Từ 1/7/2023, mức lương cơ sở sẽ tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Vậy lương hưu sẽ thay đổi ra sao và mức đóng bảo hiểm xã hội của người lao động sẽ như thế nào?
Ngày 11/11, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Theo đó, về thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội đồng ý: "Từ ngày 1/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng".
Việc tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng tác động đến mức hưởng lương hưu của nhóm người lao động (NLĐ) thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (tính theo mức lương cơ sở), kể cả người đang còn làm việc và người đã nghỉ hưu.
Cụ thể, lương cơ sở tăng sẽ điều chỉnh tăng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhóm lao động có tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo lương cơ sở.
Điều này giúp NLĐ đang làm việc sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn khi nghỉ hưu và nhóm NLĐ đã nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu theo mức tăng tiền lương tháng đóng BHXH.
Nhóm NLĐ có tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc theo lương cơ sở quy định tại khoản 1 điều 89 Luật BHXH 2014 bao gồm: "NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có)".
Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương cơ sở cũng sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7/2023 (quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 của Luật BHXH 2014).
Ngoài ra, trong Nghị quyết số 69/2022/QH15, Quốc hội cũng đồng ý "tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH cho đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp".
Trong thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ban, ngành sẽ có văn bản chi tiết để thực hiện các nội dung trên của Nghị quyết 69/2022/QH15.