Saturday, 23/11/2024

Truy trách nhiệm Bộ Công Thương trong đại án Gang thép Thái Nguyên

09:48 14/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Thẩm vấn đại diện Bộ Công thương về dự án Gang thép Thái Nguyên, toà nhắc người trả lời cần chính xác, trách nhiệm đến đâu thì nhận, đừng đổ hết cho các bị cáo.

Các bị cáo trong vụ án Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: C.H.

Nhà thầu phụ kém năng lực

Trong hai ngày xét xử vụ án sai phạm xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Hội đồng xét xử TAND Hà Nội đã hỏi các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khá nhiều về nhà thầu phụ Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON).

Ngay từ hôm thủ tục (12.4), luật sư đã đề nghị triệu tập đại diện của VINAINCON và được chủ toạ đồng ý.

Vậy, VINAINCON liên quan ra sao đến dự án Gang thép Thái Nguyên?

Theo cáo buộc, TISCO (chủ đầu tư dự án) ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC số 01, là hợp đồng trọn gói, không được phép điều chỉnh giá trong suốt quá trình thực hiện.

MCC chịu trách nhiệm lựa chọn ký hợp đồng và trực tiếp thanh toán cho nhà thầu phụ theo quy định của pháp luật và hợp đồng EPC.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện MCC đã có nhiều vi phạm sau hơn 11 tháng hợp đồng có hiệu lực: Chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ; chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục; không đặt hàng chế tạo máy móc, thiết bị, rút hết người về nước; đề nghị tăng giá hợp đồng không có căn cứ…

Khi đó, ông Trần Trọng Mừng - cựu Tổng Giám đốc TISCO và ông Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty thép Việt Nam (VNS) đã chỉ đạo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư, vi phạm hợp đồng EPC.

Cụ thể, ông Mừng, ông Tinh cùng Trần Văn Khâm - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc TISCO, Đậu Văn Hùng - cựu Tổng Giám đốc VNS chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh chi phí dự toán phần C; tham gia ký hợp đồng thầu phụ phần C theo hình thức hợp đồng đơn giá;

TISCO trực tiếp nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu phụ thực hiện phần C, tự chịu mọi rủi ro đã làm phá vỡ nguyên tắc thực hiện hợp đồng theo hình thức trọn gói của hợp đồng EPC số 01#.

Chấp thuận không có căn cứ VINAINCON làm nhà thầu phụ thực hiện phần C của hợp đồng EPC trong khi đơn vị này không đủ năng lực để thực hiện.

Trong các phần thẩm vấn, bị cáo Tinh thừa nhận nhà thầu VINAINCON là do lãnh đạo Bộ Công thương giới thiệu.

Bị cáo Đồng Quang Dương - cựu Phó Giám đốc TISCO trong chiều 13.4 khai, thấy năng lực của VINAINCON thời điểm được giới thiệu cho MCC là đảm bảo yêu cầu để thực hiện phần C của dự án.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thi công thực tế, VINAINCON đã bộc lộ một số yếu kém như lực lượng thi công không đủ.

“Tổng thầu yêu cầu có những hạng mục phải cần khoảng 1.500 đến 1.700 người, nhưng thực tế nhà thầu VINAINCON chỉ có 300 người. Tôi cho đó là nguyên nhân dẫn đến chậm trễ tiến độ với nhà thầu VINAINCON” - bị cáo Dương nói.

"Đừng đổ hết trách nhiệm lên các bị cáo"

Trước toà trong chiều muộn 13.4, đại diện Bộ Công Thương cho hay, các văn bản ký đều đúng pháp luật. Tại thời điểm xảy ra vụ án, theo đại diện, nguyên nhân lớn nhất là do biến động giá vật tư, thiết bị, sự khủng hoảng của thị trường.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, bộ chủ quản cũng rất đau lòng khi nhìn thấy 19 bị cáo phải đứng trước tòa.

Tuy nhiên, thẩm phán Trương Việt Toàn - thành viên Hội đồng xét xử - đã hỏi cũng như giải thích luôn với đại diện Bộ Công Thương: Ông có biết quan hệ kinh tế là gì không? - Là lời ăn, lỗ chịu, tối ưu hóa lợi nhuận; cứ giá lên là có quyền thay đổi hay sao?

Thẩm phán Trương Việt Toàn nói tiếp: Ký hợp đồng thì phải chấp nhận cả rủi ro, giá lên thì lỗ, giá xuống thì thắng - đó là quan hệ kinh tế; chứ không phải tất cả là do vấn đề về giá. Tòa án chỉ đang xoay quanh Hợp đồng EPC.

Vậy, ông hiểu hợp đồng EPC là như thế nào? Là hợp đồng xây lắp, chuyển giao theo hình thức trọn gói, đã ký hợp đồng trọn gói rồi thì lời ăn lỗ chịu, tại sao giá vật liệu xây dựng mới thấp thỏm, nhấp nhô một chút mà đã đòi hỏi?

Thẩm phán Toàn nhắc lại việc đại diện Bộ Công Thương trả lời là ký các văn bản đều đúng pháp luật. Thẩm phán Toàn lưu ý với người đại diện thế này: Nếu Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan quản lý ngành mà ký các văn bản đều đúng pháp luật thì có lẽ rằng hôm nay có rất ít bị cáo, chứ không phải 19 bị cáo đứng ở Tòa đâu.

Thẩm phán cũng lưu ý người đại diện Bộ Công Thương rằng nên trả lời chính xác, trách nhiệm của mình đến đâu thì phải nhận, đừng đổ hết cho các bị cáo.

"Hợp đồng EPC có nguyên tắc riêng, Bộ Công Thương có tư cách gì để giới thiệu nhà thầu phụ, tại sao lại khẳng định nhà thầu phụ đủ năng lực…" - thẩm phán Toàn nói.

Chuyển sang thẩm vấn bị cáo Tinh, thẩm phán Toàn cho hay, nguyên nhân sâu xa, còn rơi rớt những tư tưởng rất bao cấp trong đầu các nhà lãnh đạo. Chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp có quyền tự chủ riêng, tại sao lúc nào cũng báo cáo, vậy quyền tự chủ ở đâu?

Nếu báo cáo thì cũng chỉ báo cáo khi chuẩn bị đầu tư, lập phương án kế hoạch đầu tư thôi; còn khi đã phê duyệt quyết định đầu tư thì quyền tự chủ thuộc về chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp.

Ông nói: Bị cáo Mừng cũng không phải lúc nào cũng chạy lên báo cáo. Đây là một trong những tư tưởng bao cấp; và báo cáo thì có sự chỉ đạo nhưng lại chỉ đạo không chuẩn.

Thẩm phán Toàn hỏi: "Có sự nể nang nhà thầu Trung Quốc không?" - bị cáo Tinh im lặng.

Hôm nay (14.4), toà tiếp tục thẩm vấn.

Chia sẻ bài viết

Thong ke