Từ học sinh cá biệt, chàng trai khiếm thị giành học bổng chính phủ Anh
14:36 27/10/2022
Từng là học sinh cá biệt, tưởng phải nghỉ học giữa chừng vì quậy phá, Nguyễn Thành Vinh nỗ lực thay đổi, bước ra thế giới bằng học bổng chính phủ Anh.
Nguyễn Thành Vinh, 28 tuổi, đang là sinh viên năm nhất ngành Giáo dục đặc biệt, Đại học Exeter, Anh, sau khi giành học bổng chính phủ Chevening hồi tháng 7. Với chàng trai khiếm thị quê Long An, bước ra thế giới học thạc sĩ là cơ hội đổi đời, là thành quả cho những năm tháng nỗ lực vươn lên.
19 tháng tuổi, Vinh mù hoàn toàn hai mắt sau một tai nạn trong lúc uống sữa. Đang đứng trên giường, Vinh mất thăng bằng, ngã úp mặt xuống chiếc cốc thủy tinh vỡ tan dưới đất. Từ đó, cuộc sống của cậu bé Vinh là thế giới một màu. Lên 6 tuổi, Vinh từ Long An lên Sài Gòn học trường Nguyễn Đình Chiểu và gắn bó với nơi này suốt 12 năm học. Trong ký ức Vinh, tuổi thơ là những chuỗi ngày đi học khó khăn, căng thẳng. Thay vì chia sẻ để tìm kiếm sự hỗ trợ từ thầy cô, em luôn tỏ ra chống đối. Vinh cũng cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà của mình.
"Em là học sinh cá biệt, khiến thầy cô nhức đầu. Em đã không biết làm sao để truyền đạt nhu cầu của mình tới giáo viên", Vinh kể.
Năm lớp 9, Vinh không được xếp lớp đi học hòa nhập cùng các bạn vì quậy phá. Trước nguy cơ không được đi học, Vinh nhận ra cần thay đổi. Cậu tập trung học để lấy lại kiến thức hổng và đặt mục tiêu vào đại học. "Nhưng đường vào đại học của người khiếm thị rất vất vả. Em nộp vào nhiều trường, liên hệ khắp nơi, cuối cùng mới có một trường nhận vào ngành Ngôn ngữ Anh", Vinh nhớ lại.
Vinh đam mê Tiếng Anh từ nhỏ, thường lấy những mẩu chuyện về vùng đất mới xa xôi mà những đoàn khách nước ngoài mỗi lần đến thăm trường Nguyễn Đình Chiểu kể để làm động lực học hỏi. Không có máy tính riêng, những cuốn băng cassette và những mẫu chuyện từ những người khách này giúp nối dài khao khát vươn ra thế giới của em. Năm 2014, Vinh nhận được học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT và trở thành sinh viên ngành truyền thông.
"Đó là một bước ngoặt. Em tự tin và trưởng thành hơn nhiều khi môi trường học giúp sinh viên và giảng viên có sự tương tác cởi mở", Vinh chia sẻ.
Tốt nghiệp năm 2018, Vinh làm việc trong lĩnh vực truyền thông giáo dục một năm rồi quyết định nghỉ để chuẩn bị cho ước mơ du học. Vinh thích học về giáo dục vì muốn dùng những trải nghiệm của bản thân để giúp con đường các bạn cùng cảnh ngộ trải qua bớt chông gai hơn. Không có điều kiện tham gia nhiều hoạt động, Vinh tự gây dựng kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Em mở lớp tiếng Anh trực tiếp tại nhà và trực tuyến vào thời điểm dịch Covid-19. Em cũng làm việc với các tổ chức nước ngoài, nhận dự án và tình nguyện dạy học cho trẻ trong mái ấm tình thương.
Lúc đầu, Vinh chỉ dám nộp hồ sơ xin học bổng với mục đích lấy kinh nghiệm. Học bổng Chevening yêu cầu bốn bài luận, với bốn chủ đề khác nhau, và mỗi bài dài 500 từ. Khó nhất là bài thứ hai nói về việc tạo lập mối quan hệ và sức mạnh của mạng lưới để tạo ra sức ảnh hưởng. "Em mất 6 tháng cho bốn bài luận này", Vinh cho biết.
Trong bài luận, Vinh kể câu chuyện cuộc đời mình và lồng ghép yếu tố thể hiện tố chất, cá tính riêng mà học bổng đang tìm kiếm. Có những bài, em viết 6 bản nháp, qua nhiều lần nhờ chỉnh sửa mới đúc kết được bản cuối. Vinh cũng tham khảo trải nghiệm phỏng vấn của những người đi trước, tập các kỹ thuật kể chuyện sao cho cô đọng được nội dung đã chuẩn bị suốt sáu tháng qua. Em tự tập ở nhà, sau đó nhờ hai người bạn mô phỏng buổi phỏng vấn rồi ghi âm lại để sửa những chỗ chưa đạt. Cuối cùng, sau 10 tháng nộp hồ sơ và phỏng vấn, Vinh đã chạm tới ước mơ.
Ông Ben Harley, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Bamboo Bridge Vietnam, là người viết thư giới thiệu cho Vinh. Với ông, chàng trai Việt Nam là người tuyệt vời nhất ông từng gặp, là "hiện thân của nguồn cảm hứng".
"Vinh luôn tập trung vào những gì mình có thể, thay vì những điều không thể. Tôi sẽ luôn sẵn sàng kể về Vinh vơi bất kỳ ai", ông Ben nói.
Ông đánh giá cao việc Vinh sống một mình nơi đất khách trong suốt một năm, theo học một chương trình thạc sĩ bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, phải nghe và tổng hợp thông tin mà không thể ghi chú và đối chiếu nhanh chóng như những người sáng mắt khác.
"Tôi tin chắc nếu có một người nào đó có thể làm được những điều trên, đó sẽ là Vinh", ông Ben chia sẻ.
Học bổng không hỗ trợ người đi cùng, do đó, Vinh sang Anh một mình và tự lo liệu cuộc sống. Trước khi sang, Vinh chủ động liên hệ trường, người đứng đầu chuyên ngành em học để tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ học tập và di chuyển. Nhờ có sự chuẩn bị, em không bị sốc văn hóa hay gặp khó khăn về ngôn ngữ. Tuy nhiên, do cách học khác biệt nên thời gian đầu, Vinh bối rối. Sinh viên có nhiệm vụ đọc rất nhiều trước khi đến lớp để tăng kiến thức nền tảng, còn thầy cô chỉ đóng vai đồng hành và chỉ ra điểm thiếu sót.
"Có môn rất khó hiểu. Bình thường em đọc 10 phút một trang, giờ phải mất hai tiếng một trang vì đọc được một câu thì dừng lại để suy ngẫm", Vinh nói.
Mỗi tuần, Vinh có bốn tiết lên lớp, mỗi tiết 1,5 tiếng, ngoài ra phải dự các buổi hội thảo. Muốn lên lớp hiệu quả, Vinh buộc phải đọc nhiều và tập trung phần lớn thời gian cho việc học.
Việc học căng thẳng nên một ngày của Vinh thường bắt đầu lúc hơn 6h, sau đó làm việc trên máy tính. Hôm nào nhiều bài, Vinh phải dậy từ 5h. Em tự nấu ăn nhưng lâu nên thường chọn những món chế biến nhanh, thịt hộp hoặc bánh sandwich để tiết kiệm thời gian.
"Nhiều người xem du học là trải nghiệm, còn em ưu tiên cho việc học vì đây là cơ hội quá lớn với em", Vinh nói, cho biết mới đi chơi được một lần kể từ khi sang Anh.
Sau hơn một tháng, Vinh hiện đã thích nghi được cuộc sống mới và dần quen với guồng học. Em dự định học xong về Việt Nam sẽ tổ chức một chương trình phát triển năng lực cá nhân, đặc biệt cho người khiếm thị. Vinh thích khái niệm mentor (cố vấn) vì nếu không có người dẫn dắt, em không được như ngày hôm nay. Em cũng muốn làm việc cho một tổ chức giáo dục để thúc đẩy việc tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng trong xã hội.
"Chỉ bạn mới biết thế mạnh của chính mình để phát triển bản thân, từ đó chọn hướng đi phù hợp nhất. Khi mở lòng tìm kiếm sự giúp đỡ bằng sự chân thành, bạn sẽ nhận được sự giúp đỡ của mọi người", Vinh nói.