Quản trị doanh nghiệp bền vững: Cơ hội phát triển trong bối cảnh mới
22:24 22/09/2022
Quản trị bền vững không còn là trách nhiệm mà là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh liên tục đồng thời là cơ hội phát triển trong bối cảnh mới.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), cho rằng quản trị bền vững và đánh giá doanh nghiệp trên khung ESG (kinh tế-xã hội-môi trường) không còn là trách nhiệm mà đã trở thành yếu tố để các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh mới.
Đây cũng là nội dung chính được đưa ra thảo luận tại hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi tư duy và hệ thống để tối ưu hóa quản trị doanh nghiệp bền vững,” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và VBCSD tổ chức, ngày 22/9.
Xu hướng dẫn dắt đầu tư
Tại hội thảo, bà Thanh phân tích quản trị bền vững giúp các doanh nghiệp quản lý quá trình lập mục tiêu và báo cáo dễ dàng, Bên cạnh đó, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trên thị trường đồng thời củng cố mối quan hệ với các đối tác.
“Các tác nhân chính thúc đẩy tiến trình quản trị doanh nghiệp bền vững là người tiêu dùng, cơ quan quản lý và đặc biệt là các nhà đầu tư. Hơn nữa, Chính phủ đã có cam kết về phát thải ròng, do vậy ESG không còn là câu chuyện của riêng các công ty đại chúng, công ty niêm yết, mà là của chung tất cả các doanh nghiệp Việt Nam,” bà Thanh nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch chuyên trách VCCI, Chủ tịch VBCSD cho rằng ESG đang nổi lên và trở thành xu hướng dẫn dắt cho hoạt động đầu tư trên phạm vi toàn cầu. Nhất là sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận các chuẩn mực ESG, với mục tiêu phát triển kinh tế phải đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển con người và xã hội.
“ESG mang ý nghĩa tài chính rất lớn. Bởi một công ty đầu tư theo khung ESG (cụ thể là đầu tư cho hoạt động quản trị doanh nghiệp khoa học, chuyên nghiệp) có nghĩa là đang cam kết phát triển bền vững. Điều này chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn. Tuy nhiên, việc thực hành ESG cũng như quản trị doanh nghiệp hiệu quả cần có sự đầu tư vàch uyển đổi tư duy toàn diện từ phía lãnh đạo doanh nghiệp,” ông Vinh nói.
Mô hình ba tuyến
Tại hội thảo, ông Joe Phelan, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á Thái Bình Dương của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Thế giới (WBCSD) đã có chia sẻ góc nhìn quốc tế thông qua bài giới thiệu “Mô hình ba tuyến cập nhật - Lồng ghép yếu tố ESG và các vấn đề phát triển bền vững.”
Từ các nghiên cứu của WBCSD, ông Joe Phelan cho biết các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xác định những rủi ro về ESG trong công tác quản trị rủi ro hàng năm, cho dù chỉ tiêu này đã được đưa vào báo cáo bền vững thường niên.
Do đó, đại diện của WBCSD đề xuất mô hình ba tuyến mới, trong đó ESG được tích hợp thông qua 3 trụ cột chính: Quản trị (bao gồm phát triển cơ chế quản trị và báo cáo theo khung ESG, gắn kết chặt chẽ với các bên liên quan); quản lý (bao gồm phát triển công tác tiếp cận đa nguồn lực, đánh giá rủi ro thực chất theo ESG và giám sát chất lượng dữ liệu/báo cáo về ESG) và cuối cùng là kiểm toán nội bộ (kiểm soát và bảo đảm tính chính xác của dữ liệu ESG trong doanh nghiệp, thúc đẩy công tác báo cáo về các ảnh hưởng kinh tế, xã hội của doanh nghiệp theo khung ESG đồng thời tương tác chặt chẽ với hai trụ cột còn lại).
Trong khi đó, bà Đỗ Hoàng Anh, Giám đốc Pháp lý và Đối ngoại British American Tobacco (BAT) khu vực Đông Á, đưa ra thông điệp “Kiến tạo giá trị chung của doanh nghiệp từ thực hành ESG."
Bà Hoàng Anh dẫn chứng ESG hiện được lồng ghép trong mọi hoạt động kinh doanh của BAT, điều này đã tạo ra các giá trị chung cho người tiêu dùng, nhân viên, cộng đồng và các bên liên quan.
“Thông qua các mục tiêu trung hòa cacbon, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước và duy trì không có rác thải chôn lấp song song với việc tái chế chất thải và sử dụng các nguồn cung bền vững, công ty đóng góp trong các nỗ lực chống biến đổi khí hậu, bảo toàn đa dạng sinh học và trồng rừng,” bà Hoàng Anh nói.
Sẽ xây dựng Bộ chỉ số khu công nghiệp bền vững
Tại hội thảo, VBCSD cũng báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng một số khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam theo khung kinh tế-môi trường-xã hội và quản trị (EESG) với số mẫu thực hiện chiếm 30% trên tổng số 397 khu công nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị bền vững thấp (chỉ 39% có chính sách quản lý rủi ro môi trường, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số).
Trên thực thế, các khu công nghiệp đã quan tâm đến chính sách quản lý rủi ro (tuân thủ luật pháp) nhiều hơn các chính sách mang lại sự phát triển bền vững cho khu công nghiệp và các doanh nghiệp tham gia.
Kết quả cho thấy chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý, đáng lưu ý 76% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp. Thêm vào đó, các giá trị hoạt động của khu công nghiệp chưa được đánh giá đầy đủ và chia sẻ rộng rãi.
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng bộ phận Quan hệ Đối tác (VBCSD), chỉ ra Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu về thực trạng hoạt động của các khu công nghiệp và các doanh nghiệp hoạt động trong đó.
“Báo cáo nghiên cứu cho thấy thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quản trị khu công nghiệp, như ban quản lý, chủ đầu tư và các doanh nghiệp,” ông Hải nói.
Do đó, ông Hải cho hay tiếp sau nghiên cứu này, VBCSD sẽ phối hợp thành viên Ban chỉ đạo Sáng kiến để xây dựng Bộ chỉ số khu công nghiệp bền vững dựa trên khung EESG và tiến hành thử nghiệm mức độ tương thích, phù hợp của Bộ chỉ số trong quản trị khu công nghiệp tại Việt Nam.