TP Thanh Hóa có tên gì sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn?
15:22 31/07/2024
Theo đề án, sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, thành phố mới sẽ có diện tích 228 km2, quy mô dân số trên 615 ngàn người
Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa có tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, thành lập các phường và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của TP Thanh Hóa.
Theo phương án, sẽ nhập toàn bộ huyện Đông Sơn với diện tích tự nhiên 82,87 km2 và 101.272 người vào TP Thanh Hóa. Sau sáp nhập, TP sẽ có diện tích tự nhiên hơn 228 km2, dân số hơn 615 ngàn người.
Việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới sau sáp nhập là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm, có nhiều ý kiến trái chiều. Trong đề án, trung tâm hành chính mới được đưa ra hai phương án là TP Đông Sơn hoặc TP Thanh Hóa.
Tuy nhiên, phương án cuối cùng trình Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh Thanh Hóa vẫn lấy tên TP Thanh Hóa.
Lý do lấy tên TP Thanh Hóa với các lý do: Danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ sở trước đây hay TP ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Đến năm 1889 được thành lập thành thị xã, tên gọi là Thanh Hóa, năm 1994 được thành lập TP, tên gọi cũng là Thanh Hóa. Tên gọi Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, của tỉnh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi.
Tên gọi lỵ sở - trấn thành Thanh Hóa hay thị xã Thanh Hóa trước đây và TP Thanh Hóa ngày nay luôn thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn, vững chắc, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của cả nước trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cho đến công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu to lớn như hiện nay; đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế; gắn liền với quá trình hội nhập, phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng.
TP Thanh Hóa có quy mô dân số trên 500.000 người, hàng ngàn doanh nghiệp đóng trên địa bàn; giữ tên gọi TP Thanh Hóa sẽ làm giảm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân so với tên gọi khác; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải áp lực giải quyết thủ tục hành chính lên cơ quan quản lý nhà nước do phải thay đổi thông tin định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Ngoài ra, tên gọi hiện nay phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của trung ương và của tỉnh, như: Nghị quyết số 58- NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị Thanh Hóa, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25-10-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (đều sử dụng tên TP Thanh Hóa và đô thị Thanh Hóa).
Sau khi sáp nhập huyện và sắp xếp đơn vị hành chính, TP Thanh Hóa mới sẽ có 47 đơn vị hành chính gồm 33 phường và 14 xã.
Theo đề án, quá trình sáp nhập sẽ thực hiện trong cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.