Phim 'Người phán xử' có làm cho tình hình tội phạm gia tăng?
15:06 15/09/2021
Ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho rằng sau khi VTV chiếu phim 'Người phán xử' thì tình hình tội phạm băng nhóm xã hội đen xảy ra nhiều đang gây tranh cãi trong dư luận.
Tại phiên thảo luận về dự án luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Thiếu tướng Lê Tấn Tới cho rằng, sau khi VTV chiếu phim “Người phán xử” thì tình hình tội phạm băng nhóm xã hội đen xảy ra nhiều. Thiếu tướng Lê Tấn Tới nêu thực tế: hiện có một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật như phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ... Trong khi đó, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa, vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo.
"Mới đây, sau khi VTV chiếu phim "Người phán xử" thì tình hình các băng ổ nhóm tội phạm xã hội đen, tự phán xử xảy ra rất nhiều. Đất nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng trong phim lại thể hiện pháp luật không giải quyết được mà để một ông trùm làm người phán xử, "phán xử" cả lực lượng công an", Thiếu tướng Lê Tấn Tới dẫn chứng.
Ngay lập tức, ý kiến của thiếu tướng Lê Tấn Tới đã nhận về nhiều sự quan tâm. Nhiều người cho rằng, không thể đổ lỗi về tình hình tội phạm gia tăng là do phim ảnh như thế.
"Người phán xử" có thực sự làm tăng băng nhóm tội phạm xã hội đen?
Diễn viên Việt Anh, người thủ vai Phan Hải, con trai ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng đóng) trong phim "Người phán xử" cho rằng, khán giả, công chúng hoàn toàn có thể đánh giá được vai trò, giá trị của phim ảnh đối với đời sống như thế nào.
“Nếu xem trọn vẹn bộ phim, khán giả sẽ thấy vai trò của công an, vai trò của chính quyền và đây không phải bộ phim nói riêng về tội phạm mà còn nói về tình cảm gia đình, cha con. Câu nói của ông trùm Phan Quân đã nhận được hiệu ứng rất lớn từ khán giả: "Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn các thứ khác có hay không có không quan trọng"", Việt Anh nói.
Theo NSND Trung Anh - đóng Lương Bổng trong “Người phán xử”, so với bản gốc “Ha-Borer” của Israel, phim đã được ê-kíp cắt đi rất nhiều tình tiết bạo lực, tình dục, tội phạm để phù hợp văn hóa Việt.
“”Người phán xử” đã tiết chế rất nhiều khi được chuyển thể kịch bản nước ngoài về Việt Nam. Các yếu tố bạo lực, tình dục, ma túy… đã được giảm để phù hợp với văn hóa của nước nhà. Nhiều tình tiết bản gốc rất khủng khiếp. Phim hành động mà không có cảnh hành động, đánh đấm này nọ thế thì gọi gì là phim hành động. Chúng ta hãy chỉ làm phim tình cảm gia đình thôi? Mỗi dòng phim đều có đặc điểm riêng của nó, không phải dòng phim nào cũng giống dòng phim nào”, NSND Trung Anh nói.
NSND Trung Anh cho rằng: "Theo tôi, phim phản ánh một phần thực tế xã hội, để người xem nhận ra cái xấu, cái ác, từ đó tránh được sai lầm. Không thể nói rằng Việt Nam không có những băng nhóm xã hội đen như thế. Trong thế giới ngầm có những vấn đề như thế, thậm chí thực tế còn kinh khủng hơn. Làm phim phải rất chân thực. Hơn thế nữa, bản thân bộ phim này còn rất đề cao giá trị gia đình”.
Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng cũng từng chia sẻ rằng điểm nổi bật nhất của bộ phim vẫn là đề cao gia đình là số 1 nên khi làm bất cứ điều gì mỗi người cũng phải nghĩ đến gia đình, bảo vệ sự bình yên của gia đình.
Ở góc độ khán giả, nhiều người cho rằng, phim ảnh hay văn học đều là hình thức nghệ thuật, phản ánh những điều thực tế từ xã hội, qua đó rút ra những bài học từ hiện thực làm cho cuộc sống phong phú và có tính giải trí... “Cho rằng một bộ phim của Việt Nam chiếu mà ảnh hưởng tới tăng tội phạm ở Việt Nam thấy không ổn về nghiên cứu, nhận xét, có phần phiến diện và chẳng liên quan. Tôi tin người hiểu biết và có giáo dục chẳng ai xem xong một bộ phim lại có thể thành tội phạm được cả”, một khán giả bình luận.
Phim truyền hình nên hết sức thận trọng, hạn chế bạo lực
Theo NSNA Việt Văn, Ủy viên Hội đồng duyệt phim quốc gia, cần phải rất thận trọng khi đưa ra ý kiến cho rằng sau phim “Người phán xử”, tỷ lệ tội phạm tăng lên vì phải có những con số xác thực để chứng minh điều đó, ví dụ trước khi phim “Người phán xử” được chiếu thì tỷ lệ tội phạm cụ thể như thế nào, sau đó tỷ lệ tội phạm tăng lên bao nhiêu… Phải có khảo sát dựa trên thực tế thì mới khẳng định được vì phim đo mà tăng số lượng tội phạm. Tội phạm bị bắt có khai là vì bắt chước phim “Người phán xử” hay không?
NSNA Việt Văn cho rằng, “Người phán xử” có kịch bản nước ngoài, là phim “remake”, thành ra phải đảm bảo một số yếu tố nguyên tác, không thể hoàn toàn Việt hóa 100%. Phim cũng có khá nhiều cảnh bạo lực. Ngôn ngữ đường phố nhiều. Không giống như phim điện ảnh, phim truyền hình không dán mác giới hạn độ tuổi. Phim truyền hình dành cho đối tượng chung, cả trẻ em, người già… vì thế cũng nên hết sức thận trọng, hạn chế bạo lực.
"Tác động phim ảnh đến hành vi của người xem rất lớn, vì phim ảnh là loại hình nghệ thuật phổ biến, đại chúng và có sức ảnh hưởng rất mạnh đối với tâm lý, tình cảm, suy nghĩ và hành động của người xem. Nếu như phim chiếu rạp có sự phân định độ tuổi khán giả thì phim truyền hình cho đại chúng xem cần phải cân nhắc kỹ, có thể có cảnh báo không làm theo phim", NSNA Việt Văn nêu ý kiến.
Theo NSNA Việt Văn, trong Luật Điện ảnh cũng đã có quy định về cảnh bạo lực trong phim, nhưng nếu quy định quá chi tiết thì rất khó. Theo sự phát triển của xã hội, nếu Luật quá chi tiết thì sẽ bị lạc hậu, còn quá khái quát thì không được. Nhà làm phim phải dung hòa, cân đối cảnh bạo lực, hành động thời lượng bao nhiêu, mức độ thế nào là vừa đủ./.