Thursday, 21/11/2024

Thể thao điện tử: Ra đời và phát triển là xu hướng tất yếu

08:50 10/04/2021

Kinh Tế Số Việt Nam Online Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những đột phá ở nhiều lĩnh vực trên toàn cầu; trong đó, sự bùng nổ Internet cũng kéo theo sự ra đời của hàng loạt trò chơi điện tử.

Các vận động viên eSports của bộ môn Dota2. (Nguồn: Game Prime)

Cùng với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nghề Thể thao điện tử cũng xuất hiện, nhanh nhạy bắt nhịp kịp thời với xu thế chung của xã hội và đã có những bước chuyển mạnh mẽ.

Phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài viết về chủ đề “Thể thao điện tử cần một sự định danh đúng đắn” ghi nhận, phản ánh những “góc khuất” nghề này đem lại, cũng như sự chuẩn bị để nghề này hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hướng tới những sân chơi lớn.

Ra đời và phát triển là xu hướng tất yếu

Những năm gần đây, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những đột phá ở nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, trong đó, sự bùng nổ Internet cũng kéo theo sự ra đời của hàng loạt trò chơi điện tử (game).

Đặc biệt, những năm gần đây, khi người người, nhà nhà sử dụng những thiết bị máy vi tính, điện thoại thông minh, những thiết bị mô phỏng, giả lập cầm tay…, trò chơi điện tử (game) lại càng có thêm nhiều “đất diễn” trong môi trường số.

Sự ra đời, phát triển phù hợp

Việc bùng nổ của Internet trong những năm gần đây kéo theo hàng loạt sự phát triển của nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trò chơi điện tử. Môi trường làm việc thường xuyên với máy vi tính, điện thoại thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà phát hành game đưa sản phẩm tới gần hơn với người sử dụng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu, mọi người ở nhà nhiều hơn, kéo theo là nhu cầu tìm tới những giá trị giải trí cũng khiến cho lượng tìm kiếm, truy cập vào các trò chơi điện tử tăng vọt.

Ở xã hội hiện tại, mọi người quá bận rộn với công việc, không có nhiều thời gian để ra ngoài giao lưu, tuy nhiên, nhu cầu cơ bản đó của con người vẫn cần được thỏa mãn và rất nhiều người tìm đến game. Môi trường của thế giới trò chơi điện tử cũng giống như một xã hội thu nhỏ, họ cũng được kết bạn, giao tiếp, thậm chí có thể làm những việc ở ngoài đời thực không thể làm được. Đó cũng là yếu tố giúp trò chơi điện tử có thể dễ dàng thâm nhập vào đời sống, thậm chí, nhiều người còn “sống” quá lâu trong thế giới ảo, dẫn tới việc “nghiện.”

Nhìn theo hướng tổng quát, việc trò chơi điện tử ra đời vẫn đem lại nhiều lợi ích tích cực hơn là những điều tiêu cực, miễn sao “người chơi” nhận ra được giới hạn “đủ” của bản thân.

Cũng xuất phát từ nhu cầu phát triển của xã hội nói chung và phát triển các môn thể thao điện tử nói riêng, Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam (Viresa) được thành lập theo Quyết định số 42/QĐ-BNV ngày 13/1/2009 của Bộ trưởng Nội vụ.

Hội thực hiện nhiệm vụ định hướng, tổ chức, phát triển các môn thể thao điện tử và vũ đạo thể thao giải trí theo đúng tính chất là các môn thể thao, từ đó tạo thành một sân chơi lành mạnh, cũng như môi trường giúp những người đam mê môn thể thao này cọ xát thi đấu, tạo phong trào thể thao điện tử giải trí Việt Nam ngày càng phát triển, bám sát định hướng, chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam.

Cần phân định rõ ràng game và thể thao điện tử

Thật dễ dàng để nhận thấy, mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn game mới xuất hiện trên các nền tảng máy vi tính, hoặc trên các ứng dụng của điện thoại thông minh. Khái niệm thể thao điện tử (eSports) và trò chơi điện tử vẫn còn khá dễ nhầm lần, đặc biệt là trong giới trẻ - những người tiếp cận sớm và nhiều nhất với môi trường số.

Có thể hiểu đơn giản không phải game nào cũng là bộ môn thể thao điện tử nhưng các bộ môn thể thao điện tử chắc chắn đều là game; có chăng thì thể thao điện tử được vận hành đa dạng, không nhất thiết chỉ liên quan tới “bàn phím” và “chuột.”

Theo Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam, một trò chơi điện tử được coi là một bộ môn thể thao điện tử, cần đáp ứng được những yêu cầu như về tính cân bằng - không có một lợi thế tuyệt đối nào làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các người tham gia, nói cách khác trong eSports, người chơi chỉ có thể chiến thắng dựa vào kỹ năng.

Tính thi đấu là yếu tố quan trọng để quyết định một tựa trò chơi có phải là bộ môn thể thao điện tử hay không, eSports cần có một nền tảng kỹ thuật đáp ứng được việc tổ chức thi đấu, có thể tạo ra các trận đấu giữa các đối thủ, tùy chỉnh về chế độ thi đấu, thời gian, điều kiện phân thắng bại.

Ngoài ra, thể thao điện tử còn cần có chế độ theo dõi để khán giả và trọng tài giám sát các hoạt động bên trong trận đấu.

Một điểm đáng chú ý nữa là các bộ môn thể thao điện tử cần có luật thi đấu rõ ràng và có tính phổ biến.

Các vận động viên eSports của bộ môn Dota2. (Nguồn: Game Prime)

Theo Tổng Thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí Việt Nam Đỗ Việt Hùng, trong hàng triệu tựa game ra đời và xuất hiện trên nền tảng số, chỉ có từ 10-20 tựa game được công nhận là bộ môn thể thao điện tử, một vài bộ môn eSports nổi tiếng như Liên quân Mobile, Liên minh huyền thoại, PUBG Mobile, Fifa Online...

Khi được công nhận, các bộ môn này phải có luật thi đấu, sau đó luật được phổ biến rộng rãi cho người chơi luyện tập và các “game thủ” thi đấu, từ đó ra đời các giải đấu phong trào, bán chuyên và chuyên nghiệp, dần dần hình thành lực lượng vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài và các câu lạc bộ.

Việc định danh rõ ràng thể thao điện tử và trò chơi điện tử là yếu tố then chốt để phát triển bộ môn thể thao mới mẻ này. Bởi, với quan niệm cũ của đa số mọi người, những trò chơi trên nền tảng máy vi tính hoặc điện thoại thông minh chỉ đơn thuần là game giải trí. Tuy nhiên, nếu hiểu một cách đúng đắn, thể thao điện tử nếu được phát triển một cách đúng hướng và chuyên nghiệp cũng là một nghề như bao nhiêu nghề khác./.

Theo Vietnamplus

Chia sẻ bài viết

Thong ke