Thị trường bán lẻ Việt vẫn 'hút' nhà đầu tư nước ngoài
15:05 15/06/2021
Việt Nam vẫn giữ lợi thế về môi trường đầu tư như ổn định chính trị và chính sách quản lý vốn, qua đó tạo thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2021 tổng lượng vốn FDI đăng ký mới vào các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và sửa chữa động cơ là 22,13 triệu USD, từ 42 dự án và chiếm 0,3% tổng vốn cả nước. Tại Hà Nội, vốn đăng ký mới trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa động cơ là 19,69 triệu USD từ 32 dự án, chiếm 40% tổng vốn vào Hà Nội và 89% tổng vốn FDI của cả nước vào riêng lĩnh vực này.
Đáng chú ý, trong số 66 dự án được cấp mới tại Hà Nội vào quý I/2021, có 5 dự án trung tâm mua sắm và siêu thị, đóng góp 13,48 triệu USD tương đương 27% vốn FDI đăng ký mới. Cả 5 dự án đều được phát triển bởi những nhà đầu tư lớn, theo đuổi hoạt động đầu tư dài hạn tại Việt Nam đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Đối với thị trường bán lẻ, Việt Nam hiện có lợi thế lớn với nền kinh tế phát triển nhanh trong khu vực Đông Nam Á. Trong quý I/2021, GDP của Việt Nam đạt tăng trưởng 4,5%, thể hiện các hoạt động kinh tế tích cực trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Vốn FDI cam kết trong quý đầu tiên tăng 18,5%, trong khi FDI giải ngân tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, số lượng dân số tăng đều và chi tiêu tiêu dùng tăng nhanh cũng khiến thị trường bán lẻ tại Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là 'mảnh đất vàng' với gần 100 triệu dân cũng như cơ cấu dân số trẻ. Tiềm năng theo ông còn ở việc người Việt đang sẵn sàng chi nhiều tiền cho sản phẩm tốt, mẫu mã đẹp.
Dù vậy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang gặp phải những thử thách nhất định khi đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo thống kê của Nielsen, bán lẻ truyền thống, bao gồm các cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống, vẫn chiếm 74% thị phần thị trường, và tăng 1%/năm.
Trong khi đó, bán lẻ hiện đại chiếm 26% thị phần, với mức tăng 12%/năm. Bên cạnh đó, tuy thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị trường chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa như Vingroup, Masan và MWG. Do không đủ khả năng cạnh tranh, một số nhà bán lẻ nước ngoài đã phải rời khỏi thị trường. Trong khi đó, những doanh nghiệp nội địa đã nắm bắt thành công cơ hội M&A để tăng quy mô cũng như mở rộng thêm thị phần thị trường bán lẻ trong nước.
Tuy vậy, Việt Nam vẫn giữ lợi thế về môi trường đầu tư như ổn định chính trị và chính sách quản lý vốn, qua đó tạo thêm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Một điểm đáng chú ý khác, các hiệp định thương mại song và đa phương giữa Việt Nam với đối tác cũng sẽ hỗ trợ sự phục hồi và tăng trưởng của thị trường bán lẻ bên cạnh 'lực đẩy' từ thương mại điện tử.
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ nhất tại khu vực, điều này đã và đang thúc đẩy các công ty toàn cầu đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường thương mại điện tử trong nước. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, đưa thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2020 tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Kế hoạch tổng thể phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, đến năm 2025, có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hoá và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600USD/người/năm.
Doanh số thương mại điện tử mô hình B2C tăng 25%, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo dự báo, 55% tổng dân số Hà Nội sẽ mua sắm trực tuyến trên các nên tảng thương mại điện tử, với tăng trưởng doanh thu đạt 20%/năm vào năm 2025.