'Trời phú' mạng lưới kênh rạch nhưng chỉ hơn 1% khách đến TP.HCM du lịch đường thủy
20:05 14/12/2022
Thực trạng được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay (14.12).
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết TP.HCM có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển. Thành phố sở hữu 913 km đường thủy, chia thành 101 tuyến, tương đương 50% mạng lưới giao thông đường bộ.
Bất cập hạ tầng, bến bãi
Giao thông thủy hiện phát triển trên 4 tuyến sông chính, hệ thống kênh rạch kết nối với nhiều tỉnh, thành cùng với nhiều hoạt động kinh tế địa phương tạo bức tranh sinh động, nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Thực tế, thành phố cũng đã hình thành nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch.
Tuy vậy, lãnh đạo Sở GTVT đánh giá sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa phong phú so với các địa phương và quốc gia có cùng tiềm năng. Điều này được chứng minh qua con số cụ thể, trong 11 tháng năm 2022, TP.HCM đón 3,2 triệu lượt khách quốc tế, 27,9 triệu khách nội địa nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy. Nếu tính tỷ lệ, con số này chỉ chiếm 1,14% trên tổng lượng khách du lịch đến thành phố.
"Kết quả không tương xứng với tiềm năng, lợi thế của TP.HCM" - ông Bùi Hòa An khẳng định.
Theo ông An, việc phát triển giao thông, du lịch đường thủy chưa tương xứng với tiềm năng do còn nhiều hạn chế của ngành giao thông. Cụ thể, về quy hoạch, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1829, cảng thủy nội địa hành khách khu vực TP.HCM chỉ quy hoạch ở phạm vi khu vực, chưa xác định rõ quy hoạch vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể của các cảng thủy nội địa hành khách.
Muốn định hướng, xây dựng các sản phẩm du lịch thì đầu tiên phải có hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm bến, bãi, luồng, tuyến. Song, bến thủy nội địa được yêu cầu phải phù hợp với quy hoạch ngành và quy hoạch khác, trong khi hiện nay quy hoạch ngành không có.
Hiện thành phố có 411 vị trí bến thủy nội địa, Sở GTVT đã nhiều lần đề nghị cập nhật vào quy hoạch từng quận, huyện nhưng đã 3 năm chưa nhận được văn bản phản hồi của các quận, huyện, TP.Thủ Đức. Điều này dẫn đến tình trạng có những bến tồn tại từ rất lâu, hoạt động thực tế đáp ứng yêu cầu địa phương nhưng do chưa có trong quy hoạch nên tạm thời phải đóng cửa. Các bến đang có phép lại trở thành không phép.
Số lượng thiếu, các bến thủy nội địa hiện nay cũng mới chỉ có cầu bến, không có nhà chờ cho khách, không có chỗ vệ sinh và nhà để xe phục vụ nhu cầu kết nối, đổi phương tiện cho hành khách. Những công trình phụ trợ nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ kênh rạch và không được làm gì trên hành lang này. Do đó, hệ thống sản phẩm, dịch vụ trên bờ gần như hoàn toàn không có gì. Thậm chí muốn làm đường xi măng đi từ bến sông lên đường bộ cũng không được. UBND TP đã giao các sở, ngành nghiên cứu tham mưu nhưng hiện chưa có kết quả.
Ngoài ra, tĩnh không của hệ thống cầu hiện rất thấp. Quy hoạch đề án phát triển kết cấu giao thông đường thủy có đề cập tới việc nâng cao tĩnh không cầu để đáp ứng vận tải hành khách, hàng hóa và phát triển du lịch nhưng với khó khăn của ngân sách thì có thể phải sau 2030 mới khởi động đề án. Hiện Sở GTVT đang suy nghĩ các giải pháp tạm thời như nâng, kéo dài dốc cầu, làm cầu vây...
Du lịch đường sông bị "bức tử" bởi rác
Cũng theo Phó giám đốc Sở GTVT, việc di chuyển trên các sông, kênh rạch bị hạn chế rất nhiều bởi rác, lục bình. Mỗi năm, UBND TP cho phép Sở GTVT tổ chức vớt lục bình trên 5 tuyến sông, sản lượng trung bình vớt được 30 tấn/ngày nhưng trong đó chỉ khoảng 30% là lục bình, còn lại rác. Người dân vứt cả nệm, salon, tủ... xuống bờ sông gây ô nhiễm kênh rạch nghiêm trọng.
"Sông phải sạch, không hôi mới thu hút được khách du lịch. Nhìn chung, vẫn còn rất nhiều vấn đề về hệ thống sông ngòi làm hạn chế tiềm năng của du lịch đường thủy" - ông Bùi Hòa An kết luận.
Đây cũng là những khó khăn được bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Phát triển sản phẩm du lịch (Sở Du lịch TP.HCM) nhận định khi nói về điểm yếu khai thác du lịch đường sông của ngành du lịch TP.HCM.
Theo bà Thảo, cũng vì những hạn chế về quy hoạch, quy định nên thành phố chưa có các dịch vụ vui chơi giải trí trên mặt nước. Các dịch vụ chèo thuyền sup, chèo kayak trên sông rất được ưa chuộng nhưng vì vướng các quy chuẩn an toàn nên chưa phát triển được. Các sản phẩm trên bến dưới thuyền cũng chưa đủ sức khai thác do điều kiện môi trường trên các dòng kênh, rạch không đáp ứng được.
"Việc giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải, mùi hôi trên sông là việc cần ưu tiên giải quyết để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản phẩm đa dạng, hấp dẫn" - bà Nguyễn Thị Thanh Thảo nêu ý kiến.
Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp về việc tổ chức bến bãi, luồng tuyến và giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn sông để TP.HCM có thể phát triển được tiềm năng vận tải đường thủy, đưa du lịch đường sông trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.