Wednesday, 04/12/2024

Tạo đột phá, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững

16:45 24/03/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Chặng đường 30 năm chưa phải là dài, song đối với một tỉnh có xuất phát điểm kinh tế thấp như Ninh Thuận, những thành quả đã đạt được là đáng trân trọng và tự hào.

Nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022), phóng viên TTXVN có cuộc phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam.

Xin ông cho biết những khó khăn, thuận lợi trong những năm đầu tái lập và những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trên các lĩnh vực trong những năm qua?

Trong 30 năm qua, tỉnh Ninh Thuận luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quan tâm hỗ trợ nhiều nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh; cùng với điều kiện hội nhập ngày càng sâu, rộng của công cuộc đổi mới, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã mang lại nhiều cơ hội cho quá trình xây dựng và phát triển Ninh Thuận. 

Bên cạnh đó là sự phấn khởi, hồ hởi và khí thế quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Ninh Thuận trong những ngày đầu xây dựng tỉnh mới và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, nắm bắt thời cơ, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ vào thực tiễn địa phương. Sự tâm huyết và trách nhiệm của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận; sự chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, đề ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn cho từng giai đoạn phát triển; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, cùng với sự nỗ lực, cố gắng và ý chí khát vọng vươn lên của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Ninh Thuận cũng gặp phải vô vàn khó khăn. Khi mới tái lập, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ cấp tỉnh chưa đồng bộ, vừa thiếu lại vừa yếu; xuất phát điểm nền kinh tế của tỉnh quá thấp, phát triển chưa vững chắc, chưa đồng đều giữa đồng bằng với miền núi, chưa ổn định trong sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật nghèo nàn, là tỉnh thuần nông, khí hậu khô hạn, hồ đập kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư. Các ngành công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển, các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ bé và lạc hậu, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp, nguồn thu ngân sách không đủ chi, nguồn lực tích lũy từ dân cư thấp, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Nhiều vấn đề bức xúc đặt ra cần phải được giải quyết trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Một số vấn đề khó khăn nổi lên trong quá trình xây dựng và phát triển tác động đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đó là việc Quốc hội dừng triển khai xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân, tình hình dịch bệnh, lũ lụt, hạn hán trên diện rộng, nhiều vấn đề bức xúc đặt ra cần phải được giải quyết trên các lĩnh vực đời sống xã hội…

Qua 7 kỳ đại hội, từ Đại hội VIII (1992 - 1995) đến Đại hội XIV (2020 - 2025), trong từng thời kỳ, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề với những quyết sách lớn, đúng đắn, phù hợp; công tác chỉ đạo điều hành linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén, có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần trách nhiệm cao.

Nhờ đó, sau 30 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo nhất nước, đến nay, kinh tế của Ninh Thuận đạt tăng trưởng khá, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, nhất là 10 năm trở lại đây. Liên tục trong 3 năm 2019 - 2021 tỉnh Ninh Thuận nằm trong nhóm 5 tỉnh có mức tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách tăng khá cao, tăng 130 lần, từ 33,3 tỷ đồng lên 4.343 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, từ 1,37 triệu đồng lên 68,4 triệu đồng/người, tăng 49,9 lần. Tổng mức đầu tư toàn xã hội tăng từ 67,8 tỷ đồng, lên 29.920 tỷ đồng, tăng 441 lần. Diện mạo của tỉnh thay đổi nhanh cả ở thành thị và nông thôn. Tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, nhất là về kinh tế biển và năng lượng tái tạo được nhận diện và đánh giá đúng mức. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, thu hút đầu tư các thành phần kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực. 

Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh được tập trung đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại, đồng bộ, hình thành nhiều khu đô thị mới tạo không gian mới, diện mạo mới. Văn hóa - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, có bước đi vững chắc; giáo dục, y tế có bước phát triển vượt bậc. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại của tỉnh đều đạt được những kết quả toàn diện. 

Những điểm nhấn quan trọng để tỉnh bứt phá trong thời gian qua là gì, thưa ông?

Mười năm trở lại đây là chặng đường tỉnh Ninh Thuận nâng tầm vị thế, phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững, theo chiến lược, quy hoạch, tư duy mới được tổ chức tư vấn nước ngoài lập. Đặc biệt là quan điểm biến cái bất lợi trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, lấy chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là đột phá, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức cao. Nhất là trong 3 năm gần đây, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh thuộc nhóm đứng đầu cả nước (năm 2019 tăng 14,69%; năm 2020 tăng 10,02%; năm 2021 tăng 9%; đều đứng thứ 4 cả nước). Quy mô nền kinh tế ngày càng tăng, đến năm 2021 đạt 40.777 tỷ đồng, tăng 4,61 lần so với năm 2010, tăng bình quân tăng 9,14%/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội có bước nhảy vọt ấn tượng, năm 2020 đạt 29.418 tỷ đồng, gấp 5,9 lần so với năm 2010. Kết cấu hạ tầng của tỉnh thay đổi nhanh chóng và ngày càng đồng bộ, tạo ra diện mạo mới, từ đô thị tới nông thôn. Đạt được kết quả nói trên, những điểm nhấn quan trọng để tỉnh bứt phá là:

Thứ nhất, tỉnh xác định Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải có tầm nhìn chiến lược dài hạn, cách tiếp cận và tư duy mới. Tỉnh đã mạnh dạn kiến nghị và trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Trong đó, xác định tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là “Ninh Thuận là điểm đến của Việt Nam trong tương lai”. Tỉnh định hướng phát triển chính dựa trên 6 nhóm ngành trụ cột là: 4 nhóm ngành cơ bản gồm năng lượng tái tạo; du lịch; nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và hai nhóm ngành phụ trợ là xây dựng và kinh doanh bất động sản; giáo dục và đào tạo. 

Thứ hai, tỉnh chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ tập trung vào phát triển hai nhà máy điện hạt nhân sang phát triển năng lượng tái tạo; trong đó tập trung phát triển điện gió, điện mặt trời và dự án động lực thay thế nhà máy điện hạt nhân phù hợp với định hướng Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng giao thông và thủy lợi được đầu tư cơ bản đồng bộ, đã hình thành một số tuyến đường giao thông quan trọng, tạo kết nối góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như tuyến đường ven biển, đường vành đai, đường đôi vào hai đầu thành phố... Hạ tầng thủy lợi cơ bản đồng bộ theo hướng đa mục tiêu, nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng năng lực tưới tiêu, mang lại hiệu quả lớn trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân và giải quyết các vấn đề về thiên tai trên địa bàn tỉnh như công trình đập hạ lưu Sông Dinh, dự án hồ Tân Mỹ… 

Thưa ông, có được kết quả trên, đâu là động lực và đòn bẩy thúc đẩy tỉnh phát triển?

Để có được những kết quả nói trên, ngoài sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tâm huyết và trách nhiệm của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ còn có sự chủ động, sáng tạo trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, đi trước, mở đường cho sự phát triển, trong đó có chủ trương “phát triển công nghiệp năng lượng là động lực bứt phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh”. 

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 đã tạo cú hích, biến những khó khăn, thách thức của tỉnh thành tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư, nhất là chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước. Tiềm năng lợi thế đó được tập trung khai thác và phát huy hiệu quả. Đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện quốc gia, tạo ra sản lượng điện trong năm 2021 đạt 6.408 triệu Kwh, tạo ra giá trị gia tăng 3.614 tỷ đồng tăng 59,8%, đóng góp tăng trưởng 6,84% GRDP của tỉnh năm 2021.

Cùng với đó, tỉnh cũng xác định đòn bẩy để thúc đẩy phát triển đó chính là công tác thu hút đầu tư. Để có nguồn lực xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Ninh Thuận đặc biệt chú trọng huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư từ ngân sách; trong đó xác định nguồn vốn đầu tư từ ngân sách làm vai trò “vốn mồi” để thúc đẩy, thu hút đầu tư; đồng thời xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để tỉnh phát triển. Tỉnh luôn quan tâm và chỉ đạo mạnh mẽ hoạt động xúc tiến đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng và minh bạch cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh tăng cao. Năm 1994 toàn tỉnh chỉ có một dự án FDI với tổng vốn 24,5 tỷ đồng; đến nay đã thu hút được 35 dự án, với số vốn đăng ký 26.500 tỷ đồng. Về đầu tư trong nước, thu hút 396 dự án với số vốn đăng ký hơn 161.000 tỷ đồng; trong đó có 307 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 71,2%, đóng góp tích cực cho tăng trưởng. 

Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Vậy tỉnh có giải pháp gì để thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước thưa ông?

Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, để thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, nhất là nỗ lực phấn đấu để trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, Ninh Thuận đề ra một số giải pháp:

Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp lên hàng đầu; tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện các giải pháp, biện pháp duy trì, cải thiện các chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR-INDEX của tỉnh; hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn. Tỉnh cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn cũng như giảm chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.

Thứ hai, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với tầm nhìn chiến lược giai đoạn tới là “Ninh Thuận – vùng đất hội tụ những giá trị khác biệt”, tỉnh chủ trương tập trung các ngành có tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao, ưu tiên phát triển 5 cụm ngành gồm: Năng lượng tái tạo và năng lượng sạch; du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng - kinh doanh bất động sản. Cùng với đó, thực hiện ba khâu đột phá là nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng; ứng dụng học công nghệ vào sản xuất, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cùng hai động lực là: kinh tế biển, kinh tế đô thị và một hạt nhân là con người.

Thứ ba, tỉnh tập trung phát triển các vùng kinh tế động lực như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở thành khu kinh tế ven biển của cả nước; vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển theo hướng bền vững; dải du lịch ven biển, xây dựng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm là đô thị thông minh gắn với nâng chất lượng các tiêu chí đô thị loại II và phấn đấu xây dựng đô thị loại I sau năm 2030. Ninh Thuận tiếp tục đầu tư xây dựng thị trấn Tân Sơn đạt đô thị loại IV; nâng cao chất lượng các đô thị Phước Dân, Khánh Hải; phát triển các đô thị mới Cà Ná, Vĩnh Hy, Thanh Hải và các thị trấn Lợi Hải, Phước Nam, Phước Đại. 

Thứ tư, tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về kinh tế-xã hội theo hướng liên thông kết nối cao, đồng bộ, hiện đại, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, cảng biển, thủy lợi, đô thị, khu cụm công nghiệp, truyền tải điện, thông tin số, y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch.

Thứ năm là tiếp tục đổi mới, nâng cao giáo dục và đào tạo; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế trọng điểm; chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; xây dựng nền văn hóa phát triển toàn diện; đồng thời thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đẩy mạnh giảm nghèo bền vững.

Theo Báo Tin tức

Tạo đột phá, mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững | baotintuc.vn

Chia sẻ bài viết

Thong ke