Saturday, 23/11/2024

Phát hiện điểm yếu của phanh tự động ô tô

16:43 08/10/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Nghiên cứu chỉ ra rằng phanh tự động chỉ hoạt động tốt trong một số trường hợp cụ thể.

Phanh khẩn cấp tự động (AEB) được cho là một trong những công nghệ an toàn đáng giá nhất, giúp ngăn chặn thành công nhiều vụ va chạm từ phía sau. Nhưng tính năng này không thể tránh khỏi những hạn chế của nó. Điều này được chỉ ra bởi các thử nghiệm mới nhất từ ​Hiệp hội Ô tô Mỹ (AAA).

Hệ thống AEB lần đầu tiên xuất hiện vào giữa những năm 2000 trên các mẫu xe sang nhưng đã nhanh chóng mở rộng sang các phân khúc thấp hơn. Cho đến nay, ngay cả chiếc Nissan Versa S trị giá 15.580 USD cũng được trang bị AEB ở bản tiêu chuẩn.

Mặc dù AAA nhận thấy rằng hệ thống vẫn hoạt động tốt ở tốc độ chậm hơn, phanh tự động sẽ kém hiệu quả hơn nhiều ở tốc độ cao hơn hoặc khi cố gắng phát hiện các phương tiện đang di chuyển trên đường tại các giao lộ. Đáng lo ngại, phát hiện của AAA dựa trên các thử nghiệm bằng một số mẫu SUV phổ biến nhất tại Mỹ.

AAA đã thử nghiệm phanh tự động bằng một số chiếc SUV phổ biến tại Mỹ.

Tùy thuộc vào từng chiếc xe, AEB hoạt động dựa trên radar, camera, LiDAR hoặc thậm chí kết hợp những thứ này để xác định một vụ va chạm sắp xảy ra và áp dụng phanh tự động để ngăn chặn tai nạn. Nếu không thể, AEB thường làm giảm mức độ nghiêm trọng của một vụ va chạm từ phía sau.

Tuy nhiên, AAA lập luận rằng những vụ va chạm phổ biến bao gồm đâm ngang (hai xe va chạm tạo thành hình chữ T), rẽ trái gặp xe đang chạy và va chạm từ phía sau ở tốc độ cao cho thấy các lỗ hổng của AEB. Từ năm 2016 đến năm 2020, va chạm đâm ngang và rẽ trái ở các giao lộ đã gây ra 39,2% số trường hợp tử vong.

Tỷ lệ tai nạn giao thông tại các giao lộ ở Mỹ đang đạt mức báo động.

Do đó, AAA đã tiến hành thử nghiệm những kiểu va chạm kể trên cùng với phanh tự động động khẩn cấp AEB khi xe đang chạy tốc độ 30-40 dặm/giờ (48,2-64,3 km/h), thay vì tốc độ theo khuyến cáo là 12-25 dặm/giờ (19,3-40,2 km/h). Cùng với đó, các thử nghiệm va chạm từ phía sau được thực hiện khi xe tiếp cận một chiếc xe đang đứng yên.

Bắt đầu với thử nghiệm 30 dặm/giờ, AEB đã ngăn chặn được 17 trong số 20 lần va chạm, tương đương hiệu quả 85%. Khi một vụ va chạm xảy ra, tốc độ va chạm đã giảm 86%. Rõ ràng, hệ thống hoạt động rất tốt trong những điều kiện cụ thể này. Tuy nhiên, khi tăng tốc độ lên 40 dặm/giờ, chỉ có 6 trong số 20 lần chạy thử nghiệm tránh được va chạm từ phía sau, tỷ lệ thành công chỉ đạt 30%. Ở tốc độ này, tốc độ va chạm chỉ giảm 62%.

Trong các thử nghiệm xe đâm ngang hay rẽ trái khi có xe đang tới, AEB không thể cảnh báo người lái xe, giảm tốc độ xe hoặc tránh va chạm. Vì vậy, mặc dù có các máy ảnh và cảm biến, chúng chỉ đơn giản là không thể thích ứng với các tình huống khác nhau do các thử nghiệm này đặt ra.

Phát hiện của AAA được đưa ra chỉ vài tuần sau khi General Motors thu hồi 80 xe taxi tự lái vì phát hiện ra rằng chúng có thể dự đoán sai đường đi của phương tiện. Một bản cập nhật phần mềm đã được hứa hẹn sẽ khắc phục sự cố, nhưng nó nhấn mạnh rằng có thể làm tốt hơn trong việc bảo vệ người tham gia giao thông.

Phanh tự động khẩn cấp hoạt động kém hiệu quả hơn khi ở tốc độ cao.

Greg Brannon, giám đốc kỹ thuật ô tô của AAA cho biết: "Phanh khẩn cấp tự động thực hiện tốt trong một số trường hợp cụ thể mà nhà sản xuất đã thiết kế. Thật không may, những thông số này đã dần lạc hậu và các tiêu chuẩn của cơ quan quản lý vẫn chưa phát triển". Do đó, Brannon kêu gọi các yêu cầu thử nghiệm phải được cập nhật và được thực hiện với "tốc độ thực tế hơn".

Để phục vụ cho các thử nghiệm, AAA đã sử dụng 4 mẫu SUV đời 2022 bán chạy ở Mỹ bao gồm Chevrolet Equinox LT, Ford Explorer XLT, Honda CR-V Touring và Toyota RAV4 LE.

Cơ quan không đánh giá cách thức hoạt động của từng chiếc xe, nhưng có vẻ như tất cả chúng đều gây thất vọng trong nhiều bài thử nghiệm trừ bài kiểm tra va chạm tốc độ thấp từ phía sau. AAA cho biết tất cả các phương tiện đều được bảo dưỡng tại các đại lý trước khi tiến hành kiểm tra để đảm bảo rằng hệ thống AEB đang hoạt động hiệu quả nhất.

Liên quan đến những hạn chế của AEB là một nghiên cứu vào đầu năm nay cho thấy nhiều người lái xe không hiểu cách thức hoạt động của hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng và quá nhiều người có thái độ chủ quan, phụ thuộc vào các tính năng này để đảm bảo an toàn khi lái xe. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mặc dù có những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực an toàn, tốt nhất tài xế hãy coi các thiết bị hỗ trợ người lái là cách thức cuối cùng để tránh va chạm. Tính năng an toàn tốt nhất vẫn nằm ở một tài xế cẩn trọng.

Theo báo Tiền phong

https://tienphong.vn/phat-hien-diem-yeu-cua-phanh-tu-dong-o-to-post1474702.tpo

Chia sẻ bài viết

Thong ke