Thursday, 21/11/2024

Ninh Thuận đăng ký sở hữu trí tuệ nâng tính cạnh tranh cho nông sản

18:00 04/12/2022

Kinh Tế Số Việt Nam Online Từ nay đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu đạt mục tiêu tối thiểu 40% sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận...

Sơ chế sản phẩm nho đỏ ăn tươi tại Trang trại nho Ba Mọi (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ninh Thuận có nhiều sản phẩm đặc thù mang dấu ấn của vùng đất đặc trưng về khí hậu khô nóng.

Để nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc thù nhằm tạo niềm tin vững chắc đối với người tiêu dùng về nguồn gốc, danh tiếng và chất lượng sản phẩm. 

Nhiều sản phẩm đặc thù

Ninh Thuận có nhiều lợi thế để phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao trở thành đặc sản của địa phương.

Nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giúp người dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tỉnh rất chú trọng đến việc xác lập sở hữu trí tuệ để xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc thù của địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 21 nhóm sản phẩm; trong đó, có 2 chỉ dẫn địa lý cho nho và cừu; 10 nhãn hiệu tập thể gồm rau an toàn Văn Hải, rau an toàn An Hải, gốm Bàu Trúc, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, táo Ninh Thuận, tỏi Phan Rang, măng khô đặc sản Bác Ái, nho VietGAP Văn Hải, heo đen Bác Ái, lợn đen và gà Thuận Bắc; 9 nhãn hiệu chứng nhận gồm: nước mắm Cà Ná, dê Ninh Thuận, trái cây Ninh Sơn; nha đam, măng tây, tôm giống, rong sụn Ninh Thuận, chuối hột mồ côi Phước Bình, du lịch Ninh Thuận. 

Ông Phú Văn Ngòi, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) cho hay, để bảo vệ thương hiệu, các sản phẩm của hợp tác xã được gắn nhãn logo nhãn hiệu tập thể và dán “tem điện tử thông minh.”

Chỉ cần dùng ứng dụng trên điện thoại di động quét mã tem QR code được dán trên sản phẩm, người tiêu dùng sẽ truy xuất được toàn bộ thông tin xuất xứ, mẫu mã sản phẩm, quy trình sản xuất, chất lượng, giá cả tham khảo, hướng dẫn bảo quản sản phẩm thể hiện dưới dạng văn bản, hình ảnh, video. Qua đó, giúp người tiêu dùng biết rõ hơn về sản phẩm, từ đó yên tâm trong quá trình mua sắm.

Trên cơ sở nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ, hợp tác xã đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “thổ cẩm Mỹ Nghiệp” và đầu tư nâng cao chất lượng cho sản phẩm, nhất là phối hợp với các doanh nghiệp du lịch mở các tour đến tham quan, mua sắm ở làng nghề, ông Phú Văn Ngòi chia sẻ thêm.

Thời gian qua, nhiều sản phẩm khác của các cơ sở tại Ninh Thuận khi được công nhận đạt chứng nhận “sản phẩm OCOP Ninh Thuận” cũng đã từng bước khẳng định được thương hiệu.

Đến nay, Ninh Thuận có 69 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm); trong đó, có 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm xếp hạng 3 sao.

Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) cho hay hợp tác xã có 8 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao; 7 sản phẩm gồm táo sấy, nho sấy không đường, nho hồng sấy, mứt rau câu hồng vân, nho đỏ, mật nho, rượu nho đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị chất lượng và thương hiệu, tạo động lực cho hợp tác xã tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

“Trong bối cảnh hiện nay, hợp tác xã phải thay đổi tư duy, không chỉ sản xuất ra các mặt hàng chất lượng cao, mà còn phải tham gia vào khâu tiêu thụ sản phẩm, đăng ký bảo hộ sản phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao. Do đó, hợp tác xã sẽ tiếp tục hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa,” ông Nguyễn Khắc Phòng nhấn mạnh.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều cơ chế, chính sách, hướng dẫn và hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đăng ký, xác lập, phát triển tài sản trí tuệ. Hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp được quan tâm và khuyến khích, tạo điều kiện.

Nhiều sản phẩm hàng hóa, nông sản của địa phương đã được quảng bá trên các chuyên trang, website thương hiệu nông sản, các sàn giao dịch thương mại điện tử để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn và lựa chọn.

Theo đánh giá, phần lớn các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP đã có mặt tại hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh; thông qua các nhãn hiệu góp phần đảm bảo uy tín và sự nhận biết của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được bảo hộ. 

Đáng chú ý, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể còn giúp các hợp tác xã, nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Giải pháp hỗ trợ

Các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao uy tín, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng quét mã QR truy xuất thông tin sản phẩm chế chế biến từ thịt dê. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc thù của Ninh Thuận cũng đang phải đối mặt không ít khó khăn, tồn tại, hoạt động đăng ký bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ còn ít, chưa được quan tâm khai thác đúng mức và hiệu quả, nhất là việc bảo vệ và khuếch trương thương hiệu sản phẩm.

Để thúc đẩy sản xuất phát triển, gia tăng chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận đã ban hành đề án triển khai chiến lược sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đề án có tổng kinh phí thực hiện hơn 39,2 tỷ đồng nhằm phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ đồng bộ ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình phát triển các nhóm ngành trụ cột, nhất là các lĩnh vực có sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh.

Theo đó, từ nay đến năm 2025, Ninh Thuận phấn đấu đạt mục tiêu tối thiểu 40% sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu thông thường.

Đối với quyền sở hữu đăng ký từ 1-2 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mới; có 3-5 nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận được bảo hộ mới. Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu tăng trung bình 13-15%/năm.

Đến năm 2030, Ninh Thuận phấn đấu có tối thiểu 60% sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của tỉnh được hỗ trợ đăng ký bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu thông thường; 100% các sản phẩm đặc thù của tỉnh được hỗ trợ bảo vệ, khai thác, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền, để đạt mục tiêu đề ra, Ninh Thuận tập trung huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có uy tín và chất lượng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa có hàm lượng sở hữu trí tuệ cao.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tạo dựng và khai thác hiệu quả các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, dịch vụ; gắn việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với thực hiện truy xuất nguồn gốc để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Đối với các sản phẩm đã được xác lập quyền sở hữu trí tuệ, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, hội, hiệp hội liên quan là chủ thể đại diện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý tăng cường quản lý, cấp quyền sử dụng cho các cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp, đảm bảo việc cấp tem, nhãn hiệu chặt chẽ, đúng quy định.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng cường nhận thức về trách nhiệm bảo vệ uy tín sản phẩm, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, chủ động trong kinh doanh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đối với các sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm đặc thù, các đơn vị tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) xem xét, cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để được pháp luật bảo hộ.

Những sản phẩm đã được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Ninh Thuận khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các giải pháp công nghệ truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, từ đó “nâng sao OCOP” cho sản phẩm để hướng đến xuất khẩu.

Cũng theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, thời gian tới tỉnh tiếp tục tăng cường tổ chức các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP; hỗ trợ đăng tải sản phẩm trên các website của tỉnh, phát triển các làng nghề phục vụ khách tham quan du lịch.

Kết hợp với các tiểu thương chợ truyền thống, chợ đêm, địa điểm du lịch, điểm bán hàng OCOP, đưa các sản phẩm nông sản lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Đi cùng với đó, Ninh Thuận tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức để nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tăng năng lực nắm bắt thị trường đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao./.

Theo Vietnamplus

https://www.vietnamplus.vn/ninh-thuan-dang-ky-so-huu-tri-tue-nang-tinh-canh-tranh-cho-nong-san/833903.vnp

Chia sẻ bài viết

Thong ke