Thursday, 21/11/2024

Tiềm năng du lịch nông nghiệp ở Bình Thuận chưa được khai thác đúng mức

12:51 02/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Bình Thuận còn có tiềm năng về du lịch nông nghiệp gắn với các cây trồng đặc trưng như nho, táo, hoa màu. Nếu khai thác được tiềm năng này, du lịch nông nghiệp sẽ góp phần làm tăng thêm giá trị các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Khai thác nhỏ lẻ

Gia đình ông Nguyễn Thanh Trúc, ở thôn Minh Tiến, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam - nơi được xem là thủ phủ thanh long của Bình Thuận có 4 hecta thanh long. Với mong muốn đa dạng hóa cây trồng, ông đã trồng thêm trong vườn thanh long một số cây ăn trái khác như bưởi da xanh, dừa, mít, xoài… Gần đây, các loại cây đến kỳ cho trái, vườn của ông trở thành địa điểm ghé thăm của bạn bè, người thân vào dịp cuối tuần. Rồi người này giới thiệu cho người kia, khách du lịch tìm đến vườn cây ngày càng đông, ông Trúc nảy sinh ý tưởng làm du lịch. Từ đó, gia đình ông đầu tư thêm dịch vụ câu cá giải trí, cải tạo hồ sen, tạo các tiểu cảnh mang nét thôn quê để khách chụp ảnh…

Ông Trúc cũng ý thức rõ việc thu hút du khách bằng trái cây ăn tại vườn. Cho nên, dù thanh long và bưởi đang được giá nhưng ông Trúc không thu hoạch hết mà giữ lại một phần vườn để đón khách tham quan.

Điểm tham quan du lịch vườn trái cây gia đình ông Trúc

“Hơn 1 năm qua do dịch nên khách hạn chế. Chỉ có khách địa phương, rồi thỉnh thoảng khách thành phố cũng ghé chơi, tham quan mô hình trồng dừa, trồng bưởi. Từ cây thanh long chuyển sang mô hình trồng dừa, trồng bưởi này thì ở Hàm Thuận Nam này chỉ có nhà tôi. Còn về lượng khách thì chủ yếu vào thứ 7, chủ nhật”, ông Trúc chia sẻ.

Có mặt tại vườn của gia đình ông Trúc, chị Nguyễn Thị Kim Thoa khá hào hứng khi được trực tiếp hái bưởi, hái dừa từ những cây rất nhiều quả mà trước đây chị chỉ thấy trên tivi: “Lần đầu tiên, em được tham quan mô hình nhà vườn, không khí trong lành mát mẻ, trái cây rất là ngon. Còn chủ vườn rất hiếu khách và thân thiện. Em đã đi một vùng khu vườn rồi, rất mát, em nghĩ ở đây sẽ thu hút du khách”.

Gia đình ông Nguyễn Văn Chín, ở thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam cũng sớm chỉnh trang lại vườn thanh long của mình thành điểm tham quan du lịch vườn từ năm 2019.

Du khách nước ngoài thích thú khi đến vườn thanh long của ông Chín

Chị Nguyễn Thị Hường, người trực tiếp hướng dẫn khách ở đây cho biết, chỉ trong vài giờ đồng hồ, du khách đến đây không chỉ tham quan vườn, trải nghiệm công việc chăm sóc, thu hoạch và chế biến sản phẩm từ thanh long, mà còn được thưởng thức nước ép từ trái thanh long, một số món ăn chế biến từ thanh long: “Ở đây rất tiện, nhất là khách du lịch ở Sài Gòn, hầu như người ta đi là đi thẳng ra Phan Thiết, Mũi Né. Vòng về thì họ ghé, vì khách thường trả phòng lúc 12 giờ trưa, người ta về sớm cũng phí, nên họ điện hẹn giờ 1h đến thăm vườn rồi chơi cho đến 3– 4h chiều họ về lại”.

Tiềm năng còn nhiều

Ngoài Hàm Thuận Nam, các huyện, thị khác ở Bình Thuận cũng có những cây trồng thế mạnh khác như: táo vàng, nho vàng, sầu riêng... Ông Hồ Công Tiền, Trưởng Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, huyện này cũng đã có định hướng phát triển mô hình du lịch vườn nho, vườn táo để nông dân có thêm nguồn thu nhập.

“Đối với các sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho du lịch, trong những năm qua huyện có xác định và định hướng như cây nho vàng, táo vàng, ớt hiểm, chanh, chuối ở Bình Thạnh đều được địa phương xác định là các loại sản phẩm nông nghiệp phục vụ du khách”, ông Hồ Công Tiền cho biết.

Vườn nho vàng ở Phước Thể, huyện Tuy Phong

Đã có những phản hồi tích cực về du lịch vườn cây ăn trái ở Bình Thuận nhưng các điểm tham quan này vẫn chỉ dừng ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát. Theo ông Võ Xuân Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận, để đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chính quyền cần có sự hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà vườn và chính các chủ vườn cũng phải chủ động tìm ra những cách làm hay.

“Du lịch nông nghiệp là mảng cũng tương đối hấp dẫn đối với du lịch Bình Thuận. Chúng tôi cũng đã giới thiệu trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng như giới thiệu cho các công ty lữ hành. Hiện nay cũng có khách rải rác, hy vọng rằng khi dịch bệnh êm, thị trường du lịch Bình Thuận sôi động trở lại thì đây là một trong những điểm tham quan mới, góp phần làm phong phú đa dạng thêm sản phẩm du lịch Bình Thuận”, ông Võ Xuân Nghĩa thông tin thêm.

Không chỉ có thanh long, hiện nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn trồng nhiều loại trái cây khác như: cây táo, cây nho, cây sầu riêng... với quy mô lớn. Tính đến cuối năm 2020, Bình Thuận có hơn 44.286 hecta cây ăn quả lâu năm. Các nhà vườn này hoàn toàn có thể vừa canh tác bình thường vừa khai thác du lịch để gia tăng giá trị vườn cây. Nếu được quy hoạch và kết nối chặt chẽ thì các vườn cây này hoàn toàn có thể đón du khách quanh năm, theo kiểu "mùa nào thức nấy", góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp bền vững, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp./. 

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

Thong ke