Sunday, 24/11/2024

Tăng cường sự năng động cho khu vực tứ giác kinh tế Đồng Nai – Bình Dương – Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh

10:26 23/03/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Việc được đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối cả đường thủy, hàng hải, hàng không và đường bộ được kỳ vọng xóa các điểm nghẽn hiện nay.

Tứ giác kinh tế Đồng Nai – Bình Dương – Bà Rịa-Vũng Tàu – TP Hồ Chí Minh được đánh giá là khu vực phát triển kinh tế năng động, sáng tạo của cả nước thế nhưng việc kết nối giao thông liên quan tới cảng Cái Mép - Thị Vải và sân bay Long Thành (hai tâm mới của hoạt động kinh tế miền Đông Nam Bộ) lại là một trong những bất cập lớn nhất, trở lực lớn nhất hiện nay.

Hạ tầng giao thông đi trước… "làng nước" theo sau

Mối liên kết giữa Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh rất chặt chẽ và quan trọng do từng địa phương giữ vai trò riêng, là một mắt xích không thể tách rời nhau. Hiện nay, các dự án kết nối giao thông của vùng, đặc biệt là kết nối các trung tâm công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và kể cả Bình Phước, Tây Ninh… về Cái Mép - Thị Vải đã có quy hoạch có từ lâu nhưng việc triển khai còn chậm.

Nhìn rộng hơn, PGS-TS Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng việc kết nối hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ là vô cùng quan trọng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phục hồi, xuất khẩu của Việt Nam đã lên tới trên 200% GDP. Trong thời gian vừa qua, khu vực Đông Nam Bộ có dấu hiệu phát triển chững lại khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ…

Vùng Đông Nam Bộ có 2 dự án hạ tầng giao thông rất quan trọng là sân bay Long Thành và cảng Cái Mép – Thị Vải, kết nối hạ tầng là bài toán cần giải quyết nhanh, trước mắt là kết nối đường vào cảng Cái Mép và nạo vét luồng tàu, khai thác hết công suất của cảng này để ngang tầm với các cảng lớn trên thế giới.

"Hiện đường quốc lộ 51 từ Đồng Nai đến Vũng Tàu đã quá tải, gây khó khăn không chỉ cho lưu thông hàng hóa mà cả hoạt động du lịch của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Do đó, phải nhanh chóng làm tuyến đường mới từ Đồng Nai tới Vũng Tàu, giải quyết lượng hàng từ Bình Dương, Đồng Nai đi về cảng đó", ông Ngân nói.

"Để khai thác và phát huy hệ thống cảng biển, tăng cường kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì việc ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng là vô cùng quan trọng. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã và đang phối hợp với tỉnh Đồng Nai cùng Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư… đưa nhiều giải pháp thúc đẩy các dự án giao thông kết nối theo định hướng quy hoạch, đặc biệt là đầu tư dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu" - ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết.

Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã công bố các quy hoạch đường bộ, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa. Theo đó, rất nhiều công trình giao thông trọng điểm tại Đông Nam Bộ đặc biệt là ở 4 địa phương là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh sẽ được triển khai trong giai đoạn 2022-2026. Việc được đầu tư mạnh cho hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối cả đường thủy, hàng hải, hàng không và đường bộ được kỳ vọng xóa các điểm nghẽn hiện nay.

Còn tại Đồng Nai hiện đang triển khai hàng loạt các công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 như: Đường trục trung tâm TP Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường vành đai 3, các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành... Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, năm 2022, Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, trong đó tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng để bàn giao toàn bộ diện tích đất cho chủ đầu tư triển khai xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Địa phương có hạ tầng giao thông đường bộ hiện được xem là tốt nhất khu vực này là Bình Dương nhưng mọi con đường từ tỉnh về TP Hồ Chí Minh cũng như đi các tỉnh khác trong khu vực đều trong tình trạng quá tải trầm trọng - một minh chứng về sự nỗ lực và năng động nhưng mới chỉ ở cấp độ địa phương. Việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông đô thị của Bình Dương và thiết lập kết nối với các tỉnh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế vùng mà góp phần nâng cao đời sống của người dân, rút ngắn khoảng cách di chuyển.

Nói về tính cấp thiết của Dự án đầu tư đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia cho rằng, các vùng đô thị tại TP Hồ Chí Minh đã hình thành nhưng chưa gắn kết được. Đô thị không phát triển vì không có giao thông kết nối. Nghẽn giao thông còn gây khó cho doanh nghiệp khi họ chịu chi phí rất cao. Muốn hỗ trợ thì cách hỗ trợ lớn nhất là đầu tư để các doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển.

Nhiều chuyên gia đề xuất, kiến nghị các địa phương cần ngồi lại với nhau để thảo luận, phân tích lợi ích của việc kết nối giao thông. Ðồng thời, cần tập trung ưu tiên đầu tư mạng lưới hạ tầng có tính lan tỏa lâu dài. Khi có cái nhìn dài hạn, toàn vùng, các địa phương cần thực hiện xây dựng và cập nhật, chia sẻ dữ liệu chung để đánh giá thực trạng phát triển, lợi thế, từ đó, triển khai các dự án phù hợp với sự phát triển chung của vùng.

Tâm của hoạt động kinh tế Đông Nam Bộ đã dịch chuyển

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan trong 2 tháng đầu năm 2022 cho thấy, TP Hồ Chí Minh đã lấy lại vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước sau thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khi thu về gần 9 tỉ USD. Đây là tín hiệu rất tích cực, được người dân mong và doanh nghiệp mong đợi.

Ngay từ đầu năm thành phố đã ban hành quyết định 132 về trọn bộ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022 - 2025 theo hướng sẽ tập trung cho mũi nhọn đầu tiên là y tế. Vì thủng lưới y tế dẫn đến suy giảm kinh tế của thành phố, do đó TP Hồ Chí Minh đã tập trung đầu tư để nâng cao tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng, y tế điều trị, thuốc, vaccine... Đây là nền tảng để TP Hồ Chí Minh vững tin mở cửa toàn bộ các hoạt động về kinh tế - xã hội, ngay cả giáo dục như việc trẻ đi học trở lại hay mở các dịch vụ karaoke, vũ trường... Tới đây có du lịch quốc tế nữa thì coi như thành phố đã mở toàn bộ, trở lại như cũ. Đó là sự cố gắng rất lớn của TP Hồ Chí Minh.

Các chuyên gia nhận định, có nhiều điểm nghẽn của TP Hồ Chí Minh về hạ tầng, đất đai, giao thông, cơ chế... bị đóng băng lâu nay. Để TP Hồ Chí Minh phục hồi kinh tế một cách hiệu quả, không thể nóng vội, không thể làm theo những cách cũ mà cần có thay đổi triệt để.

Thời gian gần đây, tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều đơn vị đang khẩn trương triển khai xây dựng mới nhà máy hoặc nhanh chóng hoàn thiện nhà xưởng để có thể đi vào hoạt động. Các dự án đầu tư trên địa bàn với đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực cũng được định hướng phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, việc thu hút đầu tư có chọn lọc không những giúp loại bỏ những dự án không phù hợp, công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường, tiêu tốn nhiều nguyên liệu, mà quan trọng hơn là tỉnh đã và đang tạo ra một hệ sinh thái để những doanh nghiệp công nghệ cao, có tiềm lực tài chính, có uy tín, tin tưởng và mạnh dạn đầu tư.

Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh Bình Dương đã quyết liệt thực hiện đạt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển năm, trọng tâm là tập trung triển khai chương trình phục hồi, phát triển kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên.

"Bình Dương tiếp tục xác định lấy công nghiệp làm nền tảng, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Quan điểm nhất quán của tỉnh là xây dựng các khu công nghiệp nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội để phục vụ nhân dân. Bình Dương đã tạo được quỹ "đất sạch" rộng lớn để phát triển hạ tầng, tạo nên những khu công nghiệp tốt, hiệu quả trong mắt nhà đầu tư.", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng.

Nói về tâm của hoạt động kinh tế Đông Nam Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định: "Nếu 50 năm trước toàn bộ hoạt động kinh tế của miền Đông Nam Bộ xoay quanh hai tâm cũ là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Sài Gòn thì bây giờ hai tâm ấy được xác định là sân bay quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép.

Hình thành hai tâm mới thì toàn bộ giao thông phải hướng về hai tâm này. Nông sản ở miền Tây làm sao đưa về cảng Cái Mép nhanh nhất để xuất đi Mỹ, châu Âu. Công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ làm sao đưa về Cái Mép, đưa về sân bay Long Thành sau này nhanh nhất để đi ra nước ngoài.

Anh nào đi về cảng với chi phí rẻ nhất và nhanh nhất là lợi thế. Hai tâm mới tạo ra một vùng to lớn về lợi thế, chứ không phải khu vực nhỏ lợi thế.

Tôi tin rằng trong thời gian tới, hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông của tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung sẽ chuyển biến rõ nét, đột phá, đáp ứng nhu cầu và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của vùng".

Có thể thấy, Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ nhiệm kỳ này của Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh cũng xác định, đột phá về hạ tầng giao thông là một trong những kế hoạch trọng tâm của nhiệm kỳ. Quyết tâm đó, cộng với sự phối hợp đồng bộ, vì lợi ích chung của 4 "đầu tàu" nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, hỗ trợ sâu sát từ các Bộ, ban ngành, các nút thắt về giao thông của được kỳ vọng sớm được tháo gỡ, tạo bệ đỡ quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đúng tiềm năng, vị thế của Vùng.

Theo VTV NEWS

Tăng cường sự năng động cho khu vực tứ giác kinh tế Đồng Nai – Bình Dương – Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh | VTV.VN

Chia sẻ bài viết

Thong ke