Thursday, 21/11/2024

Sầu riêng trở thành quà biếu thời thượng ở Trung Quốc

11:08 13/07/2023

Kinh Tế Số Việt Nam Online Ở quê của Ma Qian, sầu riêng trở thành lựa chọn thay thế các món quà biếu truyền thống khi đính hôn hay kết hôn.

Nho, xúc xích, sữa và nấm khô là quà biếu truyền thống ở vùng nông thôn tỉnh Hà Nam, quê của Ma Qian. Nhưng bây giờ sầu riêng, loại trái cây nhiệt đới xuất xứ Đông Nam Á đang được ưa chuộng ở Trung Quốc, trở thành lựa chọn thay thế.

"Em chồng tôi tháng trước đính hôn và mẹ chồng hỏi tôi có nên thay nho bằng sầu riêng hay không, bởi bà cho rằng biếu quà thế này thời thượng hơn", Ma, 20 tuổi, điều hành xưởng dạy vẽ cho trẻ em ở huyện Miyang.

Sầu riêng bày bán trong một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: VCG

"Bà và nhiều người trong làng lập tức thích sầu riêng sau khi ăn lần đầu. Buồn cười nhất là mẹ chồng tôi, người già nông thôn tằn tiện điển hình, nay lại thường bảo chúng tôi mua sầu riêng cho bà ăn", cô nói. "Người xưa tin rằng sầu riêng rất bổ dưỡng, ăn một quả bằng ba con gà".

"Mua cherry thoải mái", nghĩa là đủ năng lực mua trái cây đắt tiền mà không cần suy nghĩ, từ lâu đã trở thành từ thông dụng ở Trung Quốc như một biểu tượng của giàu có và thịnh vượng. Bây giờ, từ này chuyển sang "Mua sầu riêng thoải mái".

Nhờ ưu đãi thuế và thủ tục hải quan nhanh chóng theo hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chủ yếu giữa Trung Quốc và 10 thành viên ASEAN, lượng sầu riêng và trái cây nhiệt đới nhập khẩu tăng vọt, tiến vào nhiều thị trường hơn trong đó có các thành phố ở nông thôn.

"Sầu riêng đang là mặt hàng thời thượng nhất trong giới trẻ tỉnh lẻ. Tại các quán cà phê đều phục vụ bánh crepe sầu riêng, sầu riêng dừa xay", Ma nói. "Chúng tôi muốn mỗi tháng mua một quả ăn cùng gia đình. Giá dao động từ 40 tới 60 tệ/kg (5,6-8,4 USD)".

"Bây giờ, mọi người hay bàn chuyện làm thế nào để chọn được trái sầu riêng ngon như cuống dày, quả tròn, gai ngắn. Còn việc nó trồng ở đâu, chúng tôi không quan tâm lắm", Ma giải thích.

Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines, đều là thành viên RCEP và là nhà cung cấp sầu riêng chính cho Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc đang đổ xô vào thị trường, từ ký hợp đồng với các vườn sầu ở Việt Nam và Thái Lan, tới xây dựng dịch vụ hậu cần và sàn thương mại điện tử.

Bất chấp biện pháp kiểm soát nhập khẩu nghiêm ngặt trong thời kỳ Covid-19, năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi nhiều gấp 4 lần năm 2017, nâng tổng giá trị lên 4 tỷ USD.

Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu trong quý I năm nay đã tăng hơn 150%. Dữ liệu cho thấy giá nhập khẩu trung bình trong quý I là 38,3 tệ/kg (5,3 USD), giảm 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 5, doanh số bán sầu riêng trên Meituan, ứng dụng giao đồ ăn hàng đầu Trung Quốc, đã tăng 711% so với cùng kỳ năm 2022. Mùa cao điểm xuất khẩu sầu riêng từ Đông Nam Á là tháng 5 và tháng 6 khiến giá bán lẻ tại Trung Quốc giảm đáng kể, sầu riêng trở nên hợp túi tiền hơn với nhiều khách hàng.

Tại các chợ đầu mối khắp Trung Quốc, giá trung bình dao động từ 36 tới 52 tệ/kg (5-7,2 USD) tùy loại, theo tiểu thương tại chợ bán buôn rau củ và trái cây lớn nhất Trung Quốc ở Quảng Châu.

Zhang Liang, tài xế xe tải ở Kinh Châu, thành phố cấp huyện ở miền trung Trung Quốc, đã gửi một quả sầu riêng hơn 300 tệ (41 USD) cho vợ làm quà sinh nhật.

"Đàn ông thường mang nho, đào, rượu trắng tới nhà bạn gái nhưng bây giờ, họ cần mua một thùng sầu riêng, thứ sẽ khiến các bà mẹ vợ tương lai nở mày nở mặt trong khu phố", Zhang nói.

Bob Wang, nhà nhập khẩu sầu riêng, cho hay thủ tục nhập khẩu nhanh gọn giúp đưa sầu riêng tới mọi vùng miền của Trung Quốc chỉ trong ba ngày, mở rộng thị trường nhanh chóng. Wang đã ký hợp đồng với các trại trồng sầu diện tích hơn 3.000 hecta ở Việt Nam và lên kế hoạch nhập khẩu hơn 3.000 container, tương đương 60.000 tấn sầu trong năm nay.

"Sầu riêng đã nhanh chóng trở thành trái cây nhập khẩu phổ biến nhất ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi vẫn đánh giá thấp sự ưa thích của người Trung Quốc với nó", Wang, người sáng lập chuỗi cung ứng TWT, nói. TWT có hơn 3.000 tài xế khắp toàn quốc.

"Rất có thể nhu cầu sẽ tăng gấp đôi trong vài năm tới", ông nhận định.

Trung Quốc cũng đã thử trồng sầu riêng nội địa ở đảo Hải Nam dù mùa vụ đầu tiên gây thất vọng.

Nhưng đối với một số người, giá của loại quả này vẫn quá cao. "Tại huyện nhỏ như chúng tôi ở vùng xa xôi phía tây bắc Trung Quốc, giá trung bình là 70 tệ/kg (9,77 USD) và lên tới 96 tệ (13 USD) trong dịp Tết, đắt nhất cả nước", một người dùng Weibo cho hay. "Nếu không phải bạn gái thích ăn sầu riêng, tôi không dám bỏ tiền ra mua".

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/sau-rieng-tro-thanh-qua-bieu-thoi-thuong-o-trung-quoc-4628584.html

Chia sẻ bài viết

Thong ke