Truy xuất nguồn gốc sản phẩm: Tạo niềm tin cho người tiêu dùng
10:10 08/04/2021
Dự kiến cuối quý IV năm nay, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động với mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, ngành.
Truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng yên tâm sử dụng những sản phẩm có xuất xứ rõ ràng và chất lượng được đảm bảo; đồng thời giúp ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg phê duyệt đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (thường gọi là Đề án 100). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.
Cổng thông tin sẽ đóng vai trò trung tâm của hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc, với sự tham gia của tất cả các bên trong chuỗi cung ứng như nhà sản xuất, đơn vị đóng gói, vận chuyển, phân phối, bán lẻ, đơn vị cung cấp giải pháp truy xuất nguồn gốc và cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) - cho biết, dự kiến cuối quý IV năm nay, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia sẽ đi vào hoạt động với mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo kết nối 100% hệ thống truy xuất nguồn gốc của các bộ, ngành, ví dụ như Bộ Công Thương trong lĩnh vực quản lý thị trường; Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế và hải quan; Bộ Y tế trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, vắc - xin…
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đang tiếp tục xây dựng các bộ tiêu chuẩn để đảm bảo hệ thống truy xuất nguồn gốc của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với cổng quốc gia. Hiện đã có 3 tiêu chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc, bao gồm yêu cầu đối với chuỗi cung ứng rau, quả tươi; yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; yêu cầu đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia đang triển khai một loạt các ứng dụng truy xuất như: Ứng dụng truy xuất nguồn gốc đối với nông sản cho phép các đơn vị thực hiện cập nhật nhật ký điện tử; liên kết toàn bộ thông tin trong chuỗi cung ứng sản phẩm, người tiêu dùng có thể sử dụng thiết bị di động quét mã QR để xem lại toàn bộ lịch sử quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm.
Đặc biệt, ứng dụng bản đồ trái cây Việt Nam hỗ trợ quảng bá sản phẩm và xúc tiến thương mại điện tử. Ứng dụng này được phát triển thành giải pháp quản lý tổng thể hoạt động sản xuất nông nghiệp, cập nhật và theo dõi toàn bộ thông tin về tình hình sản xuất nông nghiệp trên từng thửa ruộng, làm cơ sở cho việc sản xuất và phán đoán xu hướng giá cả sản phẩm dựa trên thống kê nhu cầu tiêu thụ hàng năm.
Về phía Bộ Công Thương, trong năm 2020, Vụ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Kế hoạch thực hiện “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Qua đó, giúp triển khai thực hiện một cách kịp thời, thống nhất các nhiệm vụ của Bộ Công Thương tại Quyết định số 100/QĐ-TTg và xây dựng, vận hành Hệ thống truy xuất nguồn gốc, cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.