Theo quy hoạch, TP.HCM có 8 tuyến tàu điện ngầm (đường sắt đô thị - metro) xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính, chủ yếu đi ngầm trong nội đô. Trong tương lai, các tuyến metro sẽ giúp việc đi lại nội đô thuận lợi, phát triển khu đô thị và không gian ngầm.
Metro sắp chạy
Quyết định số 568 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 cho thấy, hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM (Metro) có tổng cộng 8 tuyến tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô. Tổng chiều dài các tuyến là hơn 172 km.
Trong hệ thống Metro TP.HCM, có nhiều tuyến khi hoàn thành sẽ giúp việc đi lại trong nội ô thuận tiện. Nhưng, hiện nay chỉ mới tuyến Metro số 1 đang thi công và tuyến Metro số 2 đang hoàn tất giải phỏng mặt bằng để bấm nút khởi công năm 2022. Còn lại các tuyến Metro số 3a, 3b, 4, 4b, 5 và 6 đều chưa thể triển khai vì nhiều nguyên nhân.
Nói về tuyến Metro số 1, đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM được người dân, chính quyền TP.HCM kỳ vọng sớm đưa vào khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng bức thiết và tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ.
Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Toàn tuyến dài gần 20 km từ Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (TP. Thủ Đức), gồm 3 ga ngầm (ga Ba Son, ga Nhà hát thành phố và ga Bến Thành) và 11 ga trên cao. Dự kiến, đến cuối năm 2021 dự án đạt khoảng 91%.
Theo kế hoạch đặt ra, Metro số 1 sẽ đi vào hoàn thiện trong quý IV/2021 và khai thác thương mại năm 2022. Tuy nhiên, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đưa ra nhiều lý do, đặc biệt là do dịch COVID-19 khiến dự án không thể về đích đúng tiến độ.
Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng những ngày đầu tháng 12/2021, thêm 4 đoàn tàu của tuyến Metro số 1 cũng cập cảng Khánh Hội. Như vậy, toàn tuyến đã có 11/17 đoàn tàu metro được đưa về nước. Song song, MAUR cũng đang phối hợp với các tư vấn, nhà thầu rà soát lại các khó khăn của dự án và tìm hướng khắc phục.
Năm 2022, MAUR đặt ra mục tiêu nhập khẩu xong 17 đoàn tàu và tiến hành chạy thử. Đồng thời, đơn vị sẽ hoàn trả toàn bộ mặt bằng khu vực quận 1 như Công viên 23/9, quảng trường trước chợ Bến Thành, đường Lê Lợi…
Tương tự, Metro số 2 cũng phải lùi thời gian về đích. Toàn tuyến dài 11,2 km, trong đó có 9,2 km đi ngầm từ chợ Bến Thành qua đường CMT8, Trường Chinh và 2 km đoạn đi trên cao. Tổng mức đầu tư dự án sau khi điều chỉnh là hơn 47.890 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng trong nước.
Theo kế hoạch, dự án sẽ tổ chức thi công giai đoạn 2022-2026, kiểm tra, vận hành chạy thử và bàn giao khai thác vào cuối năm 2026. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng và nguồn vốn vay chưa được gia hạn thời gian giải ngân nên thời gian hoàn thành Metro số 2 có thể kéo đến năm 2030.
Hồi đầu tháng 11/2021, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (TP. Hà Nội) chính thức đi vào vận hành nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý của người dân sau hơn 10 năm lận đận. Sự phấn khởi, thích thú khi trải nghiệm tuyến đường sắt này của người dân Thủ đô lại khiến người dân TP.HCM cảm thấy nôn nao vì Metro số 1 chưa thể về đích đúng kế hoạch.
Tương lai của khu đô thị và không gian ngầm
Dọc tuyến Metro số 1 có quỹ đất lớn để phát triển các trung tâm dịch vụ đa chức năng và chuyên ngành, khu nhà cao tầng. Việc phát triển các khu đô thị dọc metro nhằm cải thiện không gian, cảnh quan theo hướng hiện đại, văn minh, phát huy các di sản văn hóa.
Qua phân tích đánh giá hiện trạng và định hướng quy hoạch, Sở QH-KT TP.HCM lấy ý kiến phát triển 10 khu đô thị có chức năng khác nhau dọc tuyến Metro số 1. Phạm vi quy hoạch ở 11 phường của TP. Thủ Đức, tổng diện tích hơn 577 ha. Ở những đầu mối giao thông sẽ phát triển đô thị, dân cư và các loại hình dịch vụ. Do đó, việc tập trung dân cư xung quanh các nhà ga vừa tạo môi trường sống tiện ích cho người dân và cũng là lượng khách sử dụng metro.
Bên cạnh đó, việc phát triển không gian ngầm cũng rất khả thi khi tận dụng các ga ngầm của các tuyến metro, trước mắt là Metro số 1. Hiện nay, không gian ngầm đã xuất hiện tại dự án Metro số 1 với các nhà ga ngầm Ba Son, Nhà hát thành phố và Bến Thành.
Khoảng 10 năm trước, việc đầu tư các không gian ngầm để phục vụ giao thông tĩnh kết hợp thương mại dịch vụ đã được TP.HCM quan tâm. Nhưng đến nay tất cả vẫn chưa thể thực hiện. Trong 5 năm tới, việc phát triển không gian đô thị ngầm chỉ xoay quanh khu vực tuyến Metro số 1.
Dự kiến, TP.HCM sẽ ưu tiên phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng rộng 930 ha. Trong đó, đặc biệt tập trung xây dựng không gian ngầm quanh khu vực nhà ga Bến Thành.
Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành có diện tích khoảng 45.000 m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100 m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2 để phục vụ nhu cầu đi lại cũng như mua sắm của người dân.
Tại khu trung tâm (quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng. Trong đó, tầng hầm 1 tạo hành lang cho người đi bộ kết nối các khu vực lân cận như Nhà hát thành phố, khu công viên dọc sông Sài Gòn. Tại các điểm nút giao của khu vực này sẽ có các quảng trường và ki-ốt, các cầu thang để người dân đến trung tâm thương mại ngầm. Hành lang dành cho người đi bộ được bố trí đài phun nước, công viên mini... phục vụ nhu cầu khách giải trí, thư giãn. Tầng thứ 2 và 3 sẽ làm bãi giữ xe.
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, muốn xây dựng không gian đô thị ngầm, trước hết phải có quy hoạch bài bản, sau đó là xây dựng giải pháp, chính sách để thu hút đầu tư. Khi chính sách đầu tư hấp dẫn, nhà đầu tư sẽ tham gia. Ngoài ra, cũng cần xem xét lại quy hoạch phía trên, đưa ra các giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư. Nguyên nhân là do chi phí xây không gian ngầm cao gấp 10 - 20 lần so với chi phí xây dựng một công trình mặt đất.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho biết, metro không chỉ là phương tiện đi lại thuần túy mà phải là tổ hợp đa chức năng, vừa phục vụ đi lại, phục vụ giãn dân, vừa là nút giao thông và cả nút thương mại. Vì vậy, cần phải tính toán ngay từ đầu các phương tiện kết nối, tổ chức không gian ngầm… thì mới phát huy được hiệu quả.
Đồng quan điểm, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức nhận định, các tuyến metro muốn khai thác hiệu quả phải phát triển theo mô hình kết hợp phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng với các hoạt động dịch vụ, kinh tế, cho tư nhân tham gia hình thành các khu trung tâm thương mại tại mỗi nhà ga để trợ giá hoạt động của metro.
Với đại đô thị với hơn 10 triệu dân như ở TP.HCM thì việc phát triển metro là điều tất yếu. Metro số 1 sẽ đánh dấu bước đầu phát triển theo mô hình TOD - mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng và là xu hướng tiên tiến của thế giới.