Ranh giới đỗ và trượt chỉ 0,1 điểm, cộng nhiều điểm ưu tiên bất công càng lớn
14:45 24/09/2021
Theo chuyên gia, ranh giới của đỗ và trượt chỉ cách nhau 0,1 điểm, nếu cộng nhiều điểm thì bất cập càng lớn, bất công càng nhiều giữa thí sinh.
Mùa tuyển sinh năm nay chứng kiến nhiều trường hợp thí sinh 27, 28 điểm trượt nguyện vọng 1 do điểm trúng tuyển một số ngành quá cao, vượt ngưỡng điểm tuyệt đối. Các chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân một phần do đề thi tốt nghiệp THPT quá dễ, điểm thí sinh cao khiến điểm chuẩn vì thế tăng theo. Để ngăn tình trạng này xảy ra vào năm 2022, các chuyên gia cho rằng Bộ GD&ĐT cần cải tiến độ phân hóa đề thi và bỏ điểm cộng để đảm bảo công bằng cho thí sinh trong cuộc đua vào đại học.
Bỏ điểm cộng ưu tiên
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đánh giá, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, chỉ khoảng 5% thí sinh đạt tổng điểm 3 môn tổ hợp xét tuyển từ 27, như vậy, bức tranh xét tuyển đại thể là bình thường. Điều bất thường nằm ở các ngành học lấy điểm quá cao, khiến nhiều em 27, 28 điểm vẫn không trúng tuyển nguyện vọng nào.
Để giải quyết bài toán "lạm phát điểm chuẩn" như hiện nay, cần thay đổi trong phương thức tuyển sinh đại học. Mục đích chính của kỳ thi tốt nghiệp THPT phục vụ việc xét tốt nghiệp. Nếu các trường sử dụng kết quả thi này để xét tuyển đại học thì chỉ phù hợp với một nhóm trường, đặc biệt các trường điểm chuẩn thấp khoảng dưới 25. Còn lại, các ngành hot, trường hot chỉ nên coi điểm thi tốt nghiệp là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường.
Sau đó, các trường cần đưa thêm bài thi để đánh giá năng lực thực của thí sinh và không có bất kỳ điểm cộng, điểm ưu tiên nào ở bài thi này để tạo nên sự công bằng. Làm như vậy chắc chắn sẽ chọn được người học vừa có năng lực, vừa phù hợp với ngành đào tạo.
TS Nghiêm Thúy Hằng, giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng cộng điểm vùng miền và đối tượng ưu tiên trong xét tuyển đại học tạo nên bất công cho thí sinh, đặc biệt là ở những ngành học điểm chuẩn cao.
Từ đó, bà đề xuất hai hướng giải quyết điểm cộng ưu tiên. Thứ nhất, siết điểm cộng tối đa từ 2,75 xuống 1 điểm. Không để điểm cộng làm ảnh hưởng lớn đến thứ tự xếp hạng cũng như cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học của thí sinh. Ranh giới của đỗ và trượt chỉ cách nhau 0,1 điểm. Nếu cộng nhiều điểm, bất cập càng lớn và bất công càng nhiều giữa thí sinh thành phố và nông thôn.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT có thể bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên hoặc trao quyền quyết định cho các trường đại học trong xét tuyển. Tuy nhiên việc giao quyền này cũng cần quy định khung điểm tối thiểu và tối đa để tránh lạm phát.
Cải tiến đề thi tốt nghiệp THPT
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cần được tổ chức nhưng phải điều chỉnh để đạt hiệu quả cao hơn để các trường yên tâm xét tuyển. Bởi nếu kỳ thi này chỉ dùng để xét tốt nghiệp thì không cần thiết.
Ông cho biết, việc tổ chức kỳ thi này gồm 3 khâu lớn: đề thi, tổ chức thi và xét tốt nghiệp. Trong đó, việc tổ chức thi và công nhận tốt nghiệp các địa phương đã chủ động. Bộ GD&ĐT lo đề thi chung. Đề thi chung nên kỳ thi cần diễn ra đồng loạt trong một thời điểm.
Từ thực tế phổ điểm các năm gần đây, TS Nghĩa cho rằng, vấn đề Bộ GD&ĐT cần giải quyết ở đây là hoàn thiện đề thi có tính phân hóa rõ rệt. Đề thi cần chuẩn hơn nữa bởi đó là thước đo quan trọng để đánh giá đúng chất lượng thí sinh và cũng để so sánh tương đồng giữa các năm. Điều này rất cần thiết cho chiến lược phát triển giáo dục lâu dài.
TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia cho rằng, việc điểm chuẩn đẩy tăng vọt là do đề thi tốt nghiệp THPT phân hóa không tốt, không thể phân loại được thí sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình.
Như với đề thi của 5 - 6 năm về trước, chỉ thí sinh nào học lực thực sự xuất sắc mới đạt từ 9 điểm trở lên, rất hiếm điểm 10, thí sinh giỏi ở mức 7 - 8, khá ở mức 5 - 6 và trung bình là dưới 5. Tuy nhiên hai năm trở lại đây khoảng cách điểm số giữa các mức trên đều bị thu hẹp và phân biệt không rõ. Thí sinh xuất sắc đạt 10 điểm, thí sinh giỏi 9,5, khá 9 điểm và trung bình 7 - 8 điểm.
Hai năm 2020, 2021, kỳ thi THPT chỉ đáp ứng được mục tiêu phục vụ xét tốt nghiệp mà phần nào không đảm bảo việc xét tuyển đại học. Nếu như đề thi trước đây thi 3 tiếng/môn thì nay rút xuống 2 tiếng và 1 tiếng/môn, thời gian ngắn, số lượng câu hỏi ít, không đủ để cán bộ ra đề thi đưa ra các câu hỏi phân hóa rõ rệt.
Sau 6 năm thay đổi hình thức thi THPT, xét tuyển đại học, đề thi theo hướng chuyển từ tự luận sang trắc nghiệm, có thể thấy kỳ thi ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Đã đến lúc Bộ GD&ĐT, chuyên gia, trường đại học lên phương án nghiên cứu và thay đổi mô hình kỳ thi như hiện nay để đánh giá đúng thực chất, thực học và đúng năng lực của học sinh phổ thông, TS Hiệp đề xuất.