Tập đoàn TH sẽ đầu tư nhiều dự án kinh tế xanh tại Tây Nguyên
17:25 22/11/2022
Tại Hội nghị triển khai phương hướng phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030 diễn ra tại Lâm Đồng, Anh hùng Lao động Thái Hương cho biết Tập đoàn TH dự kiến đầu tư các dự án công nghệ cao theo mô hình kinh tế tuần hoàn ở 4 lĩnh vực tiềm năng lớn.
Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là vùng “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội của Vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững và có xu hướng chậm lại; GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cần những doanh nghiệp đủ Tâm và Tầm để phát triển bền vững
Phát biểu trước Thủ tướng Chính phủ tại sự kiện, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết rất đồng lòng, ủng hộ với mong muốn, kỳ vọng to lớn của Nghị quyết 23, để Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức trên nền tảng phát triển bền vững, tận dụng tối đa toàn bộ nguồn lực của Tây Nguyên, đó là đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu, là đất đỏ bazan và trên cơ sở đó mang lại công bằng xã hội và nâng cao mức sống cho người dân ở đây. Không phải vì ngày hôm nay ta cần tăng trưởng, phát triển mà để lại hệ lụy về môi trường cho con cháu sau này.
Theo nhận định của bà Thái Hương, Tây Nguyên chưa phát triển đúng tầm cỡ. Ở đây chưa có những doanh nghiệp, tập đoàn đủ lớn.
“Chính phủ cần có những chính sách phù hợp với thực tiễn để lôi kéo tầng lớp này. Với nguy cơ biến đổi khí hậu và mực nước biển tăng hàng năm, Tây Nguyên sẽ là chỗ dựa vững chắc cho tương lai con cháu đời sau, cần được giữ vững bằng con đường phát triển bền vững, với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn. Bởi vậy, phải có những doanh nghiệp có tâm và tầm, sử dụng nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, hiệu quả và đưa nông dân địa phương vào chuỗi mắt xích sản xuất”, bà khẳng định.
Nhắc đến vấn đề sử dụng nguồn tài nguyên đất, bà Thái Hương bày tỏ mạnh mẽ những lo ngại xuất phát từ thực tiễn mà doanh nghiệp đã trải qua. “Có những nguồn đất đai từ những nông lâm trường trả về cho địa phương thì người dân lại đang lấn chiếm và phát triển kinh tế tự phát. Khi chúng tôi làm đề xuất phát triển kinh tế xanh, cần diện tích lâm nghiệp, chính quyền vẫn không dám đưa ra quyết định dù đó là khu vực người dân đã canh tác hàng chục năm rồi, nhưng lý do là đó “vẫn là đất rừng, không được động chạm đến. Tôi mong muốn chính phủ có một nguồn kinh phí và mở lòng cho các địa phương để lập lại bản đồ hiện trạng đất đai Tây Nguyên, từ đó có bộ chính sách ứng xử phù hợp”.
Bộ chính sách đó, bà Thái Hương lấy ví dụ, như: Nếu chúng ta khuyến khích phát triển vành đai trồng rừng, thì cần có hỗ trợ vốn mua giống, chi phí nhân công, chi phí bảo quản…
Còn trồng trên đất lâm nghiệp các loại cây ăn quả và cây thảo dược, cây hương vị, cây gia vị thì phải trồng đa tầng.
Các doanh nghiệp lớn khi đến Tây Nguyên sẽ đủ sức ứng dụng công nghệ cao của thế giới, mang lại những mô hình sản xuất lớn với hàm lượng chất xám cao, tạo ra được những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, chuẩn quốc tế mà vẫn tuân thủ mô hình kinh tế xanh và phát triển bền vững. Công thức thành công này không chỉ có thể áp dụng với ngành chăn nuôi mà cả với việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng Tây Nguyên như cây ăn quả, thảo dược, các loại cây hương vị, gia vị,…
4 đề xuất phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vùng Tây Nguyên
Lĩnh vực thứ tư, về du lịch nghỉ dưỡng, dưỡng lão, Nhà sáng lập Tập đoàn TH nêu ý kiến rằng Việt Nam có đủ điều kiện phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề. “Tuy nhiên, cần quy hoạch để tạo ra một công viên du lịch cộng đồng có sự đa dạng. Với bề dày lịch sử hơn 4000 năm, Việt Nam không cần “bê” nguyên một công viên Disney từ Mỹ về mà phải có hồn cốt dân tộc, phải cho thấy rõ nếp nhà nếp sống của thuở hồng hoang thế nào, tinh thần của thời kỳ Bà Trưng, Bà Triệu thế nào, của thời đại Hồ Chí Minh thế nào?” - bà Thái Hương nói.