Sinh viên học nghề phục vụ ngành du lịch làm không hết việc
17:39 29/07/2022
Sau thời gian đứt quãng vì Covid-19, du lịch nội địa đang bùng nổ, khiến nhân lực ngành này khan hiếm nghiêm trọng. Các doanh nghiệp phải mời sinh viên làm thời vụ.
Tháng 9/2021, trong một tọa đàm do trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn tổ chức, nhiều sinh viên ngành du lịch lo lắng hỏi: "Tụi em học xong có việc làm không? Tại sao phải tiếp tục học du lịch trong tình hình này?".
Nhưng chưa đầy 1 năm sau, tình thế đã xoay chuyển hoàn toàn, nhân lực ngành du lịch kén chọn việc làm, chỉ làm ở những nơi có đãi ngộ tốt, lương cao; còn các công ty du lịch thì "chạy đôn, chạy đáo" để tìm nhân lực.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao chia sẻ: "Chưa bao giờ thấy chỉ trong vòng 1 tuần lại có 20 doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng sinh viên, mình chưa có nguồn cung cấp thì họ ký kết hợp tác trước để đặt hàng".
Theo ông Trần Phương, hiện thị trường nhân lực phục vụ ngành du lịch "khát" nhất là ở nhóm nghề bếp - ẩm thực, kế đến là nhóm nghề quản trị nhà hàng - khách sạn, cuối cùng là nghề hướng dẫn du lịch. Ông cảm thấy "chưa bao giờ người làm nghề du lịch lại có giá như vậy".
"Nhân lực du lịch đang khan hiếm chủ yếu là do Covid-19 kéo dài đã khiến quá nhiều nhân lực bỏ ngành, tìm kiếm công việc mới. Sau 2 năm bỏ ngành, họ đã có thu nhập ổn định với công việc mới nên cũng không có nhiều người quay lại. Có người quay lại thì cần thời gian mấy tháng để cập nhật kiến thức, lấy thẻ hành nghề…", ông Phương cho hay.
Bà Võ Thanh Thảo, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ quốc tế trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist, năm nay trường nhận được rất nhiều lời mời hợp tác cung ứng nhân lực. Ngày hội tuyển dụng 2022 mà trường mới tổ chức có hơn 20 doanh nghiệp đến tham gia tuyển người, chủ yếu là các công ty, tập đoàn du lịch lớn.
"Đang có sự cạnh tranh tuyển người gay gắt từ các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là ở mảng du lịch nội địa. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước bị chảy máu chất xám rất lớn vì các tập đoàn tư nhân chịu trả lương cao. Sinh viên trường đào tạo ra còn không đủ cung cấp cho Saigontourist", bà Thảo cho hay.
Ông Trần Phương cho rằng, khi dịch bệnh được khống chế, những địa phương phát triển du lịch nghỉ dưỡng như Phú Quốc mở cửa ồ ạt, trả lương cao để kéo người, hút hết nhân sự, khiến địa bàn TPHCM ngày càng thiếu nhân lực du lịch.
"Nhân sự du lịch ở TPHCM thiếu đến nỗi các doanh nghiệp phải tuyển sinh viên trường nghề làm thời vụ. Ở trường tôi, sinh viên ngành bếp sáng đi học, tối đứng bếp; sinh viên ngành hướng dẫn du lịch thì học các ngày trong tuần, cuối tuần lại đi tour, làm không hết việc", ông Phương nói.
Cũng nhờ du lịch nội địa khởi sắc mà các trường dạy nhóm nghề phục vụ ngành du lịch đang tuyển sinh rất tốt. Cô Võ Thanh Thảo chia sẻ: "Đến tháng 10, hệ đào tạo trung cấp của trường mới khai giảng sau vài tuần tuyển sinh trường đã nhận hơn 600 hồ sơ đăng ký, trong khi chỉ tiêu năm nay của trường chỉ là 800".
Còn ở trường Trung cấp Việt Giao hầu như đã tuyển sinh gần đủ chỉ tiêu trung cấp, hệ 9+, đang đẩy mạnh tuyển sinh hệ sơ cấp. Theo ông Trần Phương, thế mạnh của trường nghề là có các khóa đào tạo kỹ năng nghề sơ cấp, chỉ học vài tháng là có chứng nhận và đủ kỹ năng để làm nghề.
"Các khóa đào tạo ngắn hạn có thuận lợi là đào tạo nhanh, cung cấp gấp nhân lực có tay nghề cho ngành du lịch. Hầu như tuần nào trường Việt Giao cũng mở lớp mới để đào tạo mà không kịp để cung cấp nhân lực cho thị trường", ông Phương cho hay.