Sự phục hồi của Mỹ năm nay là tin tốt cho công nhân Trung Quốc, người vận chuyển hàng hóa Hà Lan, nông dân Đức và nhiều hơn thế.
Nhờ việc tiêm chủng, nền kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt đến mức những thành quả của nó không chỉ nằm ở trong nước. Oxford Economics cho rằng, dự kiến Mỹ sẽ trở thành quốc gia đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng toàn cầu năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2005.
Sự đi lên của Mỹ đang tạm kết thúc thời kỳ thống trị lâu dài của Trung Quốc với tư cách là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trị giá 90.000 tỷ USD.
Gói chi tiêu của chính quyền Biden cùng với lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang thúc đẩy sự bùng nổ mới ở Mỹ và hỗ trợ các nước khác, nơi các chính phủ đã không phản ứng mạnh mẽ với đại dịch.
Khi người Mỹ chi 600 USD do chính phủ phân phát hồi tháng 1 cho đồ nội thất, máy tính xách tay và quần áo, Mỹ đã nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá kỷ lục 221 tỷ USD. Sau đó vào tháng 3, lại có thêm một đợt phát tiền nữa, trị giá 1.400 USD mỗi người.
"Chúng ta dẫn đầu thế giới. Và một phần tác động của gói kích thích có thể chảy ra bên ngoài", Kristin Forbes, một trong những cố vấn kinh tế Nhà Trắng của Tổng thống George W. Bush, bình luận.
Bằng chứng mới về tình hình tốt của Mỹ xuất hiện cuối tuần trước, khi Bộ Lao động báo cáo tháng 3 có thêm 916.000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất sau suy thoái là 6%. Bảng đánh giá hoạt động sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng cũng ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 12/1983.
Lợi thế của Mỹ là nhờ việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, cộng với chi tiêu hào phóng chính phủ. Tính đến cuối tháng 3, Mỹ đã tiêm chủng cho một tỷ lệ dân số lớn hơn gấp đôi so với Liên minh châu Âu. Còn sự phục hồi kinh tế châu Âu bị đình trệ khi tổng số ca nhiễm Covid-19 tăng cao. Pháp tuần trước tuyên bố phong tỏa lần thứ ba. Đức và Italy đã áp đặt hạn chế một phần với các hoạt động.
Hầu hết nhà kinh tế đều dự báo Trung Quốc năm nay sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn Mỹ. Nhưng vì nền kinh tế Mỹ trị giá 21.000 tỷ USD, vẫn lớn hơn đáng kể so với Trung Quốc, đóng góp của người Mỹ vào tăng trưởng toàn cầu sẽ lớn hơn một chút, theo Oxford Economics.
Vai trò của Mỹ trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu năm nay trái ngược với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi Trung Quốc tung ra một chương trình kích thích lớn tài trợ cho các tuyến đường sắt mới, sân bay, đường sá và các chương trình nhà ở xã hội. Sự bùng nổ xây dựng của Trung Quốc đã bơm tiền vào các nước sản xuất hàng hóa, giúp ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu.
Khi đó, nội bộ nước Mỹ vấp phải cuộc tranh luận gay gắt về thâm hụt ngân sách liên bang. Sự việc khiến các chi tiêu kích thích bị ngắt mạch và tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng toàn cầu của Mỹ năm 2010 chỉ bằng một nửa so với con số 28% trong năm nay, theo tính toán của Oxford Economics.
Còn giờ đây, để phục hồi kinh tế, Quốc hội Mỹ hồi tháng 3 phê duyệt gói cứu trợ 1.900 tỷ USD của chính quyền Biden. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cùng với khoản tiền 900 tỷ USD vào tháng 12, chúng đã thêm gần 1,5% vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu năm nay.
"Điều này không chỉ có lợi cho nền kinh tế Mỹ mà còn thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu", Laurence Boone, Nhà kinh tế trưởng của OECD, cho biết. Theo tổ chức này, tác động từ kế hoạch giải cứu của Mỹ sẽ lan tỏa đến tận Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Anh, Canada và các nơi khác.
Theo bà Boone, nhờ gói chi tiêu mới của Mỹ mà sản lượng toàn cầu đến cuối năm nay sẽ có thêm 3.000 tỷ USD so với việc không có. Điều này tương tự việc có thêm một nước Pháp vào nền kinh tế toàn cầu.
Được hỗ trợ bởi các khoản kích thích của chính phủ, người Mỹ đã chi tiêu thoải mái cho hàng tiêu dùng nhập khẩu, thực phẩm, đồ uống và thức ăn chăn nuôi, theo Cục Điều tra dân số. Nhờ gói kích cầu năm ngoái, họ đã tích lũy được khoảng 1.700 tỷ USD để chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Ngay cả khi hàng triệu người bị thiệt hại trong năm qua, tài sản ròng của hộ gia đình Mỹ đã tăng thêm 18.000 tỷ USD, theo Fed. Các doanh nghiệp Mỹ cũng tăng cường mua phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc và máy móc công nghiệp, được vận chuyển đến từ cảng Rotterdam sầm uất của Hà Lan.
Không chỉ vậy, lãi suất gần bằng 0 của Fed, được thiết kế để thúc đẩy hoạt động kinh doanh thông qua việc đi vay rẻ hơn, mang lại lợi ích cho các tập đoàn nước ngoài, cùng với các tập đoàn Mỹ.
Alibaba, gã khổng lồ Internet Trung Quốc, đã huy động được 5 tỷ USD trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp Mỹ vào tháng trước với lãi suất thấp nhất là 2,1%. Công ty cho biết họ có kế hoạch sử dụng số tiền thu được cho các mục đích chung của công ty, bao gồm nhu cầu vốn lưu động, trả nợ nước ngoài và tiến hành các thương vụ M&A.
Tương tự, Landwirtschaftliche Rentenbank, một ngân hàng phát triển được chính phủ Đức hậu thuẫn cho các khu vực nông thôn, đã trả lãi suất dưới 1% để huy động 1,75 tỷ USD.
Tuy nhiên, khả năng dẫn dắt của Mỹ có thể cũng chỉ nổi lên được trong năm nay. Theo Oxford Economics, Trung Quốc, quốc gia dẫn đầu đà phục hồi toàn cầu ban đầu vào năm ngoái sau khi kiềm chế đại dịch, dự kiến giành lại vị trí hàng đầu vào năm 2022, theo Oxford Economics. Theo IMF, Trung Quốc đã đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng toàn cầu mỗi năm kể từ năm 2000.
"Trung Quốc đã dẫn đầu sự phục hồi vào năm ngoái và Mỹ đang đón đầu năm nay. Sẽ thật tốt nếu đến lượt châu Âu vươn lên vào 2022-2023", Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, đánh giá.
Nhưng sự phục hồi quá nhanh cũng đi kèm nhiều lo lắng cho nước Mỹ và một phần thế giới. Một số nhà kinh tế, như Lawrence Summers, từng là cố vấn kinh tế hàng đầu của Tổng thống Barack Obama, nói rằng chính quyền đã làm quá nhiều để thúc đẩy nền kinh tế và đang tạo ra một vòng xoáy lạm phát.
Và việc các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào cổ phiếu và trái phiếu của Mỹ, tìm cách hưởng lợi từ nền kinh tế đang phát triển mạnh, đã khiến đồng USD tăng giá khoảng 10% so với euro và gần 8% so với yen.
Đồng USD tăng giá giống như một đợt giảm giá với hàng hóa châu Âu và Nhật Bản. Nhưng nó đã làm cho các sản phẩm của Mỹ trở nên đắt hơn với khách hàng ở thị trường nước ngoài, làm giảm giá trị xuất khẩu của Mỹ và khiến thâm hụt thương mại tăng cao.
Không giống như người tiền nhiệm Trump, Tổng thống Biden không mấy bận tâm đến việc thu hẹp thâm hụt thương mại. Điều này có nghĩa thâm hụt thương mại năm nay sẽ vào khoảng trừ đi 1% của tốc độ tăng trưởng mà OECD chốt cho Mỹ là 6,5%, tức 5,5%.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs dự báo thước đo rộng nhất của cán cân thương mại, tức thâm hụt tài khoản vãng lai, sẽ đạt đỉnh vào cuối năm nay ở mức 4,4% GDP. Đó sẽ là mức cao nhất trong 15 năm và gấp đôi con số của năm 2019.
Kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ cũng làm tăng lãi suất dài hạn, khi các nhà đầu tư đặt cược vào tăng trưởng hoặc lo lắng về lạm phát. Lãi suất trái phiếu 10 năm của Kho bạc Mỹ đã tăng lên 1,67%, từ 0,91% vào cuối năm 2020.
Nếu lãi suất dài hạn của Mỹ tăng mạnh - do các nhà đầu tư lo sợ lạm phát hoặc Fed buộc phải hạ nhiệt nền kinh tế - hậu quả có thể rất thảm khốc với các quốc gia đang phát triển mà mắc nợ nhiều.
Năm nay, 120 quốc gia đang phát triển dự kiến trả khoản nợ 1.100 tỷ USD. Nhưng 72 quốc gia trong số đó có thể không thể trả nếu không hy sinh chi tiêu cho việc tiêm chủng hoặc cứu trợ kinh tế.
Đại dịch đã đẩy hơn 100 triệu người vào tình trạng "nghèo cùng cực", với 250 triệu người phải chịu "nạn đói nghiêm trọng", Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết mới đây.
Nhà đầu tư đang rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi để kiếm lợi nhuận cao hơn ở Mỹ. Hơn 5 tỷ USD đã rời khỏi các nước đang phát triển vào tháng 3, điều mà một số nhà phân tích lo ngại có thể báo trước dòng tiền lớn hơn sẽ đến và làm suy yếu triển vọng phục hồi ở các quốc gia nghèo và thu nhập trung bình.
"Đó là một con dao hai lưỡi", Maurice Obsfeld, Giáo sư kinh tế tại Đại học California, cho biết. "Ảnh hưởng từ nhu cầu cao hơn của Mỹ đang giúp xuất khẩu cho các nước khác. Nhưng khi sự tăng trưởng của Mỹ dẫn đến lãi suất dài hạn cao hơn, đó là một tiêu cực lớn với các quốc gia này", vị chuyên gia nói.
Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của IMF, cảnh báo rằng các nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc có thể bỏ lại phía sau các quốc gia nghèo hơn vì chênh lệch tốc độ phục hồi. Theo số liệu của IMF, vào năm tới, các thị trường mới nổi có khả năng bị giảm 20% thu nhập bình quân đầu người, gần gấp đôi so với con số trong thế giới công nghiệp.
"Các triển vọng đang phân hóa một cách nguy hiểm không chỉ trong phạm vi các quốc gia mà còn giữa các quốc gia và khu vực", bà Kristalina Georgieva nói.
Các ngân hàng trung ương ở Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, ngăn chặn dòng vốn rời đi, hoặc vì cả hai. Và các nhà kinh tế tại BNP Paribas dự đoán việc tăng lãi suất bổ sung, bao gồm cả ở Mỹ Latinh, sẽ ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế. Khó khăn tài chính của các quốc gia đang phát triển có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi toàn cầu.
"Chúng ta đang đối mặt với một tình hình ngày càng nghiêm trọng," Achim Steiner, Quản trị viên của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc nói, "Nó còn lâu mới kết thúc. Nó đang trở nên tồi tệ hơn ở nhiều nơi trên thế giới".