Để du lịch Quảng Trị phát triển, phải đổi mới nhận thức. Bắt đầu từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và người dân. Khơi nguồn tiềm lực người Quảng Trị xa quê và người dân tại chỗ. Chưa có đại bàng lót ổ thì khuyến khích chim sẻ làm tổ.
Nhiều người cho rằng tiềm năng du lịch Quảng Trị nghèo nàn, toàn di tích chiến tranh. Người Quảng Trị cứ than thua kém mấy tỉnh láng giềng và đổ cho cơ sở hạ tầng, nhân lực; loay hoay tìm lời giải bài toán con gà hay quả trứng có trước.
Lâu nay, du lịch Quảng Trị chủ yếu hành hương các di tích lịch sử cách mạng. Từ sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Vịnh Mốc, Cồn Cỏ đến Thành Cổ, Dốc Miếu, Thạch Hãn, Khe Sanh, Dakrong, Tà Cơn, Làng Vây, Đường 9, đại lộ Kinh Hoàng, hàng rào Điện tử Mc Namara, nghĩa trang Trường Sơn, nhà tù Lao Bảo… Du lịch biển có Cửa Việt, Cửa Tùng; tâm linh có Đức Mẹ La Vang.
Du khách chỉ tạt qua chốc lát, thậm chí không dừng mà đi thẳng vào Huế, Đà Nẵng hay ra Quảng Bình. Tỉnh có 3 di tích bán vé đồng hạng 50.000 đồng là cầu Hiền Lương, sân bay Tà Cơn, địa đạo Vịnh Mốc.
Tiềm năng du lịch đâu có nghèo
Quảng Trị có nhiều sông như Thạch Hãn, Bến Hải, Hiếu, Dakrong, Ba Lòng, Ô Lâu, Bến Đá… Có hai sông chảy ngược là Sepol, Sepang Hieng. Sông nào cũng đẹp và gắn liền với những câu chuyện văn hóa, lịch sử.
Suối nóng Klu (Dakrong) từ núi Đồng Cho uốn lượn qua ghềnh, đá; len lỏi đại ngàn; hiền hòa dâng tặng đời dòng suối đẹp hơn thủy mặc; nghịch ngợm tạo thành những hồ, thác nhỏ; như sơn nữ dậy thì; ngay bản bà con Vân Kiều, cạnh đường 9.
Quảng Trị có 223km đường Trường Sơn Tây với nhiều danh thắng ngỡ ngàng. Quốc lộ 1 và đường xe lửa đi qua. Cách sân bay Đồng Hới 110km, Phong Nha 155km, sân bay Huế 77km, sân bay Đà Nẵng 185km, Hội An 211km, Mỹ Sơn 224km. Đường bộ, xe lửa, đường bay đều thuận lợi. Tỉnh có 74km bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp.
Hướng Hóa có Thác Chênh Vênh, động và thác Tà Puồng, động Brai, thác Ồ Ồ... Thác Chênh Vênh cạnh bản Chênh Vênh, dưới chân đèo Sa Mù. Đường mòn vào thác xinh xắn, len lỏi giữa rừng. Đèo Sa Mù dài gần 20 km, quanh năm mờ ảo giữa chập chùng xanh đồi núi nguyên sinh. Sáng mù sương, trưa chiều mù mây, tối mù gió mù co (vì lạnh). Trung tâm Bảo tồn rừng Hướng Hóa đang làm trạm dừng, tổ chức trekking chinh phục các điểm cao phụ cận.
Phải lội suối, băng rừng, leo dốc để tới động và thác Tà Puồng. Cửa động to, trần cao, lòng rộng; một bên là dòng sông ngắn, một bên cát bồi thành bãi rộng; thạch nhũ không nhiều nhưng sắc sảo và sống động. Có nơi phải lội, có chỗ phải bơi. Thác Tà Puồng cao chừng 35m, nước chảy mạnh, mát lạnh quanh năm. Thác Ồ Ồ, cao khoảng 40m, cạnh bản Si Nuk của người Vân Kiều bình dị, nên thơ. Tầng nào cũng có hồ và thác, tha hồ tắm và massage thác miễn phí.
Đường vào động Brai khá thuận lợi, ven theo Sepang Hieng – dòng sông chảy ngược khoảng 1km và leo núi tầm 100m là đến. Động cấu trúc hang khô điển hình, càng vào sâu càng rộng; có đoạn ngập nước; có nhiều măng đá, tảng đá mòn, các hồ đá bìa, bãi đá rộng và thạch nhũ tráng lệ sắc màu, hình thù độc đáo; không khí trong lành, mát mẻ.
Tràm Trà Lộc (Hải Lăng), đầm nước hoang sơ, đẹp như tranh vẽ. Đồi cát vàng Nhĩ Hạ không hề kém cạnh Hòn Rơm (Phan Thiết). Mũi Trèo, mũi Lay (Vĩnh Linh) những điểm check in biển độc đáo. Cát Cửa Việt như dải lụa trắng khổng lồ lóa mắt vô tận, điệu đàng cạnh biển ngút ngàn xanh… Tất cả đều là sản phẩm thô, chưa bị rác xâm chiếm.
Huyện đảo Cồn Cỏ, cách bờ chừng 30km, diện tích 238ha, chưa tới 500 nhân khẩu, hơn 70% là rừng; có nhà máy xử lý rác, điện nước ổn định. Là tiền đồn canh giữ phía Nam vịnh Bắc bộ, đảo toàn đá macma và đất đỏ bazan. Rong nho mọc thành thảm, cây phong ba (ướt lông) và bão táp (ướt trơn) mọc thành rừng. Ngoài tham quan Hải Đăng, Cột Cờ, hang Quân Y, đài Tưởng Niệm, hào giao thông, lô cốt phòng thủ, nhà bê tông đồn trú; có thể tắm biển, ngắm san hô (không cần lặn), trekking xuyên rừng, câu cá, hái giảo cổ lam, đào sâm cau…
Quảng Trị có nhiều món ngon như cháo vạt giường (bột mì sợi) Hải Lăng, còn gọi là cháo bột; bánh cuốn thịt heo luộc nước sốt thất vị Phương Lang; trâu tơ lá trơng (lá trâng, sâng gai) Hướng Hóa nướng và xào; lòng sả Đông Hà (cháo lòng); bún hến Mai Xá, nem chua chợ Sãi, canh ám cá lóc đồng lá sôông (cây bụp giấm) Gio Linh; mì tôm mực chớp mắt Cửa Việt; hàu Cồn Cỏ (mỗi con nửa ký) các loại hải sản và rong nho biến tấu…
Tiềm năng du lịch, thấy mà ham.
Vì đâu nên nỗi
Mọi thứ đều do con người. Trước là chưa yêu quê mình đủ để rủ khách tới. Thứ đến là tư duy du lịch chủ quan; chưa xem khách tham quan, hành hương là khách du lịch để có sản phẩm dịch vụ tương thích. Cách làm truyền thông lạc hậu, có phần tùy tiện. Ai lại tổ chức famtrip vào dịp cao điểm 30/4 và 1/5?
Tour DMZ không được làm mới, dịch vụ xuống cấp nên ngày càng vắng. Chưa có kế hoạch tiếp thị nguồn khách từ Lào, Đông Bắc Thái và các nước quá cảnh Lao Bảo. Mỗi năm cửa khẩu Lao Bảo đón mấy trăm ngàn khách từ Lào đi vào Huế, Đà Nẵng, Hội An hoặc Phong Nha nhưng không ghé Quảng Trị.
Chỉ trong hai ngày hội, thánh địa La Vang đón 80.000 khách hành hương, cả năm lên đến hàng triệu. Năm 2019, Quảng Trị đón hơn 2 triệu lượt khách, có 175.000 khách quốc tế. Doanh thu đầu khách 855.000 đồng. So với 2018, lượng khách và tổng doanh thu tăng nhưng doanh thu đầu khách giảm 47.000 đồng. So với sáu tỉnh Bắc Trung bộ, Quảng Trị đội sổ, chỉ hơn Hà Tĩnh về lượng khách quốc tế. So với cả nước doanh thu đầu khách Quảng Trị xếp thứ 35/63 tỉnh thành.
Lào không có biển. Từ Lào và Đông Bắc Thái đến biển Quảng Trị là gần nhất nhưng khách không ghé vì dịch vụ quá kém. Biển Cửa Tùng từng là “hoàng hậu Đông Dương”, giờ chỉ xô bồ mấy tháng hè và karaoke tràn ngập.
Mấy homestay của bà con Vân Kiều ở suối nóng Klu, tư vấn xong bỏ mặc, nhà vệ sinh kém nhưng có 13 chòi ăn uống kiểu sinh thái nhậu. Đường quanh đảo Cồn Cỏ chưa tới 5km, thay vì dùng xe đạp và trekking, kéo dài thời gian thưởng ngoạn, lưu trú và bảo vệ môi trường; lại dùng xe điện và xe gắn máy. Mấy nhà hàng ăn nhậu ven biển không có nhà vệ sinh.
Khách sạn xịn nhất Quảng Trị ngay trung tâm tỉnh lỵ, chủ yếu cho khách công vụ. Bờ biển Cửa Việt dài mấy km, chỉ có một khu nghỉ dưỡng 3 sao. Từ tỉnh đến huyện, kể cả giao lộ điểm đến, không hề có thông tin hay bảng chỉ dẫn du lịch, cứ bí mật như thời chiến tranh. Du lịch kiểu đó làm sao đón khách? Vậy nhưng tỉnh đang lobby để làm sân bay quốc tế...
Sau 1975, các tỉnh thành có chung xuất phát điểm du lịch; trừ vài trọng điểm Sài Gòn, Vũng Tàu, Đà Lạt. Cũng như đại học, đầu vào giống nhau nhưng sau 4 năm, người cố học và học giỏi có thể làm thầy người tốt nghiệp bình thường. Mình cứ đủng đỉnh còn láng giềng chạy nước rút, đương nhiên bị bỏ xa.
Làm gì để thay đổi
Để du lịch Quảng Trị phát triển, phải đổi mới nhận thức. Bắt đầu từ lãnh đạo đến doanh nghiệp và người dân. Khơi nguồn tiềm lực người Quảng Trị xa quê và người dân tại chỗ. Chưa có đại bàng lót ổ thì khuyến khích chim sẻ làm tổ.
Chưa cạnh tranh nổi chất lượng thì thay bằng tinh thần, thái độ phục vụ. Ưu tiên du lịch sinh thái đảo, rừng, núi, hồ, suối, thác trên vùng đất lửa năm xưa; trải nghiệm văn hóa bản địa, khám phá Tây Trường Sơn; “Outdoor training”; trekking, chinh phục cao điểm lịch sử, marathon cung đường huyền thoại…Tập trung đầu tư lưu trú, dịch vụ ven biển đón khách Lào và Đông Bắc Thái. Giữ Cồn Cỏ hoang sơ, thuần khiết, thành đảo ngọc biển Đông.
Trong khi chờ các nhà đầu tư lớn, khẩn trương phát triển du lịch cộng đồng. Chọn các nhà tư vấn thực tiễn, dám đồng hành, bảo hành dự án. Vận dụng sáng tạo các điển hình homestay như Minh Thơ (Hòa Bình); A Chu (Sơn La); Xuân Diện (Lào Cai) và Pù Luông retreat (Thanh Hóa)…
Làm các bảng thông tin điểm đến Quảng Trị trên đường phố, trong khách sạn, nhà hàng, cơ quan; giao lộ. Sử dụng danh thắng Quảng Trị trang trí và PR. Hoàn chỉnh và cập nhật thông tin du lịch Quảng Trị trên Google. Liên kết với Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An; những nguồn khách đầy tiềm năng.
Tìm về thiên nhiên, xu thế tất yếu của du khách trong điều kiện bình thường mới; là thời cơ để du lịch Quảng Trị tăng tốc với những loại hình mới, bền vững.
Tôi ước mơ xây dựng công viên Hòa Bình dọc “đại lô kinh hoàng” xưa, tưởng niệm tất cả nạn nhân cuộc chiến, khép lại quá khứ đau thương, chung tay xây dựng Quảng Trị nhân văn, giàu mạnh.