Phu nhân Chủ tịch Masan và Hòa Phát "kiếm" hàng trăm tỷ đồng chỉ 1 ngày
14:36 15/04/2021
Khi tài sản ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Đình Long lần lượt tăng 1.652 tỷ đồng và 2.506 tỷ đồng thì các phu nhân của hai vị tỷ phú USD này cũng "có thêm" hàng trăm tỷ đồng chỉ trong 1 ngày.
Thị trường vừa trải qua một phiên giao dịch kịch tính trong phiên 14/4 khi mà ngay từ đầu phiên sáng, chỉ số chính đã lao dốc xuống 1.233 điểm, đánh mất gần 20 điểm chỉ trong ít phút. Sau đó, phải mất 3 nhịp hồi phục, VN-Index mới xác lập được trạng thái tăng giá vào cuối phiên.
Rất nhiều nhà đầu tư tiếc rẻ vì "mất hàng" cổ phiếu tốt trong những nhịp rung lắc của thị trường. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là dịp để nhà đầu tư cơ cấu danh mục đầu tư sau một thời gian thị trường tăng trưởng quá "nóng".
Đóng cửa, chỉ số sàn tăng 7,54 điểm tương ứng 0,6% lên 1.255,87 điểm. Trong đó, riêng VN30-Index tăng 13,42 điểm tương ứng 1,05% lên 1.290,77 điểm. HNX-Index tăng 2,64 điểm tương ứng 0,9% lên 294,83 điểm và UPCoM-Index tăng 0,27 điểm tương ứng 0,32% lên 83,4 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã tăng: Tổng cộng 547 mã tăng giá, 73 mã tăng trần so với 375 mã giảm, 10 mã giảm sàn trên toàn thị trường.
Đáng chú ý, "trụ" đã đổi trong phiên giao dịch này, thay vào vai trò của VIC là nhóm cổ phiếu dẫn dắt HPG, MSN, VCB.
HPG tăng 5,8% lên 53.000 đồng, đóng góp cho VN-Index 2,55 điểm. MSN tăng trần lên 100.700 đồng, chính thức trở lại với nhóm cổ phiếu thị giá trên 100.000 đồng, qua đó đóng góp cho chỉ số hơn 2 điểm. VCB cũng đóng góp 1,18 điểm cho chỉ số chính.
Như vậy, MSN và HPG đã vượt đỉnh của hai mã này. Theo đó, cổ đông của MSN và HPG hưởng lợi lớn từ diễn biến tích cực của cổ phiếu.
Riêng trong ngày hôm qua, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group - gia tăng 1.652 tỷ đồng trong giá trị tài sản. Phu nhân của ông, bà Nguyễn Hoàng Yến - Thành viên HĐQT Masan Group - cũng có thêm 275,7 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày.
Tại Hòa Phát, tài sản ông Trần Đình Long tăng thêm 2.505,6 tỷ đồng và tài sản của phu nhân Chủ tịch Hòa Phát - bà Vũ Thị Hiền cũng tăng thêm gần 705 tỷ đồng.
Thị trường tăng nhờ một số mã lớn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cổ phiếu nhỏ giảm sức hút. Giữa lúc chỉ số rung lắc, loạt cổ phiếu penny như DLG, HQC, MHC, POM, SHI, TGG, DAH, SXV, HAI, HCD, SHA, TLH, VSC, AMD, CTI, FTM ồ ạt tăng trần, nhiều mã không hề còn dư bán, khớp lệnh lớn, có dư mua trần.
Tiền vẫn tích cực đổ mạnh vào thị trường với giá trị giao dịch trên HSX là 19.345,13 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 861,95 triệu đơn vị. HNX có 155,27 triệu cổ phiếu tương ứng 2.544,42 tỷ đồng và UPCoM có 71,65 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 927,68 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một dấu hiệu đáng chú ý xuất hiện trên thị trường trong phiên hôm qua là động thái bán ròng đột biến của khối nhà đầu tư ngoại. Khối nhà đầu tư này bán ròng tổng cộng 11,7 triệu cổ phiếu tương ứng 1.014 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Trong đó, riêng tại sàn HSX, khối ngoại bán ròng 10,3 triệu cổ phiếu tương ứng 991 tỷ đồng, tập trung tại những mã lớn như VHM, VNM, CRE, VIC, CTG, VRE, VPB, KBC, SAB. Riêng giá trị bán ròng tại VHM là 609,7 tỷ đồng, tại VNM là 165,1 tỷ đồng, tại CRE là 125 tỷ đồng và tại VIC là 121,7 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán BVSC, VN-Index đã kiểm định thành công vùng hỗ trợ 1.225-1.232 điểm và bật tăng trở lại về cuối phiên. Diễn biến này được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số tiếp tục duy trì đà đi lên và hướng đến thử thách vùng kháng cự 1.275-1.300 điểm trong ngắn hạn.
Tuy vậy, diễn biến của thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường.
Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt vẫn sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường. Phiên hôm nay (15/4) cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 4, sự kiến này có thể khiến các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 bị biến động mạnh trong phiên kế tiếp.