Tinh hoa dân tộc Việt trong nghệ thuật chạm khắc từ đường
15:14 16/09/2021
Hoạ tiết chạm khắc truyền thống ở từ đường dòng họ là di sản vô giá chứa đựng tinh hoa văn hoá của dân tộc cần được bảo tồn.
Những họa tiết chạm khắc ở từ đường giàu giá trị văn hóa truyền thống
Nhắc đến không gian kiến trúc từ đường dòng họ của người Việt, dấu ấn đặc trưng ở những công trình kiến trúc này, đó là dáng dấp của những ngôi nhà gỗ cổ truyền với các hoa văn, họa tiết chạm khắc trên từng cấu kiện vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ và công phu.
Theo Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh, Giám đốc viện nghiên cứu và ứng dụng tâm linh Việt, người sáng lập Nam Viên Zen Art - ông Lê Thái Bình: "Các hoa văn, họa tiết chạm khắc ở từ đường dòng họ không chỉ có giá trị trang trí và thể hiện sự bề thế, gia phong của từng gia đình, dòng họ mà còn là di sản văn hoá quốc gia cần được gìn giữ và phát huy".
Các chạm khắc về họa tiết Tùng - Cúc - Trúc - Mai trên án gian, sập thờ, cánh cửa của các từ đường là biểu trưng cho bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, đây là biểu tượng của sự bền vững, sự trường tồn và phúc lộc dồi dào.
Ở những dòng họ lớn của Việt Nam, họa tiết chạm khắc Tứ Linh hóa trên các sản phẩm gỗ, đá rất được ưa chuộng để trang trí ở từ đường, nhà thờ họ. Không chỉ thể hiện cho mong muốn được các vị thần của trời đất nâng đỡ, chở che và giúp cho tiền đồ, cơ nghiệp của dòng họ ngày càng hưng thịnh mà còn tạo nên sự khác biệt, thể hiện được tầm vóc và sự bề thế của các dòng họ.
Họa tiết chạm khắc ở từ đường - Di sản cần được bảo tồn
Các họa tiết chạm khắc ở từ đường dòng họ của nước ta không chỉ đơn thuần có giá trị về mặt trang trí, đáp ứng tính thẩm mỹ cho không gian kiến trúc mà nó còn là di sản vô giá của dân tộc, gắn liền với nghệ thuật điêu khắc Việt.
Nói đến giá trị văn hóa dân tộc thể hiện qua các họa tiết chạm khắc ở từ đường dòng họ, Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Lê Thái Bình chia sẻ: "Để tạo ra những họa tiết có hồn, thể hiện được tinh thần của một công trình truyền thống, những người nghệ nhân điêu khắc phải có sự am hiểu về văn hóa tín ngưỡng, có tư duy tạo hình và kỹ thuật điêu khắc tinh xảo."
Ngày nay, mặc dù có sự hỗ trợ của công nghệ máy móc hiện đại, nhưng nghệ thuật điêu khắc truyền thống vẫn được ưa chuộng hơn cả. Điểm độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc dân gian là các nghệ nhân không chạm trổ theo kiểu mẫu, không gò bó trong những qui luật cứng nhắc về đề tài, dáng hình, bút pháp biểu hiện mà thổi hồn vào từng tác phẩm, thể hiện dấu ấn văn hoá riêng biệt và niềm tự hào dân tộc. Nét đục, nhát dao, nhát búa mạnh khỏe, vững chãi và thần tốc giúp tạo ra những chi tiết mềm mại đầy tinh xảo và những đường nét uốn lượn sống động.
Xuất phát từ những đam mê nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng và sự say mê nét đẹp lịch sử của dân tộc qua các kiến trúc và họa tiết cổ xưa, ông Lê Thái Bình đã dành nhiều tâm huyết cùng các cộng sự của mình sáng lập ra Nam Viên Zen Art - đơn vị tư vấn, thiết kế thi công các công trình nhà gỗ cổ truyền, từ đường, nhà thờ họ. Tâm nguyện của ông là được góp phần bảo tồn, phục dựng và phát huy nghệ thuật điêu khắc truyền thống - tinh hoa văn hóa của dân tộc.
Ông đã không quản ngại khó khăn, đến từng làng nghề truyền thống ở nước ta để tìm được những nghệ nhân điêu khắc giỏi. Theo suy nghĩ của ông: Đội ngũ nghệ nhân chính là nòng cốt để bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc.
Trải qua 8 năm hoạt động, đến nay, Nam Viên Zen Art đã thực hiện trên 20 công trình nhà thờ họ, từ đường và mang đến cho khách hàng khắp cả nước hàng trăm, nghìn tác phẩm điêu khắc giá trị. Với những người con biết yêu quý và trân trọng những tinh hoa văn hóa của dân tộc như ông Bình và các cộng sự, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, những giá trị văn hóa của dân tộc sẽ được giữ gìn, phát huy, trường tồn và sống mãi với thời gian.