Thursday, 21/11/2024

Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

11:17 18/09/2023

Kinh Tế Số Việt Nam Online Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Theo đó, mục tiêu tổng quát được đề ra là phát triển công nghệ sinh học (CNSH) trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, thông minh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Phấn đấu phát triển một số sản phẩm CNSH có thế mạnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo quản chế biến nông sản, công nghệ sau thu hoạch, bảo vệ môi trường, dược liệu và y học... Bài viết này chỉ đề cập việc nghiên cứu, ứng dụng CNSH để thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Ảnh minh họa

Trước hết, phải nhận thức được rằng, phát triển và ứng dụng CNSH phải căn cứ vào thực trạng và những vấn đề đặt ra về phát triển CNSH bảo đảm khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh.

Đây là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của các cấp, ngành, địa phương được tập trung chỉ đạo thống nhất, hiệu quả.

Mặt khác, cần tạo môi trường thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CNSH; huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển chương trình, dự án, công trình khoa học để giải quyết các vấn đề bức xúc cần ứng dụng CNSH của các ngành, lĩnh vực.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2030, toàn tỉnh tập trung xây dựng hệ thống phát triển CNSH và đổi mới sáng tạo nhằm tạo bứt phá trong sản xuất.

Trong đó ưu tiên nhóm sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ nuôi cấy mô tế bào; chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết và tiếp cận, ứng dụng CNSH tiên tiến, hiện đại tạo ra các sản phẩm mới, chất lượng phục vụ thiết thực sản xuất và đời sống; đưa CNSH của tỉnh đạt trình độ tiên tiến trong khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trên một số lĩnh vực quan trọng; phấn đấu là tỉnh phát triển về sản xuất và dịch vụ thông minh về CNSH.

Đến năm 2045, Quảng Trị là tỉnh có nền CNSH phát triển; làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra một số sản phẩm có chất lượng được áp dụng vào thực tiễn sản xuất trên địa bàn; CNSH đóng góp tích cực vào tăng trưởng của tỉnh.

Nhiệm vụ đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp, các địa phương là tập trung chỉ đạo việc ứng dụng CNSH trong khai thác, bảo tồn, phát triển nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc trưng của tỉnh.

Trong đó coi trọng việc điều tra đánh giá hiện trạng các nguồn gen quý hiếm đối với các loại giống cây trồng, vật nuôi, động thực vật, cây dược liệu... phục vụ cho nghiên cứu, phát triển, khai thác và bảo tồn nguồn gen trên địa bàn.

Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao, phát triển các khu vực chuyên canh các loại cây, con mang tính đặc thù hoặc quan trọng phục vụ KT-XH.

Chú trọng phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn.

Tập trung nghiên cứu tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thời tiết, thổ nhưỡng của tỉnh.

Nghiên cứu, ứng dụng CNSH trong sản xuất giống thủy sản có chất lượng cao, kháng bệnh tốt phục vụ cho nhu cầu nuôi trồng thủy sản. Đẩy mạnh ứng dụng CNSH trong sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng; xử lý phế, phụ phẩm nông nghiệp và ô nhiễm môi trường nhằm nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, quan tâm ứng dụng và phát triển CNSH phục vụ bảo quản sau thu hoạch, chế biến sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm dược liệu. Nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện và làm chủ một số công nghệ sấy tiên tiến để tăng thời gian bảo quản, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của các sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng CNSH trong công nghiệp chế biến thực phẩm; sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; xử lý phụ phẩm nông nghiệp để tái sử dụng; chế biến các sản phẩm dược liệu, các sản phẩm nấm ăn...Từ đó, hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã CNSH trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển CNSH thì một vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có trình độ trong lĩnh vực CNSH. Theo đó, tập trung đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực có trình độ cao, làm chủ một số CNSH cùng với việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật chuyên ngành có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng CNSH vào sản xuất.

Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật viên về CNSH, kết hợp bồi dưỡng tập huấn chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới trong CNSH cho các tổ chức, doanh nghiệp tại địa phương; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo nhân lực CNSH có trình độ cao. Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng CNSH vào sản xuất.

Theo báo Quảng Trị

https://baoquangtri.vn/van-de-hom-nay/phat-trien-va-ung-dung-cong-nghe-sinh-hoc-de-thuc-day-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung/179869.htm

Chia sẻ bài viết

Thong ke