Nước có thể được đưa tới Trái đất nhờ các tiểu hành tinh từ rìa Hệ Mặt trời. Đây là nhận định của các nhà khoa học sau khi phân tích các mẫu vật hiếm có được thu thập trong sứ mệnh không gian của Nhật Bản kéo dài suốt 6 năm.
Với mục tiêu làm sáng tỏ nguồn gốc của sự sống và sự hình thành vũ trụ, các nhà nghiên cứu đang phân tích những vật chất gồm 5,4 gram đá và hạt cát/bụi được tàu thăm dò vũ trụ Hayabusa2 của Nhật Bản thu thập từ tiểu hành tinh Ryugu và mang về Trái đất trong năm 2020.
Các nghiên cứu về những mẫu vật này đang dần được tiết lộ. Vào tháng 6 năm nay, một nhóm nhà nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy vật liệu hữu cơ cho thấy một số khối cấu tạo sự sống trên Trái đất - amino axit - có thể đã được hình thành trong không gian.
Trong nghiên cứu mới nhất đăng tải trên tạp chí Nature Astronomy ngày 15-8, các nhà khoa học Nhật Bản và quốc tế cho rằng các mẫu vật thu được từ tiểu hành tinh Ryugu có thể cung cấp những "manh mối" giải đáp bí ẩn về cách thức các đại dương xuất hiện trên Trái đất từ hàng tỉ năm trước.
Theo nghiên cứu, các tiểu hành tinh loại C dễ bay hơi và giàu chất hữu cơ có thể là một trong những nguồn cung cấp nước chính của Trái đất. Việc cung cấp các chất bay hơi (gồm chất hữu cơ và nước) tới Trái đất vẫn đang là một chủ đề thu hút nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, những vật liệu hữu cơ được tìm thấy trong các hạt cát/bụi từ tiểu hành tinh Ryugu thông qua nghiên cứu này có thể đại diện cho một nguồn chất bay hơi quan trọng.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng vật liệu như vậy có thể có "nguồn gốc ngoài Hệ Mặt trời", nhưng "không chắc đó là nguồn chất bay hơi duy nhất được chuyển tới Trái đất thuở sơ khai".
Tàu thăm dò Hayabusa2 được phóng vào không gian năm 2014 với sứ mệnh nghiên cứu tiểu hành tinh Ryugu, cách Trái đất khoảng 300 triệu km. Con tàu này đã quay trở lại quỹ đạo của Trái đất vào năm 2020 và thả thiết bị chứa các mẫu vật chất thu được từ Ryugu.