Nữ thợ săn hóa thạch và những phát hiện chấn động thế giới
10:18 31/08/2022
ANH - Hội tụ 3 điều bất lợi ở thế kỷ 19 - là nữ, tầng lớp lao động, nghèo - Mary Anning vẫn trở thành thợ săn hóa thạch vĩ đại.
Khoảng 200 triệu năm trước, trong kỷ Jura, đường bờ biển của thị trấn Lyme Regis, Anh, vẫn chìm dưới đại dương ấm áp với vô số sinh vật tiền sử sinh sống. Biển sau đó rút đi, nhưng những khối đá trầm tích mềm cấu tạo nên đáy biển vẫn còn lưu lại. Những sinh vật bị chôn vùi dưới đó dần dần hóa thành đá. Một phần đáy biển biến đổi, tạo thành các vách đá. Mỗi đợt sóng hay bão mạnh đều làm xói mòn các vách đá này, khiến hàng loạt hóa thạch lộ ra.
Thị trấn ven biển Lyme Regis cũng là nơi Mary Anning, người được coi là nhà cổ sinh vật học nữ đầu tiên trên thế giới, chào đời. Cuộc đời của bà đầy rẫy khó khăn và bi kịch nhưng cũng rất phi thường với những phát hiện gây chấn động giới khoa học.
"Mary Anning hội tụ ba điều mà bạn không muốn ở Anh vào thế kỷ 19 - là phụ nữ, thuộc tầng lớp lao động và nghèo. Thời đó, kể cả những phụ nữ có học thức cũng không được phép sở hữu đất đai hay bầu cử. Nhưng bất chấp hoàn cảnh tồi tệ này, bà ấy vẫn làm được những điều đáng kinh ngạc", nhà vận động Anya Pearson chia sẻ trên BBC.
Thời thơ ấu gắn liền với mảnh đất hóa thạch
Mary Anning chào đời tại thị trấn Lyme Regis năm 1799, theo Live Science. Gia đình bà rất nghèo. Trong số 10 người con, chỉ có Mary và anh trai Joseph sống đến tuổi trưởng thành. Cha của Mary, Richard, là một thợ đóng tủ và nhà sưu tầm hóa thạch nghiệp dư. Khi lên 5 hoặc 6 tuổi, Mary phụ giúp cha thu thập hóa thạch - một công việc thường khó hiểu với các cô gái.
Richard dạy con gái cách tìm hóa thạch trên bãi biển và làm sạch chúng. Ông cũng thường trưng bày và bán chúng để có thêm thu nhập. Giống như nhiều phụ nữ và bé gái ở Lyme Regis thời đó, Mary gần như không được học hành chính quy. Tuy nhiên, bà vẫn biết đọc, thậm chí tự học địa chất và giải phẫu.
Richard đột ngột qua đời vào tháng 11/1810 do những vết thương khi ngã xuống vách đá và bệnh lao. Joseph trở thành một thợ học việc, trong khi Molly, mẹ của Mary, khuyến khích Mary giúp gia đình trả các khoản nợ bằng cách bán những hóa thạch tìm được.
Những phát hiện chấn động thế giới
Khoảng năm 1811, khi Mary 12 tuổi, Joseph phát hiện một hộp sọ hóa thạch kỳ lạ. Mary sau đó đã tới tìm kiếm và cần mẫn đào được một bộ xương dài 5,2 m, có 60 đốt sống. Vài tháng sau, khi bà hoàn thành công việc khai quật, mọi người trong thị trấn đều biết bà đã tìm thấy một con quái vật. Nó trông vừa giống cá, vừa giống cá sấu.
Các chuyên gia nghiên cứu và tranh luận về mẫu vật bí ẩn suốt nhiều năm. Cuối cùng, nó được đặt tên là Ichthyosaurus, hay "thằn lằn cá" - mặc dù ngày nay, chúng ta biết nó không phải cá hay thằn lằn mà là một loài bò sát biển sống cách đây 194 - 201 triệu năm.
Anning tiếp tục săn hóa thạch trong những năm tháng thiếu niên. Từ năm 1815 - 1819, bà tìm thấy vài bộ xương thằn lằn cá hoàn chỉnh hơn, trong đó nhiều bộ được đưa vào các bảo tàng địa phương hoặc trở thành phương tiện giảng dạy. Tuy nhiên, những người đàn ông giảng về lý thuyết giải phẫu hoặc nguồn gốc của thằn lằn cá lại không nhắc đến người phụ nữ đã phát hiện, khai quật và làm sạch hóa thạch, giúp mang lại danh tiếng cho họ.
Phát hiện lớn tiếp theo của Mary thậm chí còn gây tranh cãi hơn so với hóa thạch thằn lằn cá đầu tiên. Năm 1823, bà trở thành người đầu tiên tìm thấy bộ xương hoàn chỉnh của Plesiosaurus, tên gọi có nghĩa là "cận bò sát". Mẫu vật quá kỳ lạ và tin tức lan truyền nhanh chóng đến mức không lâu sau, người ta đồn rằng hóa thạch là giả.
Nhà tự nhiên học Georges Cuvier ban đầu cũng không tin vào phát hiện này. Hiệp hội Địa chất London tổ chức một cuộc họp đặc biệt nhưng không mời Mary. Sau cuộc tranh luận kéo dài, Cuvier đã thừa nhận sai lầm của mình, theo Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.
Năm 1828, Mary tiếp tục tìm thấy một bộ xương khác thường với chiếc đuôi dài và đôi cánh. Một lần nữa, tin tức về phát hiện của bà nhanh chóng lan rộng. Các nhà khoa học trên thế giới, từ London đến Paris, đưa ra nhiều giả thuyết về sinh vật chưa từng biết đến, được đánh giá là quý hiếm và gây tò mò nhất trong tất cả các loài bò sát. Đây thực chất là hóa thạch đầu tiên của thằn lằn bay Dimorphodon, thuộc nhóm Pterosauria, được phát hiện bên ngoài nước Đức. Khác với Ichthyosaurus và Plesiosaurus, Pterosauria có cánh và được cho là động vật bay lớn nhất từ trước đến nay.
Nữ thợ săn hóa thạch không được vinh danh
Mary tiếp tục khai quật hết hóa thạch này đến hóa thạch khác. Bà bán các phát hiện của mình, thúc đẩy sự quan tâm của công chúng đến địa chất và cổ sinh vật học. Mọi người kéo đến những buổi trưng bày hóa thạch trên khắp nước Anh, ngay cả những bảo tàng lớn cũng phải chật vật để đáp ứng nhu cầu.
Bất chấp danh tiếng ngày càng cao của Mary trong việc tìm kiếm và nhận diện hóa thạch, giới khoa học vẫn ngần ngại khi công nhận thành tựu của bà. Các nhà khoa học nam - dù thường xuyên mua hóa thạch mà Mary phát hiện, làm sạch và nhận diện - vẫn hiếm khi đề cập đến bà trong các bài báo khoa học về số hóa thạch này, kể cả khi viết về phát hiện thằn lằn cá gây chấn động. Ngay cả Hiệp hội Địa chất London cũng không công nhận bà. Trên thực tế, họ không chấp nhận thành viên nữ cho đến đầu thế kỷ 20.
Mary qua đời vì ung thư vú vào năm 1847, khi mới 47 tuổi và vẫn gặp khó khăn tài chính, bất chấp những phát hiện khoa học phi thường trong suốt cuộc đời mình. Tạp chí của Hiệp hội Địa chất London đã đăng cáo phó của bà. Đây là lần đầu tiên họ tôn vinh một người không phải là thành viên của hiệp hội như vậy.
Ngày nay, Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London trưng bày một số phát hiện nổi bật của Mary Anning, bao gồm hóa thạch Ichthyosaurus, Plesiosaurus và Pterosauria. Giống như gần hai thế kỷ trước, các hóa thạch của bà tiếp tục thu hút khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới.
Bờ biển thị trấn Lyme Regis hiện là một phần của Bờ biển Kỷ Jura, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới năm 2001. Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu nghiệp dư và những em nhỏ yêu thích khám phá vẫn tới đây, tiếp nối công việc của Mary Anning và sẵn sàng cho những phát hiện lớn tiếp theo.