Sản phẩm độc đáo 'Giày thông minh cho người khiếm thị' của chàng trai 2k3
14:58 22/03/2022
Hiểu được những khó khăn của người khiếm thị trong việc đi lại, nam sinh đã sáng tạo sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”.
Hình ảnh những người bị khiếm thị gặp nhiều khó khăn khi di chuyển khiến Phan Văn Hoàng Anh (19 tuổi), ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, hiện là sinh viên năm thứ nhất, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, phải làm ra sản phẩm gì đó để giúp họ di chuyển thuận tiện hơn. Và rồi Hoàng Anh bắt đầu nghiên cứu, sáng chế ra sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”. Sản phẩm này của Hoàng Anh đã giành được giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho khối học sinh trung học tỉnh Tiền Giang năm 2021.
Ngay từ những năm học THCS, Hoàng Anh đã có đam mê sáng tạo và nghiên cứu khoa học bằng các thí nghiệm đơn giản nhất, gần gũi với cuộc sống. Bởi Hoàng Anh cho rằng nếu học lý thuyết mà không có thực hành thì mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Chính điều đó đã thôi thúc Hoàng Anh phải làm một sản phẩm từ những điều đã học vào cuộc sống.
Khi được hỏi về ý tưởng tạo ra sản phẩm “Giày thông minh cho người khiếm thị”, Hoàng Anh nói: “Người khiếm thị khi di chuyển phải sử dụng gậy khiếm thị nên họ gặp hạn chế là vừa phải cầm gậy, vừa di chuyển. Để khắc phục hạn chế này em tìm tòi, nghiên cứu chế tạo “Giày thông minh cho người khiếm thị”. Đây là sản phẩm góp phần hỗ trợ cho họ vượt qua những khó khăn trong việc đi lại để hòa nhập vào cuộc sống”.
“Giày thông minh” được gắn định vị GPS
Chia sẻ về cách sử dụng sản phẩm, Hoàng Anh cho biết người khiếm thị mang “giày thông minh” để di chuyển thì 2 cảm biến siêu âm ở phần đế giày sẽ phát hiện các vật cản trên đường
Nếu khoảng cách từ giày đến vật cản từ 20cm đến 100cm (đã được lập trình) thì tín hiệu sẽ được truyền đến các mô-tơ rung để phản hồi vào bàn chân. Vật cản ở phía nào thì tín hiệu sẽ truyền đến mô tơ tương ứng ở phía đó để rung, từ đó giúp người mang giày có những điều chỉnh thích hợp khi di chuyển để tránh vật cản.
“Trong trường hợp, người khiếm thị bị té ngã, cảm biến góc nghiêng sẽ truyền tín hiệu đến bộ xử lý trung tâm. Khi đó, một tín hiệu được truyền đến loa để báo động tìm sự trợ giúp và một tín hiệu truyền đến module GPS, từ đó truyền đến module sim và module sim sẽ gửi tin nhắn cho người thân về vị trí người khiếm thị bị té”, Hoàng Anh nói.
Theo Hoàng Anh, người khiếm thị mang “giày thông minh” thì đôi giày sẽ hỗ trợ tích cực khi di chuyển và giúp đôi tay có thể làm việc khác. Chi phí cho toàn bộ đôi giày là 550.000 đồng, đây là giá thành khá phù hợp so với các chức năng tiện lợi mà đôi giày mang lại. Bên cạnh đó, “giày thông minh” này còn được tích hợp tính năng khác như phần đế có dạ quang để tạo sự chú ý với những người xung quanh và giày được phủ một lớp keo chống nước nên khá an toàn khi gặp nước.
“Giày còn có remote điều khiển để phát hiện giày cho người khiếm thị. Khi họ bị thất lạc giày thì họ dùng remote bấm nút, hệ thống loa trong giày sẽ phát ra âm thanh để người khiếm thị xác nhận vị trí đôi giày cho dễ tìm”, Hoàng Anh cho biết.
Tuy nhiên, do nghiên cứu trong thời gian ngắn nên việc lắp đặt các thiết bị trong Giày thông minh cho người khiếm thị chưa thật bằng phẳng nên người mới mang giày có cảm giác cộm ở chân.