Là một trong trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số, các trường học mạnh dạn thí điểm mô hình trường học số, phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội huy động nguồn lực.
Ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã chia sẻ tại Diễn đàn giáo dục và triển lãm học đường 4.0 năm 2022 (EDU 4.0 2022).
Hai năm qua, đại dịch COVID - 19 gây ra nhiều biến động lớn nhưng cũng là cú hích đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giúp giáo viên, học sinh nhanh chóng bắt nhịp với môi trường dạy và học trực tuyến. Theo xu thế phát triển của công nghệ, trong đó có công nghệ giáo dục, những phương thức và mô hình đào tạo mới đã xuất hiện mang đến các giải pháp, công cụ giáo dục hiện đại như lớp học ảo, video, thực tế tăng cường (AR), rô-bốt, các trợ lý ảo tương tác với người dạy và người học… Công nghệ không chỉ làm cho lớp học sinh động hơn mà còn tạo ra môi trường học tập hòa nhập hơn, thúc đẩy sự cộng tác và tính ham học hỏi, cho phép giáo viên thu thập dữ liệu về hiệu suất học tập, năng lực tiếp thu của học sinh.
Ông Tô Hồng Nam cho biết: trong chuyển đổi số, dữ liệu có giá trị như vàng. Nhận thức được giá trị này, giáo dục là ngành đầu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành với hồ sơ số của 22 triệu học sinh, 53 nghìn trường học. Chỉ cần một cái click là có thể nắm rõ được số lượng thầy cô giáo, độ tuổi ở từng bộ môn. Hiện nay, cơ sở dữ liệu của ngành đã kết nối liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đang tiếp tục cập nhật bổ sung đầy đủ.
Một khối lượng rất lớn các công việc của ngành liên quan đến các kỳ thi quan trọng như thi THPT và xét tuyển đại học đã được thực hiện hoàn toàn trực tuyến; kho học liệu số ở cấp phổ thông có hơn 5 nghìn bài giảng trực tuyến, 200 đầu sách cho chương trình phổ thông mới được số hoá, 35 nghìn câu hỏi trắc nghiệm được xây dựng. Giáo viên và học sinh có thể tham khảo, sử dụng miễn phí.
Trong năm nay, theo ông Tô Hồng Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục đại học, trình Chính phủ đề án mô hình đại học số và đề án xây dựng học liệu mở cho các trường đại học. Bộ sẽ ban hành Bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số các trường phổ thông và đại học; xây dựng nền tảng quản trị nhà trường phổ thông dùng chung kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia đảm bảo dữ liệu đầy đủ; xây dựng kho học liệu số trực tuyến của 7 nhóm trường để các trường cùng sử dụng, đóng góp và chia sẻ.
Trước yêu cầu chuyển đổi diễn ra mạnh mẽ, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin đề nghị các trường học đưa nội dung chuyển đổi số vào chiến lược phát triển nhà trường, mạnh dạn thí điểm mô hình trường học số, tính toán thuê dịch vụ để cải thiện hạ tầng, triển khai nền tảng dạy học trực tuyến để giảm thời gian học trên lớp, tăng thời gian tự học theo xu thế chung, đào tạo kỹ năng số để giáo viên, học sinh có thể học tập và làm việc trên môi trường số. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, hiệp hội huy động các nguồn lực cho việc chuyển đổi số cho nhà trường.