Thursday, 21/11/2024

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát cụm cảng Cái Mép-Thị Vải

10:20 20/03/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Trong các cảng thuộc cụm cảng Cái Mép-Thị Vải, Gemalink là cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, đồng thời là 1 trong số 19 cảng lớn của thế giới có thể đón được các siêu tàu hiện nay.

Sáng 20/3, trong chuyến công tác tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát hoạt động của cảng Gemalink, cảng CMIT và Tân Cảng Cái Mép (TCIT) đều nằm trong cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Cùng thị sát có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và lãnh đạo một số bộ, ngành. 

Cảng Gemalink có công suất lớn nhất nước với 2,5 triệu TEU, mới đi vào hoạt động và tháng 1 vừa qua cảng đón tàu vào khai thác chuyến đầu tiên. Mức đầu tư của cảng Gemalink là 520 triệu USD, chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 đã hoàn thành với tổng vốn 330 triệu USD. Cảng sẽ khai trương vào tháng 5/2021 và sẽ khai thác ít nhất 80% công suất thiết kế ngay trong năm nay, khai thác hết công suất 1,5 triệu TEU của giai đoạn 1 từ năm 2022. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo của Cảng Gemalink cho biết, khi giai đoạn 2 của cảng này hoàn thành, có thể đón được những tàu lớn nhất thế giới với trọng tải 250.000 DWT. Việc đưa cảng vào hoạt động sẽ góp phần giảm chi phí logistics quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Tiếp đó Thủ tướng đã thị sát hoạt động tại cảng CMIT, cảng Tân Cảng-Cái Mép, cũng là những cảng thuộc cụm cảng Cái Mép-Thị Vải. Lãnh đạo các cảng thuộc cụm cảng cho biết, 3 năm qua, lượng hàng hóa qua cảng tăng nhanh. Nếu như trước đây lượng hàng hóa chủ yếu qua cảng Sài Gòn thì hiện nay tỷ lệ 60% qua cảng Sài Gòn, 40% qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải.

Lãnh đạo các cảng đều kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kết nối giao thông đến cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, kết nối đường bộ với hệ thống đường cao tốc, cầu Phước An. Tiến hành nạo vét sâu sông Thị Vải để đạt độ sâu tối thiểu 16m, cho phép đón tàu lớn. Cùng với đó là sớm hình thành đường sắt kết nối khu cảng với đường sắt quốc gia, nối với Lào, Campuchia và Thái Lan. Đặc biệt là tận dụng những vùng nước, tuyến, bến chưa được xây dựng công trình thủy để làm các bến xà lan xếp dỡ container hàng xuất nhập khẩu, kết nối Cái Mép với các cảng sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL.

Một vấn đề khác là giải quyết nghịch lý hiện nay là hơn 90% hàng hóa tại cảng Cái Mép phải di chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh để làm thủ tục hải quan, gây tăng chi phí logisitcs. 

Cụm Cái Mép-Thị Vải được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phê duyệt đầu tư từ năm 2009, được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một xây dựng tuyến đường liên cảng dài gần 20km. Giai đoạn 2 xây dựng cầu Phước An dài hơn 3km vượt sông Thị Vải, nối Thị xã Phú Mỹ với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, đồng thời kết nối cảng Cái Mép-Thị Vải với cao tốc Bến Lức-Long Thành, giúp việc vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng Sông Cửu Long và các khu vực lân cận đến cụm cảng Cái Mép-Thị Vải và ngược lại được nhanh chóng. Cầu có tổng vốn đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng.  

Từ tháng 7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát cụm cảng Cái Mép-Thị Vải và có những chỉ đạo để xử lý một số tồn tại. Tháng 5 năm ngoái, trước khi làm việc với 8 tỉnh vùng ĐBSCL, Thủ tướng một lần nữa thị sát các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có cầu Phước An và tuyến đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải.  

Còn tại buổi làm việc với 8 tỉnh vùng ĐBSCL, các địa phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai vào tuyến đường sắt Biên Hoà-Vũng Tàu để vận chuyển hoàng hoá ra vào khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải./.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

Thong ke