Nữ tiến sĩ tâm huyết với công nghệ chuyển đổi số ứng dụng
14:49 10/03/2022
Học vị càng cao thì càng phải làm được những điều thiết thực để giúp ích cho đời sống xã hội. Không chỉ ước nguyện suông, một nữ tiến sĩ cùng đội ngũ của mình đã cho ra hàng chục sản phẩm công nghệ chuyển đổi số mang tính đột phá và ứng dụng cao.
Khoa học là phải ứng dụng
Tiến sĩ Lê Thị Kim Nga (TP.Quy Nhơn, Bình Định) đã đảm đương vị trí Viện phó Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (thuộc Trường ĐH Quy Nhơn). Chỉ 2 năm sau, viện chính thức tự chủ về tài chính. Đây là bản lĩnh mà không phải trung tâm nghiên cứu khoa học nào của Việt Nam cũng làm được. Theo chị Nga, sự tự tin này được xây dựng trên 2 nền tảng cơ bản là đạo đức và tri thức.
Chị Nga kể lại ngày đầu tiên về khoa thì được trưởng khoa thông báo cho toàn thể giảng viên thông tin đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Trong thâm tâm chị luôn khao khát sau khi đi học về sẽ làm được cái gì đó để giúp cho người dân. Khoa học không thể là thứ học xong rồi để đó được. Và, để giúp đỡ cộng đồng rộng rãi thì thiết thực nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp.
“Ngay lúc đó, tôi có ý tưởng xây dựng hệ thống phần mềm quản lý tất cả các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh và nghiên cứu một số kỹ thuật xử lý hình ảnh chuyên sâu nhằm giúp bác sĩ có thể xem, tính toán và đọc kết quả từ dữ liệu một cách chính xác hơn, và có thể truyền tải đến các cơ sở y tế khác để nhận được hỗ trợ. Như vậy, người dân có thể không cần phải đi xa, ở tại bệnh viện địa phương nhưng có thể được bác sĩ chuyên gia ở tuyến cao hơn chẩn đoán. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh”, chị Nga nói.
Chỉ cần có thể triển khai được ý tưởng đột phá này, sẽ có rất nhiều người dân được hưởng lợi. Đặc biệt là với những người dân vùng nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn về đi lại, chi phí khám chữa bệnh hạn chế, việc ở tại địa phương nhưng vẫn được các bác sĩ cấp trung ương tư vấn, điều trị bệnh là một điều gần như chỉ có trong mơ.
Tôn vinh trí tuệ Việt
Nghĩ là làm, chị Nga đem ý tưởng của mình đi tham khảo ý kiến các bác sĩ có chuyên môn về hình ảnh thì được ủng hộ tuyệt đối. Các bác sĩ cũng cho biết thêm là phần mềm này đã có một công ty của Hàn Quốc chào bán với giá khoảng 1 triệu USD. Dù là sản phẩm cần thiết nhưng đó là mức giá nằm ngoài tầm với của phần lớn cơ sở y tế tại Việt Nam.
“Mình trăn trở rất nhiều. Trí tuệ người Việt không hề thua kém gì vậy tại sao mình không thể cho ra một sản phẩm tương tự, thậm chí tốt hơn họ mà giá thành chỉ bằng 1/10 mức giá họ đưa ra?”, tiến sĩ Nga cho biết chị đã đi qua rất nhiều câu hỏi như thế. Sau đó không lâu, sản phẩm đầu tiên của viện ra đời với tên gọi hệ thống phần mềm quản lý, lưu trữ, truyền nhận và xử lý hình ảnh y khoa QNPACS (QuyNhon Picture Archiving and Commucation System).
QNPACS với mục đích hỗ trợ chẩn đoán bệnh chính xác; kết nối nhiều chuyên gia thứ cấp từ nhiều bệnh viện nhằm hội chẩn, chẩn đoán (mục tiêu của telemedical - y tế từ xa - y tế thông minh, bệnh viện vệ tinh - bệnh viện hạt nhân); tiến đến việc không in phim nhằm giảm chi phí cho bệnh nhân và bệnh viện cũng như giảm thiểu ảnh hưởng môi trường. Ngoài ra, hệ thống còn là cơ sở dữ liệu lớn phục vụ việc nghiên cứu chẩn đoán tự động trong tương lai dựa vào các kỹ thuật của công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.
QNPACS đã nhận được Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2017, là sản phẩm duy nhất được vào chung kết cuộc thi Y tế thông minh 2018. Hệ thống QNPACS được đánh giá đáp ứng các tiêu chí của Thông tư 54/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế về Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh đối với hệ thống quản lý, lưu trữ và truyền nhận hình ảnh y khoa.
Đến nay, hệ thống QNPACS đã triển khai thành công tại một số bệnh viện như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định (2016); Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên (2017); Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước (2020); Bệnh viện Quốc tế Becamex, tỉnh Bình Dương (2019); Bệnh viện đa khoa An Phước, tỉnh Bình Thuận (2019); Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định (2018); Trung tâm y tế TX.An Nhơn, tỉnh Bình Định (2018); Bệnh viện đa khoa TP.Buôn Ma Thuột (2021).
Trong công văn của Sở Y tế tỉnh Bình Phước, khi nói về hiệu quả của phần mềm QNPACS, bác sĩ Trương Hữu Nhàn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước, cho biết: “Hệ thống kết nối và lưu trữ theo tiêu chuẩn quốc tế HL7, DICOM nên thuận lợi trong việc liên thông giữa các hệ thống. Khi cài đặt hệ thống trên nhiều bệnh viện, hệ thống không giới hạn số lượng bệnh viện và cung cấp các công cụ tính năng quản lý truy xuất dữ liệu các bệnh viện. Phần mềm hỗ trợ rất nhiều cho các bác sĩ trong việc đọc kết quả từ xa. Hỗ trợ hiệu quả cho công tác hội chẩn giữa các bác sĩ với nhau”.
Trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, bác sĩ Trần Văn Lợi, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Bình Định, đánh giá: “Khách quan mà nói, phần mềm QNPACS rất tốt, tương đương hoặc thậm chí còn tốt hơn phần mềm của nước ngoài”.