Thấu hiểu ‘lối sống số’ sẽ giúp doanh nghiệp tiêu dùng giải được bài toán bán hàng
10:04 13/09/2023
Trong bối cảnh sức mua vẫn còn đầy thách thức, khi bán hàng đang là bài toán hóc búa của nhiều doanh nghiệp (DN) tiêu dùng ở Việt Nam thì việc thấu hiểu xu hướng “lối sống số” của người tiêu dùng từ “độ hot” của trò chuyện trực tuyến (chat) và mạng xã hội là rất quan trọng. Thông qua đó sẽ giúp DN thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt các công nghệ mới nổi trên Internet để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng và giải được phần nào bài toán bán hàng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, kể lại có một giám đốc DN tâm sự hiện nay vấn đề “bán hàng, bán hàng và bán hàng” là điều mà vị giám đốc này luôn nghĩ về nó mỗi ngày, mỗi giờ và cố gắng thực hiện bằng mọi cách thức để bán được hàng.
Tăng tính sáng tạo cho bán hàng giữa lúc khó khăn
Từ chia sẻ của vị giám đốc trên, khi trao đổi với những chủ DN trẻ trong ngành hàng tiêu dùng và tham gia khởi nghiệp xanh, bà Hạnh cho rằng điều cảm nhận là trước bài toán bán hàng còn nhiều khó khăn đang đòi hỏi các chủ DN trẻ, những người khởi nghiệp cần những kiến thức mới, nhất là cách thức liên kết, tăng tính sáng tạo khi bán hàng, làm mới lại từng chi tiết của sản phẩm hay mô hình kinh doanh của mình.
Chẳng hạn như mới đây, Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao có tổ chức workshop (hoạt động trao đổi, thảo luận) về giải pháp tăng trưởng, khai phá nền tảng bán hàng trực tuyến (online) hiệu quả cùng TikTok Shop (một kênh bán hàng online trên nền tảng TikTok).
Thời gian qua, những biến chuyển của nền tảng mạng xã hội TikTok, từ một sân chơi giải trí cho giới trẻ, nay đã tạo nên sự khẳng định về ảnh hưởng trực tiếp đến các DN. Do đó điều kỳ vọng thông qua một workshop như vậy sẽ giúp các DN tiêu dùng hiểu biết thêm về những vấn đề lợi hại, những câu chuyện thành công và thất bại khi kinh doanh trên nền tảng này.
Với nền tảng TikTok, một số lưu ý được giới chuyên gia đưa ra cho các DN tiêu dùng là cần đa dạng hóa hình thức quảng bá sản phẩm thông qua những chiến lược phát trực tiếp (livestream), tiếp thị liên kết, hợp tác với KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội), với KOC (người tiêu dùng chủ chốt, có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường trên Internet), chạy quảng cáo…
Thông qua đó, các DN có thể cải thiện được đầu ra của sản phẩm tiêu dùng trong bối cảnh sức mua còn nhiều thách thức như hiện nay. Có thể thấy, trong thời đại kỹ thuật số hậu Covid-19, việc DN tiêu dùng tận dụng xu hướng này và nhất là chú trọng đến “lối sống số” của người tiêu dùng trẻ sẽ giúp cho họ nâng cao được khả năng trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng và thông qua đó sẽ thúc đẩy được doanh số, giải được phần nào bài toán bán hàng vốn còn đầy rẫy khó khăn.
Trong tương lai, theo giới chuyên gia, các DN tiêu dùng của Việt Nam nên tích hợp các kênh truyền thống và kỹ thuật số để mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch cho khách hàng. Họ cần thể hiện tính linh hoạt và nắm bắt “lối sống số” người tiêu dùng và các công nghệ mới nổi để đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng. Họ có thể cung cấp trải nghiệm mua sắm phong phú trên nền tảng di động bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất.
Ngoài ra, trong Sách trắng “Toàn cảnh kỹ thuật số năm 2023” được thực hiện mới đây bởi Đại học RMIT phối hợp cùng Adtima đã lý giải sâu sắc tại sao các nền tảng trò chuyện trực tuyến (chat) và mạng xã hội tại Việt Nam đang ngày càng phổ biến và thâm nhập sâu hơn trong cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh của DN.
Lắng nghe nhu cầu của người tiêu dùng
Theo Ts.Nguyễn Văn Thăng Long, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và thiết kế, Sách trắng nêu trên giúp DN Việt thấu hiểu làm thế nào các nền tảng trò chuyện trực tuyến và mạng xã hội đang thay đổi cuộc chơi và cách người dùng tương tác với các nền tảng này như thế nào, để chuyển đổi các hoạt động kết nối với khách hàng cũng như hoạt động kinh doanh của họ một cách hiệu quả hơn.
Ts. Long cho biết, trong báo cáo của Sách trắng này cho thấy các mạng xã hội và nền tảng trò chuyện là những yếu tố nổi bật trong “lối sống số”, lần lượt thu hút 83% và 74% người dùng internet ở Việt Nam. Trong đó, Facebook và Zalo có mức độ phổ biến tương đương nhau ở Việt Nam với tư cách nền tảng mạng xã hội, dẫu Zalo không được phân loại chính thức thuộc nhóm này.
Zalo và Facebook còn cạnh tranh vị trí nền tảng trò chuyện phổ biến nhất trong cộng đồng người dùng Việt, với ngôi quán quân thuộc về Zalo (74%), theo sau sát nút bởi Facebook (73%). Hầu như trong số bốn người dùng Việt Nam sẽ có ba người sử dụng Zalo và Facebook Messenger thường xuyên.
Tính thông dụng vẫn là yếu tố tính năng được người dùng sử dụng làm căn cứ lựa chọn nền tảng trò chuyện, nhỉnh hơn một chút so với lợi ích về cảm xúc. Căn cứ lựa chọn cũng thay đổi theo độ tuổi – người dùng lớn tuổi hơn có khuynh hướng ưu tiên dùng Zalo để trò chuyện trực tuyến hơn Facebook.
Trong báo cáo của Sách trắng “Toàn cảnh kỹ thuật số năm 2023” thể hiện người dùng Thế hệ Y (thế hệ những người sinh từ năm 1981 đến 1996) và thế hệ X (những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1980) dành nhiều thời gian đáng kể hơn trên Zalo, trong khi Facebook được người dùng Thế hệ Z ưa chuộng hơn. Đáng ngạc nhiên là TikTok vẫn tụt lại phía sau trong cuộc chiến thâm nhập sử dụng mạng xã hội (chiếm 51%), theo sau là Instagram (26%).
Bên cạnh đó, thời điểm tốt nhất để thương hiệu quảng cáo tới người tiêu dùng là khi họ tìm kiếm nội dung trực tuyến (61%), tìm hiểu kiến thức mới (60%) và tìm kiếm thông tin (55%). Thời gian nghỉ ngơi, khi khách hàng xem các nội dung giải trí, thư giãn, để giết thời gian hoặc cảm thấy chán, cũng là thời điểm thích hợp để các nhà quảng cáo tiếp cận họ.
Từ những dữ liệu như vậy, Ts. Nguyễn Văn Thăng Long cho rằng người tiêu dùng hiện nay ngày càng đòi hỏi các nội dung quảng bá thương hiệu phải mang tính sáng tạo và độc đáo, và họ muốn trở thành một phần của thương hiệu để thể hiện lối sống của mình. Người tiêu dùng có nhu cầu cao trong việc kết nối với các thương hiệu và nhu cầu này khác nhau giữa các thế hệ.
Theo Ts. Long, thế hệ Y sẵn sàng tiếp nhận nhiều nội dung vì họ mduốn biết rõ về thương hiệu trước khi mua hàng. Mặt khác, Thế hệ Z tương tác chủ động hơn với quảng cáo. Họ đòi hỏi thương hiệu, thông qua quảng cáo, phải bắt kịp nhịp độ năng động của họ một cách chủ động và thông qua tương tác.
Cho nên, các thương hiệu tiêu dùng ở Việt Nam sẽ cần lắng nghe nhu cầu của họ, đáp lại yêu cầu về nội dung và cho họ càng nhiều lựa chọn cá thể hóa càng tốt. Chẳng hạn như Thế hệ Z hứng thú hơn hẳn Thế hệ Y với những nội dung quảng cáo cho phép họ thể hiện bản thân, đơn cử như đưa ra ý kiến hoặc thảo luận về chiến dịch mà thương hiệu đang thực hiện, hoặc bình chọn để đưa một cam kết vào thực tế…