Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ nhờ dòng tiền từ lớp nhà đầu tư mới trong nước. Số lượng tài khoản, điểm số, thanh khoản liên tiếp đi tìm các đỉnh cao mới.
Năm 2021 với nhiềm điểm nhấn
Chốt phiên 31/12/2021, VN-Index đạt 1.498,28 điểm, tăng gần 34% so với cuối năm 2020 và nằm trong top các thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới (theo số liệu từ IndexQ).
Trong năm qua, chỉ số chính đã liên tiếp vượt qua các mốc điểm quan trọng, là 1.200, 1.300, rồi vượt 1.500 điểm vào phiên 25/11. Đến ngày 16/12, vốn hóa HOSE đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng (tương đương hơn 259 tỷ USD), tăng 0,19% so với tháng 11 và 41,2% so với cuối năm 2020.
Thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục, có những phiên xấp xỉ 2 tỷ USD cả 3 sàn, tiệm cận mức thanh khoản của thị trường hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan. Cùng với thanh khoản, lượng margin trên mức vốn hóa cũng tăng theo khi đạt đến xấp xỉ 2,8% - mức khá cao so với các thị trường phát triển và cả trong khu vực Đông Nam Á.
Chứng khoán liên tục lập đỉnh mới trong bối cảnh GDP quý III/2021 suy giảm 6,17% do ảnh hưởng từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Lý giải về sự lệch pha giữa GDP và thị trường chứng khoán, giới chuyên gia nhìn nhận nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân và dòng tiền đang tắc ở kênh sản xuất kinh doanh tìm đến kênh chứng khoán với kỳ vọng tìm kiếm lợi nhuận. “Tính thanh khoản, sinh lời cao là sự hấp dẫn khiến chứng khoán thu hút người dân tham gia”, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định.
Điều này có lẽ phần nào giải thích dòng tiền nội tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trên thị trường khi chiếm đến gần 83% quy mô giao dịch. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước tháng 12/2021 mở mới 226.580 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 6.000 tài khoản so với tháng trước, và là con số kỷ lục trong lịch sử 21 năm thành lập thị trường chứng khoán. Trong cả năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017; 2018; 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Điểm trừ của thị trường trong năm qua là động thái xả ròng rất mạnh của khối ngoại. Theo đó, nhóm này đã bán ròng khoảng gần 60.000 tỷ đồng kể từ đầu năm, đến giữa tháng 12/2021.
Ông Nguyễn Thế Minh nhận xét: ”Khối ngoại có xu hướng mua ròng trên thị trường Đông Nam Á từ tháng 10 đến nay, nhưng lại bán ròng trên thị trường Việt Nam. Theo số liệu của chúng tôi, các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay chỉ còn chiếm dưới 17% trong quy mô thị trường trong nước”.
Theo chuyên gia từ Yuanta Việt Nam, điều này cũng chứng tỏ rằng thị trường tăng trưởng nhờ động lực từ vốn nội, nhà đầu tư cá nhân. Đây cũng là một rủi ro tiềm ẩn khiến thị trường dễ tăng sốc, giảm sâu ở một số thời điểm.
Nhiều điểm sáng hỗ trợ thị trường năm 2022
Giới chuyên gia nhìn nhận có nhiều yếu tố tích cực là động lực của thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Đó là sự hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 là 6-6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4%. Một số tổ chức quốc tế đánh giá mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam kiểm soát tốt đại dịch COVID-19 và cải thiện cán cân cung cầu.
Thứ hai, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút FDI như kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, lực lượng lao động trẻ dồi dào, hay việc Việt Nam đã tham gia vào nhiều hiệp định thương mại có quy mô lớn như: CPTPP, EVFTA...sẽ giúp gia tăng mạnh mẽ nguồn cầu, kích thích sản xuất trong nước.
Ngoài các yếu tố trên, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thông báo sẽ chấm dứt gói kích thích kinh tế nhanh hơn và để ngỏ khả năng tăng lãi suất năm 2022. Tuy vậy, với việc các đợt tăng lãi suất sẽ diễn ra từ từ và lãi suất đồng USD cuối năm 2022 nhiều khả năng chỉ dưới mức 1%, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thêm dư địa để ra các chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế.
Ông bổ sung thêm, với gói kích thích kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công, nền tảng lãi suất thấp, bất động sản và chứng khoán vẫn sẽ là các kênh đầu tư hấp dẫn.
Về mặt vi mô, thị trường chứng khoán còn nhiều “câu chuyện” nội tại làm động lực tăng trưởng.
Đơn cử là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR). Giới đầu tư kỳ vọng, việc sớm triển khai NVDR sẽ giúp thị trường hút thêm dòng vốn ngoại, đặc biệt là ở các công ty niêm yết có ngành nghề kinh doanh hạn chế tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, đó còn là đưa vào vận hành hệ thống giao dịch KRX, giao dịch T0, câu chuyện nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi, hay nới room ngoại ngân hàng...
Ở chiều ngược lại, còn đó những yếu tố rủi ro và bất định mà thị trường chứng khoán phải đối mặt. Đầu tiên là các chủng mới của dịch COVID-19 liên tục xuất hiện, đe doạ đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.
Cùng với tác động của các biến thể COVID-19, lạm phát thế giới đã tăng vọt trong năm 2021. Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng lạm phát của Việt Nam cũng sẽ tăng khi tiến hành các giải pháp kích thích kinh tế, và sẽ ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán.
Nói thêm về việc FED dự kiến tăng lãi suất trong năm 2022, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá đây cũng có thể là yếu tố khiến thị trường chứng khoán hạ nhiệt, quy mô thanh khoản có thể giảm hoặc đi ngang so với 2021.
“Đây là điều bình thường sau một chu kỳ tăng nóng. Thị trường có thể bước vào giai đoạn tăng chậm lại với thanh khoản giảm. Thị trường tăng do lãi suất giảm, thì hoàn toàn có thể giảm khi lãi suất tăng”, ông Minh nói.
Về nhóm ngành có triển vọng trong năm 2022, ông Nguyễn Thế Minh đánh giá ngân hàng vẫn là dòng có nhiều tiềm năng nhờ kết quả kinh doanh bền vững, triển vọng ngành tích cực, giá đã chiết khấu sâu và giao dịch ở vùng đáy suốt nửa năm qua.
Dù chứng khoán là lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng theo đà tăng của thị trường (về quy mô, lẫn thanh khoản), ông Minh lại cho rằng nhóm này có 2 rủi ro chính.
“Thứ nhất, cung cổ phiếu khá lớn do vừa qua các công ty chứng khoán đã đẩy mạnh việc tăng vốn. Với ảnh hưởng từ việc pha loãng, nhóm này sẽ khó có nhịp tăng tốt như trong năm 2021. Mặt khác, như tôi đã đề cập, thanh khoản thị trường năm 2022 có thể đi ngang hoặc giảm. Đây cũng là yếu tó khiến nhóm chứng khoán khó hưởng lợi”, ông Minh nói.
Bổ sung thêm, ông Đỗ Bảo Ngọc lựa chọn các nhóm hưởng lợi nhờ đầu tư công như nhóm xây dựng, bất động sản, khai thác tài nguyên… Ngoài ra, đó là những ngành hồi phục theo chu kỳ như ngân hàng, chứng khoán, ngành bán lẻ, hàng hóa. Khác với quan điểm ông Minh, ông Đỗ Bảo Ngọc kỳ vọng nhờ việc phát hành thêm cổ phần, các công ty chứng khoán sẽ có nguồn lực để tăng trưởng kết quả kinh doanh lợi nhuận. “Tôi cho rằng, các CTCK hoàn toàn có thể đạt lợi nhuận tăng trưởng 30% - 40% trong năm 2022”, ông Ngọc đánh giá.
Bên cạnh đó, ông cũng gợi ý nhóm cổ phiếu liên quan giá cả hàng hóa vật liệu thế giới, giá dầu, kim loại, bông, các loại nông sản.... “Các nguyên liệu này được kỳ vọng sẽ tăng khi kinh tế thế giới hồi phục. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng quá trình hồi phục có thể không diễn ra như kỳ vọng”, ông Ngọc lưu ý.