Sử dụng năng lượng tái tạo - Vì tương lai Trái đất
15:46 30/03/2021
Ngày Trái đất năm nay, ngoài việc kêu gọi sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn năng lượng thì vấn đề cốt lõi đang đặt ra chính là phải dần thay thế nguồn năng lượng từ hóa thạch sang nguồn năng lượng xanh - năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH).
năng lượng tái tạo
Đây thực sự là một vấn đề cấp bách đối với tất cả các quốc gia trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng khi Trái đất đang hứng chịu lượng phát thải CO2 quá lớn và mọi nỗ lực kiểm soát khí nhà kính của các quốc gia chưa đạt được kết quả như mong muốn …
Nhiều nguồn năng lượng phát thải cao
Theo đánh giá của PGS, TS. Nguyễn Cảnh Nam thuộc Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam; Khoa Quản lý công nghiệp và năng lượng - EPU, đến năm 2019, Việt Nam có tổng phát thải CO2 từ tiêu dùng năng lượng sơ cấp (NLSC) - năng lượng chứa trong tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ, than đá…) là 285,9 triệu tấn, chiếm 0,8% tổng phát thải CO2 của thế giới và mức phát thải bình quân đầu người là 2,96 tấn/người. Con số này chỉ bằng 66,8% bình quân của thế giới và rất thấp so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực (bằng 65,2% của Thái Lan, 25,3% của Đài Loan, 23,7% của Hàn Quốc, 7,8% của Sigapore, 35,0% của Malaysia...).
Vấn đề của Việt Nam là: Quy mô và mức phát thải CO2 bình quân đầu người thấp chủ yếu là do quy mô và mức tiêu dùng còn thấp. Tổng tiêu dùng chỉ bằng 0,7% của thế giới. Tuy nhiên, quy mô phát thải lại chiếm tới 0,8% của thế giới. Còn tiêu dùng NLSC bình quân đầu người chỉ bằng 56,4% của thế giới nhưng mức phát thải bình quân đầu người lên tới 66,8% của thế giới.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng phát thải CO2 rất cao so với tốc độ tăng tiêu dùng NLSC. Năm 2019 tăng 20,6% và giai đoạn 2008 - 2018 tăng bình quân 8,5%/năm, trong khi tiêu dùng NLSC chỉ tương ứng là 10,7% và 8,7%. Theo đó, mức phát thải bình quân đầu người tính đến năm 2019 đã tăng rất nhanh, gấp khoảng 2,53 lần năm 2009.
Mức phát thải CO2 bình quân tiêu dùng NLSC đã tăng từ 62,06 tấn năm 2009 lên 69,39 tấn (tăng 11,8%), cao hơn 18,6% so với mức bình quân của thế giới; 29,0% của Thái Lan, 34,4% của Hàn Quốc và cao hơn của hầu hết các nước trong khu vực, ngoại trừ Ấn Độ và Indonesia. Như vậy tức là, cơ cấu tiêu dùng NLSC của Việt Nam đang thiên về loại năng lượng có mức phát thải cao.
Tình trạng nêu trên trong bối cảnh kinh tế - xã hội và tài nguyên năng lượng thời gian qua của đất nước là có thể chấp nhận được, song tác động của BĐKH ngày càng diễn ra khốc liệt, dẫn đến phải tăng cường giảm phát thải khí nhà kính quyết liệt hơn. Do đó, trong thời gian tới, việc thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng là cần thiết, tất yếu, nhưng cần phải kiểm soát chặt chẽ để giảm tốc độ tăng phát thải CO2 so với tốc độ tăng tiêu dùng năng lượng, đây cũng là 1 vấn đề cấp bách.
Đẩy nhanh tốc độ phát triển năng lượng tái tạo
Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo rất lớn. Để phát triển bền vững năng lượng tái tạo, chúng ta đã có chính sách vĩ mô về phát triển năng lượng tái tạo khá rõ của Đảng và Chính phủ. Đồng thời, thực tiễn Việt Nam đã khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió, điện gió biển gần bờ, điện gió ngoài khơi đăng ký trong năm 2020.
Tuy nhiên, theo TS. Dư Văn Toán, Viện Nghiên cứu Biển và hải đảo Việt Nam, việc thực hiện hóa chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện sóng, điện hải lưu ở nước ta đang tiến từng bước khá chậm, hoặc chưa thật sự tương xứng với tiềm năng hiện có do những rào cản nhất định, khó khăn về chính sách, văn bản pháp lý, quy hoạch đất đai, quy hoạch không gian biển, tiêu chuẩn kỹ thuật, kinh phí và nhân lực, đường truyền tải, giá cả. Ngoài ra, vấn đề xử lý chất thải từ các tấm panel điện mặt trời và cánh tua bin gió bị hỏng hoặc cuối đời dự án vẫn chưa được xác định rõ...
Vì vậy, theo TS. Toán, để phát triển năng lượng tái tạo bền vững từ sau 2021, cần xem xét một số vấn đề rất cụ thể như: Nghiên cứu, xây dựng ban hành Luật Năng lượng tái tạo Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý và chính sách phát triển năng lượng tái tạo nói chung và cụ thể chi tiết các phân ngành năng lượng tái tạo nói riêng của điện mặt trời (công nghiệp, mái nhà, nổi…); các phân ngành điện gió (trên bờ, móng cố định biển nông gần bờ, móng cố định ngoài khơi, nổi ngoài khơi...); điện sóng, điện hải lưu, điện sinh khối, tích hợp các loại nguồn khác…
Đồng thời, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, lộ trình trung hạn, dài hạn phát triển từng phân ngành điện mặt trời, điện gió với những chỉ tiêu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển kinh tế. Đặc biệt, cần sớm ban hành chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi đặc thù của Việt Nam với tầm nhìn dài hạn 30 đến 50 năm để đón nhận sự dịch chuyển công nghệ, tài chính điện gió ngoài khơi từ châu Âu đã hoàn thiện và chủ trương thực hiện đồng thời 2 Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2018 và Nghị quyết 55-NQ/TW năm 2020).
Phải xác định nghiên cứu triển khai về năng lượng tái tạo là nhiệm vụ khoa học công nghệ ưu tiên, được đầu tư mạnh mẽ, thông qua các chương trình khoa học công nghệ quốc gia về phát triển các phân ngành năng lượng tái tạo, đặc biệt quan tâm công nghệ thu gom, xử lý tái chế các tấm pin mặt trời, tua bin gió; cơ chế tài chính xanh, các-bon xanh cho phát triển năng lượng tái tạo.
Cơ cấu lại tỷ lệ nguồn điện Việt Nam
Cùng với việc đẩy mạnh các chiến lược phát triển điện gió, điện mặt trời, các dạng năng lượng tái tạo, tự nhiên khác, về cơ bản, cần thiết phải thiết lập lại cơ cấu nguồn điện của Việt Nam để tính toán một chiến lược lâu dài, bền vững. Theo TS. Nguyễn Xuân Huy, Chuyên gia Kinh tế Năng lượng, hiện cơ cấu nguồn điện của Việt Nam còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn thủy điện, nhiệt điện than. Cụ thể: Tổng công suất nguồn đã lắp đặt khoảng 69.094 MW chiếm phần lớn là dạng năng lượng thủy điện (30%), nhiệt điện than (30%) và năng lượng mặt trời (24%) cao nhất, sau đó đến điện khí - dầu diesel (13%), trong đó, chạy dầu diesel phát điện chỉ chiếm 2%, còn lại là các dạng năng lượng tái tạo khác và nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc (nguồn của Viện Năng Lượng - 2021).
Không thể phủ nhận, năng lượng tái tạo là xu hướng tốt mang tính bền vững, nhưng việc phát triển mất cân đối do tăng trưởng quá nhanh và quá nóng so với cơ cấu nguồn điện quốc gia sẽ dẫn đến một số vấn đề bất cập về mặt kỹ thuật, khai thác không hiệu quả, ảnh hưởng đến sự phát triển các nguồn điện khác và hệ thống an ninh năng lượng quốc gia. Để tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt mức từ 25% trở lên trong tổng công suất nguồn thì quy mô nền kinh tế phải tương đương với các nước phát triển có nền tảng công nghiệp hàng đầu thế giới.
Đồng thời, phải mạnh dạn giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than, không nên nhập khẩu thiết bị lạc hậu với lý do mang tính chữa cháy và tầm nhìn ngắn hạn. Ưu tiên khuyến khích phát triển điện khí và điện gió để nâng cao hiệu suất và bền vững. Trong phát triển cơ cấu nguồn điện, nên mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm các nước khác, cương quyết không lặp lại sai lầm từ những gì các nước đã trải qua và nhập công nghệ đã lạc hậu, bỏ đi.
Phải chú trọng quy hoạch cơ cấu năng lượng tái tạo theo tổng sơ đồ điện của quốc gia theo từng giai đoạn dựa trên nhu cầu phát triển khách quan của đất nước trong kế hoạch ngắn hạn và dài hạn, không chịu áp lực mang tính địa phương và các tác động của các “nhà đầu tư” cơ hội, tránh lợi ích nhóm, không chỉ phát triển cơ cấu nguồn điện mà phải phát triển đồng bộ lưới điện truyền tải và các dịch vụ hậu cần đi kèm.
TS. Nguyễn Xuân Huy - Chuyên gia Kinh tế Năng lượng