Friday, 22/11/2024

Vì sao "start" mãi mà không thể "up"?

15:24 12/09/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nếu bước chân vào con đường startup (khởi nghiệp) chỉ với ý tưởng tốt, bạn có thể thất bại - thậm chí thất bại nhiều lần. Ý tưởng thôi không đủ, cần nhận thức tầm quan trọng của việc thực thi - thực chiến, quá trình vận hành và quản trị doanh nghiệp.

Đó là chủ đề chính được đưa ra tại Hội thảo “Thăm khám sức khoẻ Start up”: Cơ hội đo lường sức khoẻ Start up trong vòng đời tăng trưởng", do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức trong khuôn khổ cuộc thi Viet Solutions 2022. Qua đó, nhằm khai thác sâu những bài học phía sau câu chuyện của các nhà khởi nghiệp, cũng như cho thấy rõ sự quan trọng của việc “thực thi” - “thực chiến” đối với các Start up nói chung và những đội tham gia Viet Solutions 2022 nói riêng.

Khi "start nhưng không up"

Mở đầu hội thảo, ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies) đã "đính chính" về câu nói: "Ý tưởng chỉ đáng giá 5 xu" mà một vài đơn vị báo chí trích dẫn. Theo ông, nếu chỉ có ý tưởng mà không hiện thực hóa nó thành sản phẩm, ứng dụng; không giải quyết được một bài toán nào đó của cuộc sống... thì đó là thứ vô nghĩa.

Nhìn rộng hơn, nếu các nhà khởi nghiệp chỉ tâm đắc với ý tưởng độc đáo, các nhìn nhận vấn đề sáng tạo của mình mà không có vòng thực thi, không "quăng quật" mình trong các trải nghiệm cuộc sống thì khả năng cao là một sản phẩm được tạo ra vội vàng từ ý tưởng - thậm chí là chính start up đó - sẽ thất bại hoàn toàn.

Các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Bổ sung cho điều này, ông Lê Bá Nam Linh - Phó tổng giám đốc Cát Tiên Sa, Tổng giám đốc Học viện Bóng rổ Hà Nội - cũng kể về sự thất bại ngay lần khởi nghiệp đầu tiên của mình. Dù ý tưởng tốt, nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, song doanh nghiệp vẫn phá sản vì gặp nhiều vấn đề khó khăn trong khâu thực thi, phát triển. Lần "vấp" thứ hai là do cách thức triển khai phù hợp, nhưng phát triển "nóng", mở rộng các chi nhánh quá nhanh dẫn đến không kiểm soát hết được chất lượng... Như vậy, dù ở giai đoạn nào của vòng đời sản phẩm

Ông Nguyễn Thế Duy - Chủ tịch Liên minh Metaverse, đồng sáng lập ADT Creative - cho rằng: một trong những căn bệnh phổ biến của các startup là thích nói nhiều về công nghệ. Tuy nhiên, khách hàng của họ lại không hiểu mấy về "thế mạnh" đó. Điều đáng quan tâm là sản phẩm của startup có đáp ứng được nhu cầu khách hàng hay không thì lại chưa được giải đáp. 

Cùng đó, là những vấn đề mà startup nào cũng sẽ gặp phải khi phát triển: thiếu nhân sự hoặc không cân đối được tuyển bao nhiêu, dùng vào việc gì là đủ; quy mô tăng phát sinh nhiều trở ngại cần giải quyết... 

Liên quan đến gọi vốn, các chuyên gia cũng cho biết: startup trước khi nghĩ đến việc gọi vốn cần phải tự nuôi sống được mình, như thế mới có vị thế tốt để thương lượng trên bàn đàm phán. Đối với vấn đề tài chính, người lãnh đạo startup cần phải tìm hiểu để biết những chi phí phí nào khi bỏ ra sẽ có thể cấu thành tài sản... Như vậy, có "thực chiến" thì mới có đủ sự từng trải để tính dài, tính xa các vấn đề sẽ xảy ra sau mỗi bước thưc thi. Đây là những kiến thức mà các startup sẽ được bổ sung tại cuộc thi Viet Solutions. 

"Thăm khám sức khoẻ" cùng chuyên gia để biết mình đang ở đâu

Đại diện Ban tổ chức cho biết, các đại diện đến quỹ đầu tư Ewto và Thinkzone sẽ cùng thẩm định, thăm khám “sức khỏe” và tư vấn trực tiếp theo từng trường hợp cho mỗi startup. Qua đó, các nhà khởi nghiệp trẻ tuổi không chỉ nhận thức được vị trí của mình trong vòng đời tăng trưởng, mức độ phát triển hiện tại... mà còn có những thông tin, bài học kinh nghiệm quý báu để tìm mô hình phù hợp với mình. 

Chuỗi workshop nằm trong khuôn khổ cuộc thi Viet Solutions 2022 được kỳ vọng sẽ đem đến những câu chuyện điển hình về khởi nghiệp, giúp các startup tích luỹ kinh nghiệm thực chiến để đương đầu với các khó khăn trong thực tiễn vận hành doanh nghiệp. Đây cũng là chủ đề xuyên suốt của Viet Solution 2022, truyền tải thông điệp “Vững vàng thực chiến - sẵn sàng thành công”.

Diễn ra lần lượt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh trong tháng 8 này, hội thảo mong muốn sẽ thu hút các nhà khởi nghiệp trong và ngoài nước, góp phần đem đến thành công cho cuộc thi Viet Solutions với nhiều giải pháp và dự án tiềm năng.

Ông Lê Mạnh Tấn - PTGĐ Tổng Công ty Viễn thông Viettel

Ông Lê Mạnh Tấn - PTGĐ Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho biết, Đồng hành, tiếp sức đầu tư và tạo ra cơ hội phát triển cho các Start Up là cam kết lâu dài của Viettel đối với cộng đồng khởi nghiệp trong nhiều năm qua. Đó cũng chính là lý do cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions (tiền thân là cuộc thi VAS Track) được ra đời và nhận được sự ủng hộ lớn lao của cộng đồng Start up, với gần 900 giải pháp, tổng giá trị hợp đồng đã ký kết lên tới 45 tỷ đồng. Thông qua cuộc thi, Viettel mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp start-up, doanh nghiệp SME trong việc triển khai ý tưởng kinh doanh, vận hành doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý và sản phẩm doanh nghiệp. Đồng thời, nhằm kết nối các doanh nghiệp với Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp lớn và quỹ đầu tư. Qua đó, hướng tới mục tiêu phát triển 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vào năm 2025; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam và góp phần xây dựng những sản phẩm, giải pháp công nghệ ưu việt, quy mô lớn và vươn ra toàn cầu.

Theo tạp chí Nhịp sống số

https://nss.vn/vi-sao-start-mai-ma-khong-the-up-26518.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke