Thử nghiệm chống giả mạo sinh trắc học khuôn mặt bằng hệ thống Viettel eKYC
15:31 01/08/2024
Với hệ thống đạt cấp độ 2 như Viettel eKYC, các trường hợp gian lận tinh vi ở dạng 3D như mặt nạ silicon, khuôn mặt tái tạo bằng máy scan, video Deepfake… đều bị phát hiện.
Ngày nay, các thủ tục giấy tờ hành chính và giao dịch tài chính được thực hiện nhiều trên môi trường số. Vì vậy, mỗi cá nhân cần được định danh điện tử và xác thực định danh này để có thể tiến hành các hoạt động hành chính - tài chính trực tuyến. Đó là lúc công nghệ eKYC ra đời.
eKYC là viết tắt của cụm từ Electronic Know Your Customer, có nghĩa là việc nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử. Hiểu một cách đơn giản, thay vì nhận biết khách hàng bằng hình thức gặp mặt trực tiếp, đối chiếu giấy tờ tùy thân như trước đây thì hệ thống eKYC sẽ định danh khách hàng từ xa bằng phương thức điện tử dựa trên các công nghệ như xác thực sinh trắc học, nhận diện qua trí tuệ nhân tạo, đối chiếu thông tin cá nhân được liên thông với cơ sở dữ liệu tập trung định danh khách hàng...
Công nghệ này giúp xác thực và định danh điện tử, tự động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn tất cả các trường hợp giả mạo hoặc gian lận sinh trắc học, được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cấp phát chữ ký số; ký kết hợp đồng điện tử; chấm công bằng khuôn mặt; kiểm soát an ninh bằng khuôn mặt; mở tài khoản, phát hành thẻ, thẩm định khoản vay cho nhiều ngân hàng; kiểm soát gian lận, lừa đảo trong tín dụng; định danh khách hàng, xác thực khách hàng trong bảo hiểm và viễn thông...
Tại Việt Nam, eKYC đã được một số đơn vị nghiên cứu phát triển. Trong đó, hệ thống nhận diện khuôn mặt Viettel eKYC của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nhận chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 cấp độ 2 về chống giả mạo sinh trắc học khuôn mặt của tổ chức cấp chứng chỉ ISO hàng đầu thế giới Tayllorcox.
Một thử nghiệm được thực hiện bởi các chuyên gia để kiểm thử hệ thống nhận diện khuôn mặt Viettel eKYC với việc sử dụng mặt nạ silicon để tạo ID mới trên một ứng dụng tài chính.
Để đăng ký mới một tài khoản, cần xác thực định danh điện tử. Tuy nhiên, hệ thống không chấp nhận "khuôn mặt silicon".
Anh Trương Văn Trường - kỹ sư kiểm thử phần mềm của Viettel AI - chia sẻ: "Ở cấp độ 1, các hệ thống có thể phát hiện các trường hợp giả mạo dạng cơ bản 2D như chụp khuôn mặt gián tiếp qua màn hình, khuôn mặt in trên giấy, khuôn mặt in trên thẻ… Còn các hệ thống đạt cấp độ 2 như Viettel eKYC có khả năng phát hiện các trường hợp gian lận tinh vi hơn ở dạng 3D như mặt nạ silicon, khuôn mặt tái tạo bằng máy scan chuyên dụng, video Deepfake…".
Ông Vũ Ngọc Kha - Giám đốc sản phẩm Viettel eKYC, Viettel AI - cho biết: "Theo kết quả đo kiểm của Tayllorcox, tỷ lệ sai số của Viettel eKYC là 0%, tốt hơn so với sai số 1% mà tiêu chuẩn cho phép, đồng thời cũng không gặp phải trường hợp từ chối người dùng thật. Đội ngũ phát triển đang tiếp tục nghiên cứu, không ngừng nâng cấp sản phẩm để sẵn sàng đối phó với những trường hợp gian lận sinh trắc học có độ phức tạp cao".
Theo ông Lê Đăng Ngọc - Giám đốc Phụ trách Khối Nền tảng trí tuệ nhân tạo, Viettel AI, hiện tại, Viettel eKYC là nền tảng xác thực khách hàng đằng sau ứng dụng Viettel Money, đồng thời tích hợp trên hệ thống của nhiều doanh nghiệp. Viettel cũng đang đang phối hợp với Bộ Công an trong cung cấp dịch vụ xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Trong đó, Viettel eKYC kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về CCCD trong quá trình xác thực và định danh điện tử, tự động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn tất cả các trường hợp giả mạo hoặc gian lận sinh trắc học.
Có thể thấy, quy trình định danh khách hàng điện tử eKYC có nhiều ưu điểm nhưng cũng gặp phải nhiều rủi ro như mạo danh người dùng do tội phạm công nghệ cao, phụ thuộc vào sự ổn định của hạ tầng mạng và nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư khi thông tin cá nhân có thể bị chia sẻ với bên thứ ba. Chính vì vậy, các ngân hàng và tổ chức tài chính cần sử dụng các công cụ uy tín, đồng thời áp dụng chính sách bảo vệ dữ liệu nghiêm ngặt để bảo vệ quyền lợi khách hàng tối đa.