quy định lên sàn?

14:11 07/07/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Hiện đã quá hạn chót theo quy định, nhưng vẫn còn một số ngân hàng "phớt lờ", chưa đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán. Theo các chuyên gia, có rất nhiều lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn, như như sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém...

Đến nay, PVCombank chưa đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý I/2021, trừ 3 ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại bắt buộc. Theo đó, nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.

Hàng tỷ cổ phiếu ngân hàng lên sàn

Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng tích cực. Sự hưng phấn của cổ phiếu ngân hàng được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính giúp thị trường duy trì sắc xanh. Hiện tại, Vn-Index đang duy trì quanh mức 1.400 điểm, các mã ngân hàng như VPB, TCB, MBB, STB, CTG... luôn nằm trong top những cổ phiếu dẫn dắt trên thị trường. Thậm chí, nhiều mã cổ phiếu ngân hàng trong thời gian dài ở dưới mệnh giá, nay cũng đã tăng trên 100% như: cổ phiếu SHB, NCB…

Sự dậy sóng của cổ phiếu ngân hàng thời gian gần đây là những động lực để một số ngân hàng quyết định đưa cổ phiếu lên sàn. Trong quý I/2021 có 3 ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán gồm: BacABank, SeABank, OCB… và đều huy động được lượng vốn khủng, thị giá cổ phiếu tăng từ 36 - 150% chỉ trong một thời gian ngắn.

Tuần qua, VietABank chính thức được chấp thuận đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với mã VAB. Mặc dù giá tham chiếu và ngày giao dịch đầu tiên chưa được ấn định, song việc được chấp thuận đăng ký lên sàn cho thấy nỗ lực của VietABank.

Như vậy, đến thời điểm này, nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt là CBBank, OceaBank, GPBank, DongABank chưa thể đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian ngắn, vẫn còn 3 ngân hàng dường như “phớt lờ” quy định và chưa niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán là PVComBank, SCB và BaoVietBank.

Ngoài SCB trong Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 7/12/2020 thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu trên HoSE chậm nhất vào năm 2025, thì với 2 ngân hàng còn lại, kế hoạch lên sàn vẫn là dấu hỏi lớn.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán được coi là bước tiến quan trọng giúp minh bạch hoá hoạt động, phát triển về mặt dài hạn của từng ngân hàng, giúp lành mạnh hoá hệ thống. Đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra thời hạn cụ thể, cùng với đó là kỳ vọng, mong mỏi của các cổ đông khi cổ phiếu ngân hàng được niêm yết sẽ giúp tăng giá, tăng tính thanh khoản, giúp đa dạng hoá thị trường, nên các ngân hàng gần như không còn lý do gì để trì hoãn việc lên sàn.

Tuy nhiên, minh bạch lại là thách thức cho nhiều ngân hàng khi số lượng thông tin phải công bố khi lên sàn và mức độ tuân thủ thông tin cũng yêu cầu cao hơn. Vì vậy, quyết định lên sàn phụ thuộc rất nhiều vào nội tại của nhà băng.

Sợ công khai minh bạch thông tin?

Trong số 3 ngân hàng chưa chịu lên sàn, BaoVietBank là ngân hàng có tình hình tài chính công khai chậm trễ và nợ xấu đáng lo.

Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2019, hoạt động cho vay của BaoVietBank ghi nhận mức 24.758 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 104 tỷ đồng, tương đương của năm 2018. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ được coi là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của BaoVietBank, đạt hơn 116 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi năm 2018.

Tuy vậy, sau kiểm toán, lợi nhuận của BaoVietBank chỉ còn 82 tỷ đồng, giảm 3,5% so với năm 2018. Đáng lo nhất là, tính đến cuối năm 2019, tổng nợ xấu của BaoVietBank tăng tới 26% so với hồi đầu năm, chiếm gần 1.292 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 25% lên hơn 188,7 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) hơn 209,3 tỷ đồng, tăng 38% và nợ có khả năng mất vốn tăng 24% lên mức gần 894 tỷ đồng. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng tăng từ 3,98% lên mức 5,22%.

Quý I/2020, lợi nhuận sau thuế của BaoVietBank sụt giảm tới 68% so với cùng kỳ. Tổng tài sản và cho vay của ngân hàng này cũng sụt giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu tuy giảm nhẹ, nhưng vẫn ở mức trên 5%.

Trong khi đó, PVcomBank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 39 tỷ đồng. 

Trong quý I, mặc dù cho vay khách hàng tăng khiêm tốn chưa đầy 2%, nhưng thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng mạnh hơn 31% đạt 510 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ cũng tăng gần 66% mang về hơn 70 tỷ đồng.

Tổng thu nhập hoạt động chung của PVcomBank trong kỳ tăng gần 17%, nhưng do chi phí hoạt động tăng nên lợi nhuận thuần giảm so với cùng kỳ năm trước.

Số dư nợ xấu của PVcomBank gần như không đổi so với cuối năm trước, nhưng do cho vay khách hàng tăng nên tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ về 3,06%. Vào cuối quý I, ngân hàng còn 5.766 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC.

Với SCB, theo báo cáo tài chính quý I/2021, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế 266,82 tỷ đồng, với đóng góp chủ yếu từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh tiền tệ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và kinh doanh chứng khoán cũng đạt kết quả tốt, đạt 419 tỷ đồng, tăng 157,8% và tương đương gần 60% tổng thu nhập của mảng này trong năm 2020, đóng góp phần lớn vào cấu phần thu nhập.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù thị trường chứng khoán đang rất thuận lợi, song có rất nhiều lý do khiến ngân hàng chần chừ lên sàn, như sợ công khai minh bạch, nhất là những ngân hàng có kết quả kinh doanh yếu kém. Hoặc có những ngân hàng có nợ xấu lớn chưa được xử lý - chủ yếu là hậu quả tồn đọng trong thời gian dài để lại - nếu lên sàn tại thời điểm này thì định giá cổ phiếu chưa tối ưu, nên lãnh đạo muốn chọn thời điểm thuận lợi hơn…

Theo Vnbusiness

Chia sẻ bài viết

Thong ke