Tín dụng đổ vào điện gió, điện mặt trời: Nhiều rủi ro
09:53 08/04/2021
Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn trong khi thời gian hoàn vốn của các dự án năng lượng tái tạo dài, chi phí đầu tư lớn...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, nhiều doanh nghiệp đang đổ xô đầu tư vào mảng này. Đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn, do đó nhiều doanh nghiệp chọn cách vay hàng ngàn tỷ đồng tại các ngân hàng, lấy chính dự án làm tài sản thế chấp.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, nhiều doanh nghiệp đang gánh khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng khi đầu tư vào điện gió, điện mặt trời.
Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính hợp nhất 2020, Công ty CP Điện Gia Lai (GEG) lãi ròng sau thuế hơn 296 tỷ đồng, tổng tài sản ghi nhận hơn 7.768 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang gánh khoản nợ hơn 4.298 tỷ đồng, gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu.
Trong đó có khoản nợ 1.312,8 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietcombank (chi nhánh Gia Lai) để đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai), thời hạn cho vay 12 năm, lãi vay năm đầu 7,8%/tháng, các năm tiếp theo lãi cho vay bằng lãi cơ bản + 2,6%/năm.
Công ty này cũng nợ Ngân hàng Vietcombank (chi nhánh TP.HCM) gần 494 tỷ đồng để đầu tư nhà máy điện mặt trời TTC - Đức Huệ (Long An), nợ Ngân hàng Agribank 397 tỷ đồng đầu tư nhà máy điện mặt trời Phong Điền (Huế), nợ Ngân hàng BIDV (chi nhánh Gia Định) gần 192 tỷ đồng đầu tư điện mặt trời áp mái... và lấy các dự án trên để thế chấp khoản vay.
Trường hợp khác, tính đến cuối năm 2020, Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) đạt tổng tài sản gần 14.522 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế 1.713 tỷ đồng. Đồng thời chịu khoản nợ 8.318 tỷ đồng, bao gồm gần 5.600 tỷ đồng nợ vay ngắn và dài hạn.
Trong đó, nợ Ngân hàng HSBC Việt Nam 112,6 tỷ đồng, thế chấp bằng toàn bộ máy móc và thiết bị là pin mặt trời, các thiết bị có liên quan đến hệ thống điện mặt trời áp mái từ các công ty con.
HSBC Việt Nam cũng từng cho biết sẽ cung cấp cho 2 công ty con của REE với khoản vay tín dụng xanh dài hạn 660 tỷ đồng và khoản tài trợ thương mại trị giá 150 tỷ đồng phục vụ đầu tư vào dự án điện năng lượng mặt trời mái nhà.
Bên cạnh đó, REE cũng đặt mục tiêu đưa các dự án điện gió ở Trà Vinh và Ninh Thuận vận hành thương mại (COD) vào tháng 10 năm nay.
Báo cáo của Ngân hàng nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2020, các ngân hàng đã rót 84.000 tỷ đồng cho vay năng lượng tái tạo, phần lớn là cho vay các dự án điện mặt trời.
So với tổng dư nợ tín dụng thì con số này chưa phải quá lớn, nhưng ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thừa nhận trên báo Thanh niên, việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn do thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường là ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS TS. Ngô Trí Long, một rủi ro khác là các phần lớn các doanh nghiệp đầu tư điện tái tạo hiện nay đều chưa phải là các tập đoàn có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm. Rất nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính cao.
Bên cạnh đó, năm 2021, EVN dự kiến cắt giảm 1,3 tỷ KWh năng lượng tái tạo. Điều này càng làm gia tăng rủi ro cho các ngân hàng và nhà đầu tư. Với những dự án nằm ngoài quy hoạch, không có hợp đồng đấu nối vào lưới điện quốc gia, sử dụng đòn bẩy tài chính cao, chậm tiến độ… thì nguy cơ vỡ nợ càng lớn.
Báo cáo của EVN cho hay, tới đây việc cắt giảm điện tái tạo sẽ tiếp diễn, mức độ sẽ tăng lên ngay giữa và cuối năm nay. Khi các nguồn điện gió vận hành nhiều, trùng với thời điểm mùa lũ ở miền Trung và Nam, lượng công suất điện thừa có thể lớn hơn với thời gian dài hơn.
Do đó, EVN cảnh báo sản lượng cắt giảm mỗi tháng giai đoạn này lên đến con số "khủng": 350 - 400 triệu kWh. Nếu nhiều điện gió cùng đóng điện, lượng cắt giảm còn cao hơn nữa.
Dù còn ở bước xây dựng nhưng kịch bản nếm "trái đắng" đã được bên mua điện cảnh báo sớm. Cắt giảm đồng nghĩa điện làm ra bỏ phí, trong khi đa số vốn đầu tư là vay ngân hàng.